Đường phèn có tốt hơn đường cát? Chuyên gia bật mí điều khiến nhiều người giật mình

Nhiều người mách nhau nên ăn đường phèn sẽ "mát hơn" đường trắng, điều này có đúng không?

Đường phèn có mát, bổ hơn đường cát trắng?

Về vấn đề đường phèn có "mát hơn" các loại đường khác, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết bản chất hóa học của đường phèn là saccharose (sucrose), hoàn toàn tương đồng với đường cát trắng. Đường phèn được làm từ dung dịch đường và nước nên loãng hơn đường cát, tạo cảm giác "mát hơn".

"Tuy nhiên nếu ăn nhiều đường phèn thì tổng lượng đường đưa vào cơ thể vẫn có thể cao. Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy đường phèn có lợi cho sức khỏe hơn đường cát trắng", PSG.TS Lâm Vĩnh Niên nói.

Đường là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Gần như tất cả các thực phẩm đều có đường. Con người ngày nay tiêu thụ đường càng nhiều. Khi đường ăn vào cơ thể cũng sinh ra năng lượng nhưng là năng lượng rỗng không xây dựng cơ thể. Chế độ ăn thừa đường gây ra các bệnh lý chuyển hóa theo thời gian làm hỏng tim, thận, gan…

Chưa có bằng chứng đường phèn có lợi cho sức khỏe - Ảnh minh hoạ.

PSG.TS Lâm Vĩnh Niên khuyến cáo: "Đường phèn chỉ cung cấp đường saccharose mà không có thêm vitamin hay chất khoáng nào đáng kể. Lượng đường ăn vào trong ngày của đường phèn cũng tương tự đối với đường cát trắng.

Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ không ăn quá 100 kcal từ đường thêm vào thức ăn, thức uống mỗi ngày (tương đương 25 g đường mỗi ngày), đối với nam giới thì không quá 150 kcal (38 g đường)".

Tăng nguy cơ bệnh tật

Theo TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, đường phèn được làm từ mía, củ cải, cây cọ hoặc cây thốt nốt... Đường phèn được pha loãng hơn so với đường cát nên ăn sẽ có cảm giác "mát" hơn.

Tuy nhiên, việc ăn đường phèn thì bản chất cũng không khác gì so với đường cát trắng. Trong chế độ ăn thừa đường, đường sẽ chuyển hóa thành mỡ và tích mỡ trong cơ thể. Theo đó, đường sẽ chuyển hóa thành lipid trong gan và sẽ ảnh hưởng tới gan, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý gan, gan nhiễm mỡ nếu ăn quá nhiều đường.

Ngoài ra, chế độ nhiều ăn thừa đường sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề xấu của cơ thể như tăng nguy cơ rối loại chuyển hoá, hỏng răng, suy giảm hệ thống miễn dịch, mất ngủ, trầm cảm, suy giảm trí nhớ…

"Chế độ ăn nhiều đường khiến cho tuyến tụy hoạt động nhiều khiến cho insulin trong máu tăng, là nguyên nhân chính gây ra bệnh đái tháo đường", TS. Từ Ngữ nói.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ nên tiêu thụ đường dưới mức 5%/tổng lượng calo/ngày để tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì…

Vị chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo cần hạn chế ăn đường và các sản phẩm từ đường. Lưu ý một số một số sản phẩm nhiều đường cần tránh là nước tăng lực, nước ngọt, nước trái cây đóng chai, bánh kem, đồ ăn nhanh, bánh kẹo ngọt, siro… Nên xây dựng một cuộc sống lành mạnh, ăn đủ dưỡng chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và luyện tập thể dục thường xuyên.

 

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5 g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo của WHO là dưới 25g/ngày. Còn qua điều tra về mức sống của hộ gia đình Việt Nam cho thấy 62,86% số hộ gia đình có tiêu dùng nước giải khát có đường.

Kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh năm 2013 cho thấy tỷ lệ học sinh Việt Nam thường xuyên sử dụng đồ uống có ga trong 30 ngày của lứa tuổi 13-17 trung bình là 31,1%, trong đó trẻ em nam là 35,1%, trẻ em gái là 27,6%.

Bộ Y tế khuyến cáo đồ uống có đường sẽ thêm năng lượng ngoài khẩu phần ăn, đồng thời có thể mang lại cảm giác sảng khoái, ngon miệng, ăn được nhiều đồ ăn hơn đặc biệt là đồ chiên, nướng gây dư thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa, là nguy cơ cho các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường... Biến chứng nặng nề là bệnh tim mạch, nguyên nhân tử vong hàng đầu hiện nay, chiếm tới 33% nguyên nhân tử vong hàng năm.

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU