Dũng cảm là khi dám chiến đấu với nghịch cảnh, nhưng dũng cảm nhất vẫn là người dám buông bỏ để được là chính mình

Cuộc đời ai cũng phải đối mặt với khó khăn. Và lời động viên bạn thường nhận được là: Cố lên, hãy chiến đấu và vượt qua bởi vì bạn là một chiến binh. Nhưng nếu tôi không muốn là một chiến binh thì có được không?

Áp lực của một chiến binh

Hằng ngày, tin tức tích cực nhất trên mạng xã hội mà bạn hay đọc được là gì? Có phải là những câu chuyện đẫm nước mắt về một tấm gương vượt khó không? 

Và trong vô vàn những gương mặt được công chúng ngợi ca là “nhân vật truyền cảm hứng”, có phải họ mang mẫu số chung là vượt qua nghịch cảnh?

Và bạn tự cảm thấy xấu hổ với chính mình? Rằng nỗi đau của họ lớn lao nhường kia, bất hạnh của họ khôn tả thế này, vậy mà họ đã chiến đấu và chiến thắng. Còn bạn, vật lộn với một nỗi buồn bé mọn phù phiếm mãi chẳng xong.

Và bạn cảm thấy có thêm động lực để tiếp tục vật lộn, tiếp tục chiến đấu. 

Bạn đọc về Nick Vujicic, về Jack Ma, về H’Hen Niê, về vô vàn những con người đẹp đẽ và phi thường khác, những con người không chịu thua cuộc trước số phận, không chịu khoanh tay trước nghịch cảnh. 

Họ đã mạnh mẽ biết bao, dũng cảm nhường nào. 

Họ cả gan chiến đấu với chiếc cối xay gió cuộc đời bằng niềm tin mãnh liệt vào bản thân.

William Shakespeare có câu: “Khi trí tuệ và số phận giao chiến với nhau, nếu trí tuệ có gan dám làm dám chịu thì số phận sẽ không có cơ hội xô ngã nó”. Cuộc sống chứng minh lời của đại văn hào người Anh là chân lý. 

Vốn dĩ, người dám làm dám chịu không sợ thất bại chứ không phải kẻ không bao giờ thất bại. 

Họ dám làm và dám chấp nhận mọi kết quả, dám chấp nhận mọi cái giá phải đánh đổi cho quyết định của chính mình, dám chấp nhận cả bi kịch lẫn sự thua cuộc trước số phận. 

Và khi ấy, điều khiến họ mãn nguyện và hạnh phúc không phải hai chữ “thành công” mà là họ đã làm được điều họ muốn.

Họ thực sự là những chiến binh.

Thế những người còn lại là gì?

Có phải bạn từng mặc cảm và tự ti khi bạn đã không thể dũng cảm, mạnh mẽ, liều lĩnh như họ? Có phải bạn từng dằn vặt mình vì đã không dám làm điều mà bạn muốn? 

Có phải bạn từng chán ghét bản thân vì sự yếu đuối, hèn nhát cùng vô vàn những nỗi sợ hãi mông lung khó hiểu của mình? 

Có phải bạn từng ngấm ngầm xem mình là kẻ chẳng ra gì, một kẻ thua cuộc, một tên bại trận?

Những chiến binh, những người truyền cảm hứng rõ ràng không phải lúc nào cũng là động lực cho bạn. Họ đúng là cứu cánh để bạn có niềm tin mà ngóc đầu dậy và với tay leo lên vực thẳm của mình một lần nữa. 

Họ đúng là dàn cổ động viên tích cực, hăng say thúc giục bạn “cố lên Chiaki”, khiến bạn nạp thêm phấn chấn mà nỗ lực vượt qua ngọn núi nghịch cảnh. Nhưng cũng chính họ là áp lực đè nặng lên bạn. 

Áp lực phải là một chiến binh, áp lực phải mạnh mẽ, áp lực phải “cố lên” rất có thể một ngày làm bạn đuối sức, mệt nhoài và buông tay rơi.

Không ai khác, ngoài những chiến binh, làm cho bạn mất niềm tin vào bản thân, hoài nghi về giá trị của mình. 

Bạn thấy mình thấp kém và sự tồn tại của mình là vô nghĩa lý khi bạn tự đặt mình lên bàn cân so sánh với các chiến binh, xem các chiến binh là cách sống duy nhất đúng và là mục tiêu phấn đấu của cuộc đời. Và khi ấy, bi kịch mới thực sự xảy ra.

Có một thành công mang tên dám hạnh phúc

Một thiền sư hỏi các môn đồ của mình: “Tại sao các con sông luôn uốn khúc mà không chạy theo một đường thẳng?”. 

Mọi người cùng thảo luận, người cho rằng sống đi đường vòng sẽ dài hơn và chứa được nhiều nước hơn, người cho rằng sông trải dài và uốn lượn sẽ làm giảm áp lực cho bờ sông và đáy sông… 

Nhưng vị thiền sư nghĩ khác.

“Ta lại nghĩ con sông không đi đường thẳng mà phải đi đường vòng là bởi trên hành trình của mình từ suối nguồn ra biển khơi luôn có rất nhiều chướng ngại vật. Có chướng ngại vật nó vượt qua được, có cái không. 

Và vì thế con sông đi vòng để tránh, mục đích cuối cùng là hòa vào biển khơi”, vị thiền sư nói.

Mọi dòng sông đều uốn lượn. Uốn lượn để sống, để dài ra, để tồn tại và để đạt đến cái đích cuối cùng của cuộc đời: Hòa vào biển khơi. Chẳng ai trách những dòng sông yếu đuối, hèn kém hay cơ hội. 

Chẳng ai chê những dòng sông lười biếng và thiếu ý chí. Chúng lặng lẽ chảy, gặp chướng ngại thì đi vòng ra hướng khác để chảy tiếp. 

Đó là lý lẽ của chúng. Và cũng là lý lẽ của tạo hóa. Tạo hóa là tuyệt đỉnh của trí tuệ, tuyệt đỉnh của thích nghi. Bởi vậy mà chúng ta có trái đất hơn 4 tỷ năm chưa bị hoại diệt.

Vậy tại sao chúng ta lại không được sống như những dòng sông?

Làm chiến binh là một điều tuyệt vời. Nhưng không làm chiến binh cũng không có gì không tuyệt vời. 

Phẩm chất của mỗi người là khác nhau. Tính cách, hoàn cảnh, khả năng rèn luyện, khả năng chịu đựng, sức ì, độ bền, độ bật, khả năng bứt phá… không ai giống ai. 

Người ưa đối mặt thì chọn cách đối mặt. Người thích chinh phục thì chọn cách chinh phục. 

Còn nếu bạn hoặc tôi không đủ khỏe, không biết leo núi, sợ đau hơn bình thường thì chúng ta sẽ tìm một con đường khác. Bởi không bao giờ chỉ có một lối tới đích.

Hoặc nếu cả bạn và tôi đều ham muốn được là chiến binh, chúng ta quyết leo lên ngọn núi, quyết vượt qua, quyết thử thách bản thân mình một lần, mà đến lưng chừng sườn non đã thấy mỏi gối chồn chân, chúng ta hoàn toàn có thể dừng lại, quay về điểm xuất phát. 

Không đi nữa, không chinh phục nữa, không “cố lên” nữa. 

Điều đó cũng không có gì tệ hại. Bởi thế giới không bao giờ đủ chỗ cho tất cả mọi người cùng thành công. Không có ngọn núi nào đủ chỗ cho tất cả mọi người cùng đứng.

Chúng ta chọn thành công theo cách riêng, đó là được sống một cách dễ chịu mà không mang áp lực phải “cố lên”. Bạn ở trên cao, tôi ở dưới thấp, như vạn vạn cây cỏ trong khu rừng cuộc đời, có tầng có bậc, cộng sinh hài hòa vui vẻ. 

Nếu cây nào cũng muốn chen lên cao, khu rừng đã chẳng còn tồn tại vì các loài đã chết trước khi kịp lớn lên, chết vì khát vọng vươn cao bất lực của mình.

Mỗi người có một sự lựa chọn và chẳng có lựa chọn nào là duy nhất đúng. Chỉ có lựa chọn phù hợp với cuộc đời của riêng ta. 

Lựa chọn nào cũng phải trả giá, miễn là ta chấp nhận được cái giá phải trả. Sẽ luôn có vô vàn những điều tiếng ồn ào xì xào về cái giá mà bạn phải chi ra cho lựa chọn của mình. 

Nhưng nếu như bạn có quyền lựa chọn thì người khác cũng có quyền bình phẩm. Bạn làm gì là việc của bạn, họ nói gì là việc của họ. 

Chúng ta bình đẳng trong mọi việc làm, mọi suy nghĩ, mọi đánh giá. Và bạn không thể yêu cầu người khác phải đồng thuận, phải chấp nhận bạn nếu như chính bạn không thản nhiên chấp nhận mình như một sự tất yếu phải thế.

Những dòng sông cứ chảy trôi mà không quan tâm tới mọi phán xét. Bạn cứ việc đi vòng qua một ngọn núi thay vì phải “vượt qua” như những kẻ khác, sao phải bận tâm với những ì xèo. 

Bạn có giá trị của bạn, con đường bạn đi không đủ “ép phê” như ngọn núi chất ngất hiểm nghèo kia thì không có nghĩa nó bằng phẳng trơn tru. 

Mỗi người có một sự lựa chọn và chẳng có lựa chọn nào là duy nhất đúng. Lựa chọn nào cũng phải trả giá, miễn là ta chấp nhận được cái giá phải trả.

Chí ít bạn phải đi tìm 1 con đường vòng, một con đường thấp hơn nhưng xa hơn, lắt léo hơn và ai dám chắc không có hố sâu, vực thẳm hay rắn rết. Kiên trì hoàn thành con đường đó cũng là thành tựu của bạn. 

Trên tất cả, biết lượng sức mình, biết tránh điều chắc chắn sẽ làm mình tổn thương chính là lẽ sống của tạo hóa. 

Chỉ khi bạn yêu thương mình tha thiết như thế, bạn mới kéo dài dòng sông cuộc đời trước khi đổ vào biển khơi.

Thế nên, trên hành trình vô vàn chướng ngại của số phận, bạn đừng ngại giơ cờ trắng đầu hàng, đừng ngại quay đầu, đừng ngại từ bỏ. 

Thậm chí nếu không chảy tiếp như một dòng sông, bạn vẫn có thể chọn chốn dừng chân làm mặt hồ phẳng lặng. Biết dừng lại đúng lúc, từ bỏ đúng thời điểm cũng là một lựa chọn đáng quý và đáng giá. 

Thậm chí, cái chết cũng là một lựa chọn. Như lời hát Ngẫu nhiên của Trịnh Công Sơn, mệt quá thì tìm chốn nghỉ ngơi, nghỉ ngơi trên ghế đá hay nghỉ ngơi trong lòng đất cũng là một lựa chọn. Chỉ cần “tự mình biết riêng mình, tự ta biết riêng ta”.

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU