Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng.
Theo bác sĩ, nhóm thuốc kháng sinh dùng để phòng và điều trị bội nhiễm vi khuẩn (viêm amidan, viêm tiểu phế quản, viêm xoang...). Nhưng thực tế, nhiều F0 vội sử dụng 2 loại kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh đây là sai lầm nghiêm trọng!
Bác sĩ Hoàng cho biết, với các F0 nhiều bệnh nền, sức đề kháng vốn đã kém thì có thể tiềm ẩn nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, không nên dùng tới 2 loại để dự phòng, chỉ 1 kháng sinh dự phòng là đủ.
"Thậm chí một số người, dù không có các nguy cơ trên, vẫn cứ theo các đơn thuốc truyền tai nhau, uống cùng lúc đến 2 loại kháng sinh mạnh, trong khi không hề có dấu hiệu nhiễm khuẩn", bác sĩ Hoàng cho hay.
Vị chuyên gia phân tích, có nhiều loại kháng sinh, tuy nhiên các loại dùng đường uống hiện nay chủ yếu 3 nhóm.
- Nhóm marcolid: erythromycine, azithromycine, clarithromycine...
- Nhóm beta-lactam: amoxicillin/clavulanic, amoxicillin/sulbactam, cephalexine, ceforuxime, cefixime, cefpodoxime...
- Nhóm quinolon: ciprofloxacine, levofloxacine...
"Việc lạm dụng kháng sinh tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do bị virus tấn công. Ngoài ra, nếu dùng không đúng, sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau nếu bị nhiễm khuẩn thì các kháng sinh đó không còn tác dụng", bác sĩ Hoàng khuyến cáo người bệnh nếu dùng kháng sinh phải được bác sĩ tư vấn.
Bác sĩ Hoàng cho biết người dân không nên vội vàng uống kháng sinh khi có biểu hiện ho, đau họng. Thay vào đó, F0 có thể sử dụng mật ong, siro thảo dược giảm ho.
Khi ho khan kéo dài gây mệt mỏi, khó ngủ, đau bụng, người dân có thể dùng thuốc hoặc siro có alimemazin hoặc diphenhydramin. Đây là các chất có tác dụng giảm ho, chống dị ứng, an thần. Nếu bệnh diễn biến nặng, F0 nên thông báo ngay cho cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ cảnh báo tình trạng tự dùng thuốc kháng sinh điều trị Covid-19 tại nhà (Ảnh minh họa)
Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà, bao gồm danh sách thuốc điều trị.
Sốt:
- Đối với người lớn: > 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol (viên nén) 0,5 g, có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
- Đối với trẻ em: > 38,5 độ C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol (gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch) liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4 lần.
Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, yêu cầu người mắc Covid-19 thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để được xử trí.
Ho: dùng thuốc giảm ho khi ho khan nhiều.
Thuốc kháng virus: Lựa chọn một trong các thuốc sau:
- Favipiravir 200 mg, 400 mg (viên).
- Molnupiravir 200 mg, 400 mg (viên).
Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống: Thuốc không phát sẵn cho người mắc Covid-19, phải được bác sĩ kê đơn theo quy định.
Lựa chọn một trong các thuốc sau:
- Dexamethason 0,5 mg (viên nén).
- Methylprednisolon 16 mg (viên nén).
Thuốc chống đông máu đường uống: Thuốc không phát sẵn cho người mắc Covid-19, phải được bác sĩ kê đơn theo quy định
Lựa chọn một trong các thuốc sau:
- Rivaroxaban 10 mg (viên).
- Apixaban 2,5 mg (viên).
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/f0-dieu-tri-tai-nha-tu-uong-khang-sinh-bac-si-canh-bao-lam-dung-gay-hai-gan-va-than-161221003201946823.htm
Theo ttvn.vn