Ảnh minh hoạ
Theo đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP. HCM Dương Trí Dũng lưu ý các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, áp dụng chính sách đặc thù hỗ trợ học phí của TP như sau:
- Học sinh THCS, học viên GDTX THCS đang học tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM.
- Học sinh THCS đang học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn TP. HCM, không bao gồm các học sinh đang học tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Mức hỗ trợ cụ thể chia thành 2 nhóm:
Nhóm 1: Học sinh học tại các trường ở TP. Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, với mức hỗ trợ 60.000 đồng/học sinh/tháng.
Nhóm 2: Học sinh học tại các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, với mức hỗ trợ 30.000 đồng/học sinh/tháng.
Đối với học sinh đã chuyển trường, ông Dũng yêu cầu các cơ sở giáo dục có trách nhiệm chi trả hỗ trợ học phí cho học sinh theo quy định theo số tháng thực học tại trường.
Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, lãnh đạo sở này đề nghị các trường rà soát số lượng học sinh và thực hiện hỗ trợ 1 lần theo số tháng thực học vào cuối năm học 2024-2025.
Phó Giám đốc Sở nêu rõ, kinh phí thực hiện hỗ trợ học phí cho học sinh theo Nghị quyết số 37 đã được bố trí trong dự toán giao cho UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện theo Quyết định số 5828 của UBND TP.
Nghị quyết số 37 của HĐND TP. HCM nêu rõ, chính sách hỗ trợ học phí sẽ được áp dụng trong 9 tháng của năm học 2024-2025, với kinh phí được lấy từ nguồn ngân sách TP. HCM theo quy định phân cấp ngân sách hiện hành.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, ở cấp THCS, toàn thành phố có hơn 464.000 học sinh công lập, hơn 30.000 học sinh tư thục. Tổng kinh phí dự kiến để miễn học phí cho toàn bộ học sinh vào khoảng 237 tỉ đồng.
Theo Hiểu Đan