Một vét lửo loét lâu ngày không khỏi có thể là dấu hiệu mắc ung thư miệng. Bạn không nên chủ quan.
Vì chủ quan với vết loét nhỏ trong miệng mà phải cắt bỏ 1 phần lưỡi
Căn bệnh của Heather Johnson bắt đầu từ một vết loét nhỏ trong miệng ở bên phải lưỡi được cô phát hiện từ tháng 2 năm 2016.Ban đầu cô đã phớt lờ vét loét và nghĩ rằng, đó chỉ là một vết nhiệt miệng thông thường. Đến tháng 4, vết loét lan rộng và gây ra đau đớn nhiều hơn, người mẹ này mới tìm đến bác sỹ.
Ngày 26/5, tại bệnh viện Royal Derby, các bác sĩ dựa vào kết quả chụp MRI và CT chuẩn đoán cô đã bị ung thư miệng giai đoạn 4 và ung thư đang lan xuống cổ. Tình huống khi đó buộc các bác sĩ phải nhanh chóng tiến hành một cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 8 giờ để phá vỡ hàm, tháo lưỡi và các tuyến trong cổ - nơi mà ung thư đã lan ra để cứu sống bà mẹ.
Heather Johnson- người đã phải cắt bỏ một phần lưỡi vì ung thư miệng giai đoạn 4
Sau đó, các bác sĩ đã lấy một phần thịt từ cánh tay trái của cô để tái tạo lại phần lưỡi đã bị cắt. Sau cuộc phẫu thuật, bà mẹ 29 tuổi bị mất giọng và gặp khó khăn để ăn uống đúng cách. Cô phải giao tiếp với mọi người bằng việc viết xuống giấy.
Tôi cảm thấy hơi lúng túng với chiếc lưỡi mới của mình. Tôi cảm thấy giống như có một miếng thịt trong miệng, thay vì lưỡi.” Heather Johnson nói.
Nhưng thật may mắn, một tuần sau phẫu thuật, bà mẹ đã có thể học nói trở lại. Tiếp theo đó là tham gia những đợt xạ trị và hóa trị liệu. Việc ăn uống đã có phần đơn giản hơn. Cô đã có thể ăn những thực phẩm cứng rắn như bánh mì trắng.
Heather Johnson không phải trường hợp duy nhất bị ung thư miệng khi chưa đến 40 tuổi. Trước đó, Jennie Yoo, 28 tuổi, sống tại thủ đô Bangkok, Thái Lan thường xuyên bị đau nhức răng và xương hàm trên. Khi đến gặp nha sĩ cô đã bị sốc vì phát hiện mình mắc ung thư miệng. Cô gái này đã phải trải qua 10 đợt trị liệu với gương mặt bị biến dạng.
Jennie Yoo bị ung thư miệng giai đoạn cuối với phần má sưng to, không thể ăn, uống hay nói chuyện. Ảnh: ViraPress.
Ung thư miệng nguy hiểm như thế nào?
Ung thư miệng là kết quả của tổn thương ADN trong tế bào ở miệng và họng; thường xảy ra ở phần môi, trong khoang miệng, cuống họng, hạch amidan hay tuyến nước bọt. Đây là loại ung thư phổ biến thứ 6 thế giới, xếp thứ 4 trong các bệnh ung thư ở nam và thứ 8 ở nữ. Ung thư miệng có nguy cơ rõ rệt với người trên 40 tuổi nhưng hiện nay, căn bệnh đang ngày càng được trẻ hóa trong cộng đồng.
Trên thế giới, người ta ước tính mỗi năm có khoảng 500.000 ca mắc ung thư mới và khoảng 1,5-2 triệu người đang sống chung với căn bệnh này.
Dấu hiệu trong giai đoạn đầu của ung thư miệng rất dễ bị bỏ qua vì hầu như ai cũng có một vài lần bị nhiệt hay lở loét trong khoang miệng. Nếu không được phát hiện sớm, bệnh nhân có thể phải tiến hành phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Bệnh có thể gây tử vong và ít có cơ hội sống sót trong giai đoạn cuối.
Một bệnh nhân vừa phẫu thuật khi bị ung thư miệng
Có 3 nguyên nhân chính gây nên căn bệnh này chúng ta cần hết sức chú ý. Đó là do thói quen hút thuốc lá, uống rượu; do vệ sinh răng miệng kém và do virus HPV (virus gây ung thư cổ tử cung) gây nên. Yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư miệng của người bệnh.
Ngoài ra, thói quen nhai trầu cùng lá vôi sống cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng lên gấp 8,4 lần. Nếu vừa ăn trầu vừa hút thuốc lào thì tỷ lệ này tăng lên gấp 9,9 lần.
Vào năm 2003, Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư đã chứng minh trầu có chất gây kích ứng miệng, làm thoái hóa tế bào và dẫn đến ung thư. Tại Đài Loan, hơn 80% bệnh nhân mắc ung thư miệng đều có thói quen nhai trầu.
Các triệu chứng phổ biến nhất của ung thư miệng hay bị chúng ta bỏ qua
Làm gì để bảo vệ bản thân trước bệnh ung thư miệng?
a) Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
Nghiên cứu cho thấy, thói quen hút thuốc là không chỉ gây nguy hiểm cho phổi mà còn là tác nhân gây nên bệnh ung thư miệng. Nếu là người nghiện thuốc lá, hãy tập bỏ ngay từ hôm nay.
b) Hạn chế việc uống rượu và các chất có cồn
Các chuyên gia cho rằng, nguy cơ ung thư khoang miệng sẽ tăng gấp 6 lần ở những người thường xuyên uống rượu. Vì vậy, hãy uống rượu và các chất có cồn ở mức độ vừa phải. Chúng ta chỉ uống từ 1-2 ly/ngày thôi.
Hút thuốc là và uống rượu là nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư miệng
c) Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Tia UV từ ánh sáng mặt trời có liên quan đến nhiều căn bệnh ung thư như ung thư da, ung thư môi, ung thư miệng…Do đó, khi cần ra ngoài, bạn nhớ đeo khẩu trang, bôi kem chống nắng và tránh tiếp xúc quá lâu với ánh nắng.
d) Thường xuyên vệ sinh khoang miệng sạch sẽ
Tình trạng vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể trong việc chống lại các tế bào ung thư. Hãy đảm bảo bạn đánh răng đủ 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối đúng cách. Thay bàn chải đánh răng 3 tháng/lần và đi kiểm tra sức khỏe răng miệng ít nhất 2 lần/năm.
e) Ăn trái cây và rau quả
Cơ thể cần nhiều loại trái cây và rau quả để có thể tăng cường hệ miễn dịch và chống lại các tác nhân gây ung thư. 6 loại rau quả các chuyên gia khuyến cáo nên ăn thường xuyên bao gồm: việt quất (chứa anthoyanins), ngô, rau hẹ (giàu pectin), khoai lang (chứa lysine, xơ thực vật), bí ngô (giàu vitamin, canxi) và nấm (chứa chất pholysaccharide chống ung thư).
f) Thường xuyên “ghé thăm” nha sỹ
Nha sỹ sẽ là người thông báo đến bạn các khu vực bất thường ở trong miệng hoặc những thay đổi ở giai đoạn tiền ung thư. Việc thăm khám nha sỹ thường xuyên sẽ giúp chúng ta nắm bắt được sức khỏe trong khoang miệng của mình, phát hiện bệnh sớm hơn để tăng khả năng điều trị bệnh hiệu quả.
Ngoài ra, chúng ta không nên sử dụng các loại thuốc xịt chống hôi miệng và không rõ nguồn gốc. Bởi chúng có thể chứa chất hóa học không tốt cho khoang miệng chúng ta.