Chuẩn bị các phương án đáp ứng 100.000 ca mắc Covid-19
Chiều 9/12, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh báo cáo, giải trình và trả lời chất vấn của các đại biểu.
Theo ông Chu Ngọc Anh, trước diễn biến dịch bệnh, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là khi đã tiêm đủ liều vaccine. Tốc độ lây nhiễm tăng nhanh cùng các hoạt động kinh tế xã hội của cả nước và hoạt động đi lại của người dân tăng cao những tháng cuối năm khiến số ca nhiễm trong thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng nhanh.
"Đến ngày 8/12, Thành phố đã ghi nhận 10.948 ca mắc, tương đương 2,15% tổng số ca mắc trong giai đoạn này của cả nước, trung bình 192 ca/ngày. F0 tăng nhanh nhưng hiện nay thành phố chỉ có 69/1.057 điểm phong tỏa với quy mô nhỏ nhất có thể, theo nguyên tắc linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", Chủ tịch Hà Nội thông tin.
Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp (Ảnh: HNP)
Ông cho biết, TP đã chỉ đạo mở rộng phương án quản lý, cách ly F1 tại nhà và tại các cơ sở cách ly tập trung của TP, cơ sở lưu trú phục vụ cách ly tự nguyện đối với các trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Đồng thời, chỉ đạo ngành Y tế, chính quyền các địa phương chuẩn bị các phương án cao trong cách ly, thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 với khả năng đáp ứng đến 100.000 ca nhiễm. Sẵn sàng chuẩn bị oxy y tế (25/32 bệnh viện với khoảng 3.200 giường bệnh có hệ thống oxy y tế), thuốc và các vật tư tiêu hao đáp ứng các mức độ, cấp độ dịch trên các địa bàn.
Công tác thu dung, điều trị được chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo khả năng hồi phục sức khỏe đối với các trường hợp nhiễm, hạn chế tối đa việc chuyển tầng điều trị và các trường hợp nặng, nguy kịch. Hiện, TP đang điều trị 4.567 người, trong đó, tỷ lệ bệnh nhân thuộc tầng 3: 30 ca (0,7%); tầng 2: 741 ca (16,9%); tầng 1: 3.626 ca (82,5%).
Ngày 2/12, UBND TP đã ban hành Phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp tục phân cấp, phân luồng, tăng cường phân bổ nguồn lực, ngân sách giúp cấp cơ sở chủ động triển khai các biện pháp.
Ngoài ra, tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở và tăng cường thành lập mới các trạm y tế lưu động, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tiếp tục tổ chức tiêm trả mũi 2 và trẻ em dưới 18 tuổi theo tiến độ cấp vaccine của Bộ Y tế (đến nay, đã bao phủ cho 92,2% trẻ em từ 15-17 tuổi; 41,4% trẻ em từ 12- 14 tuổi).
Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục "leo thang" (Nguồn: CDC Hà Nội)
Chuyển từ Zero Covid sang giảm thiểu tử vong
Để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Hà Nội cho biết thành phố đã xác định 11 nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch Covid-19.
Trong đó, nhấn mạnh chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. Chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là biến thể do chủng mới Omicron gây ra, sẵn sàng các phương án, kịch bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, huy động tối đa nguồn lực từ các cơ sở y tế Trung ương, ngoài công lập cho công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố. Thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dưới 18 tuổi. Xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn để sớm tổ chức cho các cháu học sinh cấp 3, cấp 2 tại các quận/huyện/thị xã đi học trở lại.
Thành phố tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, bố trí trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị, oxy để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, công tác phòng, chống dịch trong mọi tình huống.
Hà Nội chuyển từ Zero Covid sang giảm thiểu tử vong
Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dự báo các ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng cao ở tất cả quận, huyện, có thể sẽ lên đến 1.000 ca/ngày trong thời gian sắp tới vì dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Beta và Delta.
Theo bà Hà, dù tình hình dịch bệnh tăng cao nhưng tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao, tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi hiện nay tại Hà Nội trên 95%, nên dù số ca mắc tăng cao, nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều ca F0 điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở.
Về nguy cơ, bà Hà cho biết Hà Nội có đặc điểm dân cư đông, di biến động phức tạp, dịch bệnh đã lây lan sâu trong cộng đồng. Ngoài ra, nguồn lây có thể xâm nhập từ địa phương khác và cả tỉnh, thành lân cận sẽ là yếu tố khiến dịch bệnh lây lan.
Cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch thứ 4 (ngày 29/4) đến nay, Hà Nội có tổng 15.959 ca mắc Covid-19, trong đó 6.069 ca cộng đồng và 9.890 người đã được cách ly.
Theo ttvn.vn