Gần một tháng, 4 người chết não hiến tạng cứu sống 16 người

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), 4 người chết não đã hiến tặng tám quả thận, bốn lá gan và bốn quả tim.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, cho hay vừa cho hay trong 13 năm qua, cơ sở y tế này đã có 40 bệnh nhân hiến tạng chết não. Đặc biệt chỉ từ 16/5-1306, bệnh đã có bốn người chết não hiến tạng.

“Đây là con số kỷ lục. Đã có 16 bệnh nhân nhận tạng, trong đó có tám quả thận, bốn gan và bốn quả tim. Chúng tôi cũng tiến hành lấy mạch máu và gân để phục vụ ghép tạng”, GS Giang chia sẻ.

Bệnh nhân Đỗ Hải Tân (65 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) sau ca ghép gan từ tạng người chết não hiến tạng. Ảnh: HQ.

Là một trong 4 bệnh nhân được ghép gan từ nguồn hiến tạng của người chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân Đỗ Hải Tân (65 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ bản thân cảm thấy rất hạnh phúc như được sống cuộc đời thứ hai để làm những gì mình chưa thực hiện.

Năm 2005, ông Tân được chẩn đoán viêm gan virus. Bệnh ngày càng tiến triển nặng dẫn tới xơ gan. “Bác sĩ thông báo tôi chỉ sống được bằng từng ngày vì vậy khi nhận được tin có người hiến gan, tôi cảm thấy sung sướng vô cùng, hân hoan và tràn đầy hy vọng vào cuộc sống. Trước khi mổ tôi như một ngọn đèn có thể tắt bất cứ lúc nào, người mệt mỏi, da vàng, chỉ nằm một chỗ, phải truyền máu để duy trì sự sống. Sau khi ghép tỉnh dậy tôi đã khóc, khóc vì mình được sống lại lần nữa. Tôi cảm thấy cơ thể của mình rất khác biệt, ba ngày sau ghép da và mắt không còn vàng”, bệnh nhân Tân tâm sự.

Nguyễn Phương Trung (40 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) cũng là một trong số 16 bệnh nhân được nhận tạng. Anh mắc bệnh viêm gan virus từ năm 2010. Sau 4-5 năm điều trị, bệnh nhân này nhận thấy sức khỏe ổn định và tự ý bỏ thuốc. Năm 2018, anh Trung mệt mỏi, khó chịu mới đi khám và được kết luận xơ gan giai đoạn cuối.

“Tôi cảm thấy mình là người may mắn vì đã nhận được tạng của bệnh nhân chết não. 13 ngày sau ghép tôi đã có thể đi lại được da và mắt không còn vàng”, anh Trung nói.

 Anh Nguyễn Phương Trung (40 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội)hồi phục sau ca ghép gan. Ảnh: HQ.

Chia sẻ thêm về 16 ca ghép kỷ lục trong môt tháng, GS Giang cho hay có tới hơn 100 cán bộ y tế được huy động, ba ca tiến hành ghép cấp cứu, 2/4 số ca thực hiện vào ban đêm và 1/4 số ca thực hiện vào ngày nghỉ.

Đặc biệt, trong số đó, hai ca ghép tim xuyên Việt, lần đầu tiên chuyển tim từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào Bệnh viện Trung ương Huế, ba ca ghép gan tối cấp thực hiện ngay tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Với việc làm chủ kỹ thuật ghép tạng, GS Trần Bình Giang cho biết 16 ca ghép tạng đều thực hiện suôn sẻ, thời gian mổ rút ngắn hơn, việc truyền máu giống như các ca mổ thông thường, bệnh nhân hồi phục nhanh và đặc biệt là sự phối hợp giữa các đơn vị ngày càng nhịp nhàng hơn, hình thành mạng lưới đơn vị ghép tạng.

“Các ca mổ được rút ngắn thời gian truyền máu, một số ca ghép gan chỉ còn truyền 1-2 đơn vị máu. Thời gian thở máy sau mổ rút ngắn còn 3-4 tiếng. Đặc biệt, bệnh nhân có thể xuất viện sớm, từ 10 ngày sau mổ, không cần nằm dài cả tháng như trước”, GS Giang nói thêm.

Hiện nay, 2/3 số bệnh nhân được ghép tạng đều đã ra viện và bình phục tốt.

 

Theo news.zing.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU