Duy Mạnh: Mọi người hay bảo tôi giang hồ, nhưng tôi có bao giờ doạ ai đâu? Muốn mời đến nhà ăn thôi. Em hiểu không?

Trong vấn đề từ thiện, tôi không theo phe nào cả. Tôi đứng giữa. Em hiểu không? Tôi chỉ đưa ra vấn đề về xã hội trên Facebook cá nhân. Thế thôi.

Điều tối kỵ là không bao giờ hô hào chuyển từ thiện vào tài khoản cá nhân

Trong vấn đề từ thiện, tôi không theo phe nào cả. Tôi đứng giữa. Em hiểu không? Tôi chỉ đưa ra vấn đề về xã hội trên Facebook cá nhân. Thế thôi. Và tôi đã nói về vấn đề từ thiện này từ lâu lắm rồi, từ cái lúc mà cả xã hội ai cũng thần thánh hoá việc làm từ thiện của giới nghệ sĩ.

Chừng 10 năm trở về trước, nghệ sĩ đã dùng cách đi làm từ thiện như một cách đánh bóng tên tuổi trên báo trên chí; song song đó, các bầu show cũng thi nhau tổ chức các đêm diễn từ thiện. Dù với hình thức nào thì cũng đều gắn với 2 chữ “có lợi”. Bầu show đứng ra tổ chức rất đông khán giả đến xem, nghệ sĩ mang danh đi hát từ thiện thì lại lấy cát xê rất ít. BTC chương trình sẽ trích ra một phần làm từ thiện, còn bao nhiêu thì bỏ túi. Cái đó cũng “ô-kê”.

Sau này, giới nghệ sĩ nghĩ ra trò đấu giá để làm từ thiện, tiền đấu giá được hô lên đến vài tỷ nhưng tiền cho vào quỹ từ thiện được bao nhiêu thì tôi không thấy nói!

Hiện tại, một số nghệ sĩ lên Facebook đưa hình ảnh nghèo khổ để cho khán giả động lòng tin tưởng mà trao tiền làm từ thiện. Khi có tiền nhiều, nghệ sĩ sẽ nảy sinh lòng tham. Bên nước ngoài, nghệ sĩ nổi tiếng làm từ thiện không ai đưa những hình ảnh ôm trẻ em nghèo, lội bờ lội ruộng phân phát quà lên Facebook để tạo lòng thương như thế cả. Họ chỉ dùng sức ảnh hưởng của mình để tổ chức một buổi giao lưu nào đó nhằm kêu gọi mọi người đóng góp vào 1 quỹ từ thiện chính thống.

Bản chất người nghệ sĩ là phải làm nghệ thuật, còn từ thiện nó chỉ là phần phụ. Họ chỉ nên dùng sức ảnh hưởng của mình để kêu gọi. Nếu để ý, sẽ thấy hai cái đó rất khác nhau.

Điều tối kỵ là không bao giờ hô hào chuyển từ thiện vào tài khoản cá nhân. Khi bạn chuyển tiền làm từ thiện vào một cái tổ chức hẳn hoi, ở đó có nhiều ban bệ quản lý chặt chẽ quy trình, bạn sẽ nhận được hoá đơn xác nhận cho số tiền bạn đã đóng góp.

Nếu bạn gửi tiền vào Mặt Trận Tổ Quốc, Hội Chữ Thập Đỏ thì sẽ hết sức minh bạch những chuyện này. Tất nhiên, trong cuộc sống lúc nào cũng có sai sót, nhưng khi bạn giao tiền gửi bạc vào một tổ chức thì sự sai sót đó đó sẽ ít hơn là giao cho 1 cá nhân và chưa có những chế tài cụ thể của luật pháp cho việc này.

Từ thiện là tốt nhưng phải sử dụng đúng mục đích, nhưng cái quan trọng không kém là phải đưa cho đúng đối tượng. Đưa không đúng người, sẽ đẩy người ta đến chỗ làm sai.

Bây giờ người ta hay lạm dụng cái chữ “tâm”. Khi tôi nhờ em chụp một tấm ảnh, em chụp đẹp. Tôi khen: Ô, em chụp có tâm quá! Như thế thì được. Còn khi ai đó tự vỗ ngực xưng mình là người có tâm thì tôi nghĩ cái đó không thật, hơi diễn rồi đấy.

Khi làm một việc gì đấy, tôi rất thích từ trách nhiệm. Nó rất đàng hoàng và rất sòng phẳng. Tại sao những chỗ như quỹ từ thiện nọ từ thiện kia, nhân viên chẳng bao giờ lên báo đài nói: Chúng tôi làm việc bằng cái tâm? mà họ nói: Chúng tôi làm vì trách nhiệm.

Thế nhưng, nghệ sĩ lại không ai nói: Tôi làm từ thiện bởi vì tôi thấy mình là nghệ sĩ và muốn cống hiến. Việc này là trách nhiệm của tôi. Họ thường nói: Tôi làm từ thiện bằng cái tâm! Dùng từ cái tâm nó rất là nhập nhèm, nó không có sự sòng phẳng, không có sự rõ ràng.

Người A nhờ tôi chuyển đến người B một khoản tiền. Nếu tôi đồng ý thì tôi phải thực hiện lời hứa đó bằng trách nhiệm của mình chứ không thể nói tôi chuyển tiền hộ bằng… cái tâm được. Có đúng không?

Không phải cứ giúp người ở miền Trung hay đâu đấy thì mới là từ thiện. Giúp được người khác đã là từ thiện rồi. Cứ đi giúp người xung quanh mình như người trong gia đình, hàng xóm, bạn bè - thì cũng là từ thiện hết. Không có tiền thì giúp sức!

Tôi rất thích các bạn trẻ theo đuổi dòng nhạc rap bây giờ. Họ mạnh mẽ lắm. Không như các nghệ sĩ hát nhạc trữ tình buồn ngày trước, lúc nào cũng muốn lấy cảm xúc của khán giả bằng những lời ngon ngọt, hay kể lể câu chuyện buồn cho khán giả thương mình, đồng cảm với mình.

Đồng ý là khai thác câu chuyện đời tư cũng là một cách nghệ sĩ gieo cảm xúc vào lòng công chúng, song sự sướt mướt đó lại có mặt trái thế này. Vì nghệ sĩ quá bi luỵ nên có những cá nhân lên chà đạp nghệ sĩ, vênh váo nói rằng: “Chúng tôi phải nuôi, thì các anh chị mới có ngày hôm nay thế này thế nọ”.

Tôi không đồng ý, tôi phản bác lại: Thật ra cuộc sống này rất công bằng, không ai nuôi ai hết, đó là sự thật. Nghệ sĩ họ phải lao động bằng chất xám thì mới có sản phẩm bán ra, đi hát, kiếm tiền.

Không cha mẹ nào với con cái mình rằng: Con ráng học đi sau này ra làm nghệ sĩ để thiên hạ nuôi con. Không bao giờ! Mà sẽ nói rằng: Con ráng học sau này khán giả yêu thích sản phẩm của con và họ sẽ mua. Và bản thân người nghệ sĩ cũng nên ý thức được chuyện: Đã là nghệ sĩ thì phải sống hết mình với đam mê nhiệt huyết, chứ đừng đứng trên sân khấu để nói: Quý vị ơi, tôi cống hiến cho quý vị đấy. Nhờ quý vị nuôi tôi mới có ngày hôm nay.

Nhìn giới trẻ kia kìa, họ lên sân khấu rất tự tin và nói: Tôi yêu tất cả quý vị, quý vị có yêu tôi không? Hãy cho tôi một tràng vỗ tay. Chỉ vậy thôi.

Tất cả phải sòng phẳng.

Tôi nói ra quan điểm thế thôi chứ thật ra tôi tự gọi mình là “thợ hát” để dễ chơi Facebook (cười).

Chơi Facebook để vui

Xã hội nào hay nghề nghiệp nào thì cũng đều có sự phức tạp của riêng nó. Khi tôi đi hát và tiếp xúc với dân xã hội, tôi thấy giới ấy cũng có những cái hay. Tất nhiên, tôi không đang đề cập đến vấn đề đời sống riêng tư cá nhân của họ với luật pháp. Tôi nói ở khía cạnh con người. Họ rất chân thành. Tại vì sao? Họ không diễn, nói sao thì là vậy.

Nhưng nghệ sĩ thì đôi khi bị sống bề ngoài, chính vì cái diễn của nghệ sĩ khiến người đối diện trở nên bay bổng lắm, yêu nghệ sĩ lắm rồi khi xảy ra chuyện người ta hụt hẫng hoàn toàn luôn, quay phắt sang thù nghệ sĩ là vì vậy.

Có những người nghệ sĩ quanh năm suốt tháng xây dựng hình ảnh đẹp, toàn làm chuyện tốt, không bao giờ chửi bậy chửi bạ một từ nào trên Facebook nhưng vẫn có group antifan hàng chục hàng trăm nghìn thành viên.

Tôi chơi Facebook hay nói bậy nói bạ. Cứ vài ngày là bị khoá trang cá nhân 1 lần, có khi chơi vui quá thì mất ngủ. Tôi sống bản năng quá. Nhưng tôi đã định rồi, trên mạng tôi không phải là nghệ sĩ. Tôi phân biệt ra đâu là công chúng đâu là khán giả. Công chúng là nhiều nhóm trong xã hội, người vào Facebook của tôi là công chúng. Còn khán giả là người trực tiếp bỏ tiền túi ra và đi xem tôi hát.

Và dù tôi có nói bậy nói bạ trên Facebook thì cũng chỉ bấm vào bàn phím thôi, không nói bằng mồm, livestream cũng ít chửi bậy lắm. Bởi vậy, nhiều người cảm thấy bất ngờ khi gặp tôi ngoài đời. Hỏi: Trên mạng thấy anh hay chửi lắm nhưng sao ngoài đời lại ăn nói nhẹ nhàng nhã nhặn thế?

Câu trả lời chỉ đơn giản thế này: Trên mạng đã nói bậy rồi thì ngoài đời không dám làm bậy. Còn ngày xưa đã làm bậy rồi thì không bao giờ dám lên mạng nói gì.

Mọi người cứ bảo tôi giang hồ. Tôi đã có bao giờ đe doạ ai đâu, chỉ trêu cho vui thôi. Em hiểu không? Ngày xưa có cả ca sĩ doạ tôi rồi. Tôi mời đến nhà ăn cơm định giết gà đã hẳn hoi, nhưng chả thấy ai đến (?).

Ngày xưa có cả ca sĩ doạ tôi rồi. Tôi mời đến nhà ăn cơm định giết gà đã hẳn hoi, nhưng chả thấy ai đến

Trước khi lấy vợ, tôi có nhiều bạn gái và sau khi lấy vợ tôi cũng vẫn có nhiều bạn gái. Nhưng quan trọng, vợ tôi không phát hiện ra (cười). Đến khi phát hiện được rồi thì… thôi. Đàn ông ấy đặc biệt là một người làm nghệ thuật, tôi nói em nghe là sự thật - để viết được những bài tình ca hay người ấy phải có những tình cảm khác đôi khi là ngoại tình tư tưởng. Dĩ nhiên, tôi biết ngoại tình không phải là hay và không được đem cái văn hoá đấy giáo dục cho nhiều người. Song, tốt nhất là mỗi cá nhân nên giữ sự ôn hoà giữa bản thân mình với các mối quan hệ xung quanh, làm gì làm vẫn giữ được hạnh phúc gia đình.

Trước khi lấy vợ anh có nhiều bạn gái, sau khi lấy vợ, anh cũng… nhiều bạn gái

Có nhiều ông cả đời không biết đến bồ bịch ngoại tình nhưng tự nhiên đùng cái bị vợ bỏ chỉ vì cái tội hiền quá, không có thú gì vui, suốt ngày chỉ biết chơi game uống rượu. Có những người chồng không có bồ nhưng khi nằm cạnh vợ thì mùi bốc lên vợ không chịu được, thế là cũng bị bỏ. Có những người thỉnh thoảng cũng khiến vợ ghen đấy, nhưng vợ vẫn không bỏ được.

Tôi với vợ cũng cãi nhau suốt ấy mà. Nhưng cuộc sống tôi thấy vợ chồng cứ cãi nhau mà vẫn ở được với nhau mới là hạnh phúc.

Lên Facebook, tôi cũng không tương tác với vợ. Thôi nói thật là tôi block luôn Facebook vợ rồi, khỏi vào khỏi đọc.

Quan điểm của tôi là không bao giờ thích khen vợ hay con cái trên MXH. Cảm xúc đó là riêng tư. Chứ bây giờ tôi thấy nhiều nghệ sĩ cứ đưa những hình ảnh hạnh phúc xong cuối cùng cũng không đi đến đâu. Cuộc sống vợ chồng không phải là tuyệt đối đâu, chưa biết ngày mai như thế nào nên mình cũng không cần khoe quá làm gì. Hạnh phúc của mình thì mình tự tận hưởng, tự vui, cũng không cần phải nói nhiều với người khác.

Tôi ít khi giữ tiền, hầu như không giữ. Mỗi lần tôi đi ra đường, vợ tôi cấp cho 500 nghìn để tiêu. Còn tôi muốn tặng gì cho cô nào thì đi vay bạn trước, sau này đi hát bớt lại tí tiền cát xê rồi tôi trả sau. Đấy! Như ngay cả tôi đi, hát một show được mấy chục triệu còn qua mặt vợ ăn bớt một tí làm việc riêng, huống hồ gì là chuyện từ thiện. Bảo sao!

Người trong xã hội đến với nhau vì 2 lý do. Một là vui hai là có lợi. Ví dụ như một ông doanh nghiệp ổng tìm đến nghệ sĩ vì ổng thấy cái vui gì đấy. Còn chưa chắc nghệ sĩ gặp doanh nghiệp lại thấy vui liền đâu, mà nghĩ về cái lợi nhiều hơn. Sau đấy hai bên hợp tác làm ăn, từ từ niềm vui sẽ đến. Hoặc trong cuộc sống bình thường, một anh chàng gặp một cô gái xinh đẹp, anh thấy yêu quá, vui quá thích quá nên mới đến với cô này để được yêu được vui. Nhưng khi gặp một chị đại gia, trong đầu chàng trai sẽ liền nảy số thôi thì kiếm tiền có lợi trước đã. Sau đấy đến với nhau, biết đâu lại có tình cảm lại trở thành vui.

Nhưng đấy là người ta, còn tôi nói này: Trong cuộc sống, khi làm bất cứ thứ gì tôi cũng muốn xuất phát từ niềm vui.

         

 

   

         

 

   

         

 

   

         

 

   

Theo Pháp luật & Bạn đọc

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU