6 chữ kinh hoàng dập tắt hạnh phúc muộn mằn
Tôi đón Beo chào đời sau 11 năm có chị hai của bé. Đặt tên em là Beo, tôi hy vọng con sẽ lớn lên như một chú báo rừng dũng mãnh. Lọt lòng mẹ, Beo nặng 3,3kg. Bác sĩ bệnh viện Gia Định khám cho con phát hiện con tím tái, hơi vàng da. Tôi cứ ngỡ con bệnh xoàng thôi, điều trị xong thì về nhà.
Ngày tôi ẵm Beo đi tái khám, bác sĩ thông báo tim Beo có vấn đề, cần được kiểm tra chuyên sâu. Dưới chân tôi, đất như sụp xuống khi bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng thông báo: “Con chị bị tim bẩm sinh”.
Bé Thiện Nhân được mẹ đặt tên là Beo - tên của một chú báo rừng.
Beo của tôi bị “tứ chứng fallot” - một ngôn ngữ y khoa mà tôi không hiểu lắm. Tôi chỉ biết, bác sĩ nói nếu không chữa, tim con sẽ ngày càng phình ra, chèn ép mấy đường ống dẫn tim, không bơm máu được. Về lâu dài, chứng bệnh này sẽ ảnh hưởng đến sự sống, đến tính mạng của con.
Lạ thật! Mấy lần siêu âm trong thai kỳ đâu có phát hiện gì bất thường! Hai bên nội ngoại không có ai bị bệnh. Tại sao Beo của tôi, đứa trẻ xinh đẹp của tôi lại bị tim bẩm sinh?
Bé Beo đã trải qua phẫu thuật mổ tim bẩm sinh khi chưa đầy 3 tháng tuổi.
Lục hết mọi nguyên nhân, tôi bắt đầu hoài nghi chính mình. Liệu có phải vì tôi đã lớn tuổi mà vẫn cố có con? Hay do tôi làm ở công ty điện tử, phụ trách công đoạn hàn chì, tôi đã nhiễm độc chì nên ảnh hưởng đến con?
Họng tôi tê rân. Ngực nặng như đá đeo. Tôi cảm thấy có lỗi khi tạo ra con nhưng không cho con được thân thể lành mạnh, khỏe mạnh như con người ta. Tôi thấy mình vô dụng...
3 tháng tuổi: Cuộc đại phẫu sinh tử
Chúng tôi mang con về trong ngổn ngang suy nghĩ. Bệnh viện nói bé Beo chưa đủ cân nặng, chưa đủ sức khỏe để mổ, hẹn quay lại khi con 8 tháng tuổi. Bác sĩ trù tính, ca phẫu thuật tốn khoảng 80 triệu.
Con số 80 triệu cứ lùng bùng bên tai. Ở Bến Tre, tôi còn mẹ già đau bệnh quanh năm. Quê chồng ở Bình Dương cũng không có đất đai nhà cửa gì để bán. Hai vợ chồng, đứa làm công nhân, đứa sửa xe cọc cạch ở lều lán ven đường, kiếm đủ tiền thuê nhà, nuôi con ở đất Sài Gòn đã đủ chật vật.
Chúng tôi chẳng có xu nào, biết lấy gì để cứu con? Tôi sẽ dành dụm thế nào trong mấy tháng để có tiền phẫu thuật đây? Ai sẽ cho vợ chồng tôi mượn tiền? Những câu hỏi cứ quay cuồng. Tôi chỉ biết, mình không thể buông tay.
Bé được phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đi hỏi khắp nơi, cuối cùng tôi được một người bạn “mách nước”. Ôm con sang bệnh viện Chợ Rẫy, tôi nộp hồ sơ, mong thằng bé sẽ có cơ hội được Quỹ Trái tim Hằng Hữu tài trợ phẫu thuật.
Khi đó, Beo khoảng hơn 1 tháng tuổi. Phước phần sao, thằng bé được chấp nhận, nên theo dõi và điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy luôn.
Từ khi nhập viện đến lúc mổ khoảng tháng rưỡi đổ lại. Không phải nghĩ về tiền nữa, nhưng tôi chẳng thể ngủ yên trong những ngày chờ đợi đó.
Lên bàn mổ, Beo nặng hơn 5kg. Tôi không dám nhìn cảnh bác sĩ đẩy con vào phòng phẫu thuật. Xót lắm! Và sợ nữa. Tôi từng chứng kiến cảnh những người mẹ đưa con vào phòng mổ vẫn còn tươi cười, khi đón ra, chỉ còn là xác thân lạnh ngắt. Ám ảnh lắm!
Bác sĩ nói, tỷ lệ thành công là 50:50. Ngay cả khi ca mổ thành công, cũng không thể chắc chắn trong tương lai, con sẽ hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi chẳng biết làm gì hơn là cầu nguyện. 50% cũng là đủ nhiều để tôi nuôi hy vọng.
Cậu bé và mẹ đã kiên cường vượt qua kỳ hậu phẫu.
Mổ xong, vẫn chưa yên. Con về nhà, ngực vẫn còn chỉ khâu. Da Beo "dữ", vết khâu hở xíu là mưng mủ xanh mủ vàng. Mỗi lần như thế lại sốt, lại hành cả đêm. Mấy tháng sau đó, hai mẹ con ẵm nhau ra vô bệnh viện tái khám thường xuyên. Đã có lúc, tôi cảm tưởng mình chẳng còn nước mắt để khóc nữa.
11 tháng tuổi: Trở thành bệnh nhân Covid-19
Vết mổ lành. Cu Beo đã đứng chập chững, dợm dợm chân đi. Con chịu khó ăn, thích cười giỡn với mẹ lắm. Tôi thở phào, nghĩ rằng mình có thể tạm yên tâm. Chặng đường phía trước sẽ dễ thở hơn, dù vẫn phải giữ gìn hết sức, không dám chọc giỡn quá đà, không chơi cút hà với con để tránh bé giật mình.
Cu Beo vừa trở thành bệnh nhân Covid-19.
Nhưng sự xui rủi hình như không ngừng đeo bám chúng tôi. Hồi cuối tháng 9, tôi nhận tin hai mẹ con dương tính với virus SARS-coV-2.
Nhà chúng tôi ở Gò Vấp. Tôi vừa đi làm lại công ty sau mấy tháng nghỉ dịch. Cu Beo ở nhà ba trông. Khi ra quán sửa xe, anh cũng ẵm con theo. Không có cách nào biết hai mẹ con nhiễm bệnh ở đâu.
Tôi như hóa điên, hỗn độn trong đủ loại cảm xúc tiêu cực: Thất vọng, cáu kỉnh, giận dữ, bất lực... Tôi cảm thấy như Thần Chết đang đuổi bám con mình, đang thử thách sự kiên nhẫn và tình yêu của tôi với bé.
Tôi nổi da gà khi nghĩ đến những người đã tử vong vì Covid-19. Nhiều người trong số họ có bệnh nền, giống như bé Beo của tôi. Thằng bé vừa trải qua đại phẫu mấy tháng trước, vẫn đang trong quá trình hồi phục, giờ thêm virus, không biết sẽ thế nào. Liệu chúng tôi có thể may mắn tiếp nữa không? Tôi không dám nghĩ xa hơn nữa, chỉ mong thằng bé đủ kiên cường để chiến đấu.
Hai mẹ con được nhập viện theo dõi, điều trị. Nhìn beo sốt cao, ngủ li bì, nằm vắt vẻo trên giường bệnh viện suốt nhiều ngày, tim tôi như có ai bóp chặt lại. Đến lượt mình, khi những triệu chứng bệnh dồn dập đến, cả thể chất và cảm xúc kiệt quệ, tôi chỉ sợ mình chết.
Nụ cười của con đã kéo tôi lại. Những ký ức về ca đại phẫu, về sự kiên cường của con đã vực tôi dậy. Tôi không thể đầu hàng...
Sau 18 ngày, điều tôi mong mỏi nhất cuối cùng đã đến: Hai mẹ con đã âm tính với virus, đủ sức khỏe để về nhà.
Ba mẹ dành hết tình yêu thương, chăm chút cho Beo.
Tôi đã có thể đi làm trở lại, chồng cũng nhúc nhắc ra lán sửa xe. Gọi là lán, vì chồng tôi chỉ ngồi ké một khoảnh đất ven đường, dựng lều tạm lên. Mỗi ngày như vậy, chủ đất lấy 50 ngàn, bữa nào nghỉ thì thôi. Sau mấy tháng nghỉ dịch Covid-19, tiền cạn, nhưng chúng tôi vẫn còn bé Beo bên cạnh mình.
Tim của bé đã ổn định. Các mốc phát triển của con không thua kém các bạn khỏe mạnh. Nhưng bác sĩ cũng nói, tim của con mỗi ngày sẽ phình thêm một chút. Cứ với đà đó, tới mười mấy tuổi có thể bé Beo phải mổ thêm lần nữa. Từ giờ tới đó tôi cũng chưa có phương án gì, chắc ráng làm việc, dành dụm cho con thôi.
Cu Beo mới 1 tuổi nhưng đã trải nghiệm 2 biến cố lớn về sức khỏe.
Nhưng đó là chuyện của tương lai. Giờ thì tôi có bé Beo để ôm ấp, hít hà, để vui với từng ngày con lớn lên. Tôi vẫn thường vuốt ve vết sẹo dài trên ngực con và ngẫm nghĩ, không biết coi nó là “huy chương” tặng cho sự kiên cường của con có được không. Mới 1 tuổi, con đã trải qua 2 biến cố nguy cấp về tính mạng. Thế chắc đã “đủ” cho một đời người rồi, Beo nhỉ...
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/em-be-vua-mo-tim-bam-sinh-da-mac-covid-19-6-chu-kinh-hoang-va-huy-chuong-theo-ca-doi-162211911125347983.htm
Theo ttvn.vn