Gan mật lúc nhúc sán tới nỗi tưởng viêm gan, ung thư gan: "Thủ phạm" là món rất nhiều người khoái khẩu

Sau một thời gian đau bụng, sốt cao, bệnh nhân đi khám thì phát hiện trong gan có tới 50 con sán lá gan nhỏ trong ống mật chủ.

 

Thủ phạm vì đồ ăn sống

Bệnh nhân Nguyễn V. C. (52 tuổi, trú tại TX Quảng Yên, Quảng Ninh) vào cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng đau nhiều vùng thượng vị và hạ sườn phải, sốt cao, nôn. Trước đó, người bệnh thường xuyên ăn gỏi hải sản tươi sống 2-3 lần/tháng.

Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ cho biết kết quả lấy được ra rất nhiều sán lá gan nhỏ (khoảng 50 con). Các bác sĩ đã phải nội soi gắp từng con sán cho người bệnh.

GS Nguyễn Văn Đề - Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trường đại học Y Hà Nội cho biết sán lá gan nhỏ khá phổ biến ở Việt Nam nhất là ở những vùng người dân thường xuyên ăn gỏi cá.

Ví dụ như trường hợp của anh Đỗ T. Đ.45 tuổi, trú tại Nghệ An vào viện trong tình trạng đau hạ sườn, vàng da, vàng mắt. Anh Đ. đã đi điều trị nhiều nơi với chẩn đoán viêm gan. Khi tìm đến bác sĩ Đề xét nghiệm cho biết anh bị sán lá gan nhỏ bởi thói quen thi thoảng lại nhậu gỏi cá.

Hình ảnh sán trong ổng mật của bệnh nhân

Anh Đ. cho biết anh nghiền ăn gỏi cá và hầu như thi thoảng có cá từ đầm của nhà là anh lại lấy để tự tay làm gỏi ăn. Anh không ngờ từ món ăn khoái khẩu của mình mà rước bệnh. Lúc đầu, chữa mãi không khỏi anh còn tưởng mình bị ung thư. Khi ra Hà Nội khám siêu âm không thấy u gan nên bác sĩ hướng dẫn anh Đ. đi xét nghiệm ký sinh trùng.

Nguồn bệnh là các động vật nuôi như: chó, mèo, lợn, chuột cống và con người nhiễm bệnh... thải trứng ra ngoài môi trường nước.

Đường lây truyền là do ăn cá chưa nấu chín dưới các hình thức như: gỏi cá, lẩu cá, cá nướng...

Sau khi xâm nhập vào nhu mô gan, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong các đường dẫn mật, trứng được bài xuất ra ngoài theo phân và xuống nước phát triển theo chu kỳ khép kín rồi lây truyền qua đường ăn cá sống có nang trùng.

Bệnh nguy hiểm thế nào?

Theo GS Đề, tại Việt Nam, cho đến nay đã xác định có ít nhất 32 tỉnh có người mắc bệnh sán lá truyền qua cá, trong đó có 24 tỉnh mắc bệnh sán lá gan nhỏ và 18 tỉnh có bệnh sán lá ruột nhỏ lưu hành. Tỷ lệ nhiễm bệnh ở các khu vực là khác nhau, tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ trung bình là 17,23% .

Điều đáng chú ý là nếu nhiễm sán lá gan nhỏ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, gây nhiễm độc kéo dài và dẫn đến xơ gan, ung thư đường mật... Tuy vậy, kể từ khi nhiễm sán lá gan nhỏ đến khi xuất hiện các triệu chứng bệnh lý là cả một thời gian dài không có triệu chứng lâm sàng hoặc các triệu chứng không rõ ràng.

Khi triệu chứng tổn thương gan đã rõ, nhiều người vẫn không nghĩ nguyên nhân là do sán lá gan nhỏ, vì thế bệnh ít được người dân quan tâm phòng chống.

Hình ảnh sán lá gan nhỏ

Người bệnh thường tìm tới bác sĩ khi có các triệu chứng như đau tức vùng gan. Cảm giác người ậm ạch khó tiêu, kém ăn và thường có rối loạn tiêu hoá phân nát hoặc bạc màu, phân không thành khuôn… Đôi khi có xạm da, vàng da.

Những trường hợp nặng có thể có dấu hiệu gan to hay xơ gan tuỳ mức độ và thời gian mắc bệnh.

GS Đề cho biết nếu xác định đúng sản lá gan người bệnh chỉ cần uống thuốc tẩy sán.

Để phòng bệnh, GS Đề cho rằng cần loại bỏ nguy cơ nhiễm bệnh như không ăn cá chưa nấu chín như gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín dưới mọi hình thức nào; không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không ăn gan sống.

Vệ sinh phòng bệnh: ăn chín, uống chín, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước.

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/gan-mat-luc-nhuc-san-toi-noi-tuong-viem-gan-ung-thu-gan-thu-pham-la-mon-rat-nhieu-nguoi-khoai-khau-162201511100242670.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU