Từng bị trầm cảm vì áp lực thi cử, bạn bè xa lánh đến mức phải thu mình sống biệt lập, tách biệt với mọi người. Tưởng chừng sẽ chịu đựng đứng "bét bảng" nhưng với nghị lực đáng kinh ngạc, chàng trai đến từ mảnh đất Thái Bình đã phá kỷ lục điểm đầu ra hơn 50 năm của trường ĐH Ngoại Thương với số điểm 3,94/4. Không chỉ dừng lại ở đó, Hoàng Đình Quang còn là tác giả của bộ sách Công phá nổi tiếng và được VTV trao danh hiệu "Việc tử tế tháng 5". Vậy điều gì có thể khiến một chàng trai có xuất phát điểm là một cậu bé nhút nhát, tách biệt, thậm chí bị trầm cảm vì áp lực, cô lập lại có thể bứt phá trở thành một trong hai sinh viên duy nhất cả nước được viết tham luận cho Đại hội Thi đua Yêu nước?
Trước khi được biết đến là người lập kỷ lục đầu ra hơn 50 năm ở ĐH Ngoại Thương, Quang là 1 chàng trai khá nhút nhát và sống biệt lập. Quang có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình thời gian đó không?
Hồi học cấp một, gia đình mình có khá nhiều mâu thuẫn và sống khá biệt lập với mọi người. Vì vậy từ nhỏ mình đã rất ít bạn và cũng thường xuyên bị bắt nạt và trêu chọc từ những bạn học cùng trường. Mình cũng học khá kém, cũng do bản thân không hiểu học để làm gì, gia đình cũng không có sự quan tâm phù hợp.
Quang cũng đã thực hiện gần 100 video dạy học miễn phí cho học sinh nghèo trên youtube
Ngoài ra, trong giai đoạn lớp 12, lúc gần thi ĐH mình cũng bị trầm cảm nặng. Mình không dám kể với gia đình vì sợ gia đình lo, nhưng trong phòng thi, khi những âm thanh đó xuất hiện, mình chỉ biết lấy bút đâm vào tay, cấu tay, cấu chân, thậm chí cắn vào lưỡi cho bật máu để cơn đau xóa đi phần nào những âm thanh trong đầu. Đối với mình thì lớp 12, việc thi đỗ á khoa ĐH Ngoại Thương và đỗ Y đa khoa HN không phải việc mình thấy đáng quý nhất, mà việc đáng quý nhất là mình đã vượt qua được căn bệnh trầm cảm của bản thân mình.
Lớp học của Quang luôn kín người
Và lý do nào khiến bạn có thể bật lên, trở thành một tác giả sách, người truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ qua từng trang sách như vây?
Việc trở thành một tác giả sách vốn không phải là chủ định của mình, vì mình không dám mơ đến điều đó. Vì với mình, thời điểm đó, thành công đơn giản chỉ là cố gắng để sau gia trường, kiếm được công việc trong nhà nước với mức lương 5,6tr cao hơn bố mẹ mình là đã rất tuyệt vời rồi.
Vào hè năm thứ 2, do mình thi đỗ á khoa Đại học Ngoại thương với 10 Hóa, 9,75 Lý nên một nhà sách đã gợi ý mình viết một cuốn sách Hóa. Mình đơn giản hồi đó chỉ nghĩ, cố gắng viết sách để may mắn kiếm được tiền mua một chiếc xe máy là đã rất tuyệt rồi.
Mình muốn cuốn sách của mình phải sáng tạo, khác biệt, phải hữu ích và phải giúp được những em học kém nhất có thể tự học được. Mình nghĩ lí do cuốn sách thành công, đó là cuốn sách đó đề cao chất lượng, mang nhiều sự sáng tạo và được viết từ khao khát giúp các em học sinh nghèo, học kém có tài liệu để học tốt hơn. Ngoài ra, cũng là do sự kiên trì nỗ lực bảo vệ của bản thân mình khi cuốn sách bị chỉ trích và công kích khi mọi người chưa thực sự đọc và hiểu cuốn sách. Mình đơn giản nghĩ rằng, những thứ làm từ trái tim thì sẽ đến với trái tim, và những thứ có giá trị thực sự thì sẽ mãi có giá trị.
Từng bị trầm cảm nặng do áp lực thi cử, vậy bạn có cho rằng trầm cảm hiện nay là do áp lực thi cử quá nhiều hay nguyên nhân chính đến từ thầy cô, cha mẹ, thậm chí là từ chính bản thân mình?
Thi cử thì mình nghĩ cũng là một phần thôi vì ở Việt Nam thì trừ các thành phố lớn, áp lực thi cử mình thấy cũng không phải là quá nặng nề khi mà số lượng trường ĐH, Cao Đẳng, Nghề với hàng trăm ngàn ngành đã cho các em nhiều cơ hội để có thể theo đuổi được nguyện vọng học tập của cá nhân.
Bản thân các em, cái tuổi mà đang thay đổi tâm sinh lý khiến các em cảm thấy chơi vơi, không biết mình là ai, cần gì, muốn gì. Áp lực từ phụ huynh, sự thiếu lắng nghe, thiếu quan tâm, thiếu kiến thức của các phụ huynh trong việc chia sẻ với các em và đặt kì vọng quá lớn cũng là nguyên nhân gây nên trầm cảm.
Thầy giáo Quang và học sinh của mình
Vậy đó có phải do tiếng nói của các bạn học sinh vẫn chưa thực sự được lắng nghe?
Gần đây Bộ Giáo Dục đã có nhiều cải tiến trong thi cử, học hành nhưng mình cảm nhận thấy rằng, để đạt điểm cao thì có lẽ vẫn là các bạn chăm cày đề, đi học thêm nhiều, hùng hục làm chứ khó phân loại được các bạn có tư duy tốt. Đặc biệt là khi mà gộp chung các kì thi, đề phân loại không tốt khiến điểm đầu vào các trường quá cao, cũng khó để chọn được những bạn có tư duy và năng lực phù hợp vào các chuyên ngành của các trường.
Ngoài ra, việc học ĐH ở Việt Nam cũng vẫn còn ít tính thực tiễn. Đương nhiên, muốn thực tiễn, muốn trải nghiệm, trách nhiệm lớn vẫn thuộc về chính bản thân các em học sinh, sinh viên. Nhưng vấn đề hỗ trợ, hướng dẫn, hướng nghiệp, định hướng cũng hiện làm chưa tốt. Đa phần các em vẫn phải tự bơi, tự tìm hiểu, trong một biển các thông tin và hướng đi, mà nhiều khi thông tin thật giả lẫn lộn và bị định hướng nhiều khi không khách quan từ truyền thông và báo chí.
Quang nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2016
Tại sao Quang quyết định dạy học miễn phí cho học sinh?
Mình đã từng là học sinh học kém và là học sinh, sinh viên nông thôn với nhiều khó khăn và thiếu thốn về tài liệu học tập và phương pháp học tập. Vì vậy, mình mong muốn đem kiến thức và tâm huyết của mình để viết sách, để hỗ trợ tư vấn, thực hiện bài giảng trên facebook, youtube để giúp các em học sinh khó khăn có được tài liệu, phương pháp học tập, giúp các em thi tốt hơn và có tương lai tốt đẹp hơn.
Ngoài ra trong quá trình tư vấn nhiều vấn đề về học tập cũng như các câu chuyện khó khăn, những số phận, những mảnh đời của nhiều em học sinh, sinh viên, nó khiến cho mình hiểu các em và các khó khăn của các em nhiều hơn. Từ đó tạo cho mình một mong muốn và một khao khát, đó là cố gắng hết sức giúp đỡ các em nhiều hơn nữa, bằng cái tâm của mình, để các em có được định hướng tốt hơn và có tương lai tốt đẹp hơn. Mình cũng cố gắng tư vấn giải đáp các thắc mắc của các em trong các lĩnh vực đời sống, pháp luật, định hướng nghề nghiệp, tư vấn tâm lý. Mình hi vọng những gì mình làm sẽ giúp ích được một điều gì đó.
Ngày mai, kỳ thi THPT QG sẽ được diễn ra, bạn có lời khuyên hay kinh nghiệm nào chia sẻ cho các bạn học sinh không?
Thời gian còn lại quá ngắn để đưa ra phương pháp học, vì vậy mình chỉ chia sẻ một số lời khuyên như sau:
Không ăn đồ lạ, chỉ ăn các món quen thuộc, đảm bảo vệ sinh để giữ sức khỏe
Không uống bia rượu, nhờ bố mẹ, ông bà, cô dì gọi điện để nhắc lịch thi trước khi thi. Như vậy các em sẽ không bao giờ lỡ thời gian hoặc quên thời gian thi.
Không mang điện thoại trong người
Cần tập điền đáp án ở nhà để biết thời gian cần thiết để điền đáp án vào phiếu đáp án. Ít nhất nên dành 3 phút để điền đáp án
Không nên đọ đáp án sau khi thi vì đáp án sau thi không phải đáp án của Bộ Giáo Dục nên thường sai lệch 0,5-1 điểm. Các em tra sẽ hoang mang dẫn đến làm các bài thi khác không được tốt
Luôn mang sẵn 500k trong túi để nếu hỏng xe hoặc có biến cố còn xử lý được
Và cuối cùng là: Đừng lo lắng. Thi xong còn 1 cơ hội để sửa NV mà nên cứ yên tâm thi cho tốt. Biết điểm xong, ta sẽ xử lý sau.
Mà kể cả có trượt thì cũng không sao nếu ta đã cố gắng hết sức mình. Cuộc đời con người sống đến 70 thì 30-40 năm phấn đấu, chứ không phải mỗi kì thi này. Vì vậy thất bại thì đứng dậy làm lại, không sao hết.
Hoàng Đình Quang (1994)
|
Theo Trí Thức Trẻ