Thông tin về nhân vật Ngọc Trâm Tuổi: 28 Nghề nghiệp: Nội trợ Địa chỉ: Ohio, Mỹ |
Cũng sợ mẹ chồng như bất cứ cô con dâu nào
Không phải ngay ngày đầu tiên về nhà chồng, Ngọc Trâm đã gần gũi và thân thiết với mẹ chồng tới mức đói thì làm nũng “Mẹ ơi, con đói quá mà nhà hết đồ ăn rồi”, như bất kì cô con dâu nào, cô cũng trông mặt mà bắt hình dong, cũng sợ mẹ chồng như bất cứ cô con dâu nào.
Cô kể: “Hai vợ chồng em yêu nhau qua mạng, xa xôi vậy nhưng cũng tin tưởng nhau. Hai năm sau khi yêu thì chúng em bàn tính chuyện kết hôn. Hồi tháng 4, mẹ về Việt Nam hỏi cưới em. Em theo mẹ và chồng lên máy bay, lúc đó mới làm dâu nên em cũng sợ mẹ lắm. Mà lúc chia tay, nhà em ai cũng khóc, em ráng cứng cỏi hơn, khóc xíu rồi lên xe. Vì hay bị say sóng nên em cũng uống thuốc chống say và thuốc ngủ trên máy bay, sau đó ngủ quên. Tới lúc máy bay cất cánh, em giật mình, tỉnh dậy là khóc lóc đòi về, nói với chồng em là em không đi nữa đâu, khóc quá trời quá đất. Mẹ em, lúc ấy đã xiết chặt tay em rồi động viên rằng cố lên con, từ từ quen, mai mốt về thăm nhà. Giờ nhớ lại, em vẫn cảm động rớt nước mắt. Bà từng làm dâu, từng rời Việt Nam qua Mỹ, mặc dù đã 21 năm rồi nhưng bà vẫn hiểu và thương em”.
Mặc dù ấn tượng đầu tiên về mẹ chồng khá tốt nhưng Ngọc Trâm vẫn khá khép nép trong những ngày đầu tiên sống chung với mẹ chồng. Lúc nào, cô cũng “dạ và cảm ơn” với mẹ khi mẹ làm gì cho. “Riết sau này thân rồi, dạ thì vẫn còn nhưng cảm ơn thì em bỏ bớt. Người thân mà chứ có phải người ngoài đâu nên khách sáo quá thì không nên. Em còn ngồi kể hết với mẹ thời sinh viên ra sao. Nhiều chuyện, em và mẹ tám tùm lum. Bà hay nói với em về ca nhạc, thời trang... , nhiều cái lắm. Mặc dù chồng em dặn em là bớt nói lại đi vì tính em bộp chộp, con nít nên hay nói lung tung, sợ mẹ phật ý nhưng mẹ em chẳng để bụng bao giờ, lúc nào mẹ cũng sợ em buồn vì đi làm dâu xa ấy. Tính ra, em ở với mẹ còn nhiều hơn ở với chồng em”, cô tâm sự.
Ngọc Trâm bên chồng và người mẹ chồng số 1 của mình
Mẹ chồng của Trâm năm nay 67 tuổi và bà đã nghỉ hưu nên có khá nhiều thời gian rảnh ở nhà. Vì mới qua Mỹ, bằng lái xe chưa có nên Trâm cũng không thể tự đi lại và làm việc được nên cô đang dành thời gian học bằng lái, ngoài ra còn đi tập gym. Mặc dù từ nhà tới nơi tập không quá xa, chỉ mất 10 phút đạp xe đạp nhưng mẹ chồng của Trâm kiên quyết tự lái xe chở cô đi vì không muốn cô vất vả.
“Mẹ chẳng nề hà gì cả, em đi đâu là mẹ chở đi đó. Đi học, đi tập, đi shopping... Khi biết em có ý định đi học lại, theo đuổi tấm bằng bên này, mẹ rất ủng hộ, còn tìm hiểu xem ngành nào phù hợp để giới thiệu cho em. Hồi ở Việt Nam qua bên này, mẹ em 45 tuổi rồi mà sau 5 năm, vừa học vừa làm, thậm chí, làm cả công việc dọn dẹp quán nước nhưng bà vẫn có bằng đại học chuyên ngành kế toán loại ưu. Chỉ vì lớn tuổi, lại không phải người bản xứ nên mẹ không xin làm đúng ngành được, đành làm thu ngân ở quầy video. Mẹ bảo, từ khi có internet thì quầy video ế ấm. Thế nên, mẹ rất ủng hộ việc em đi học để có thể lo cho bản thân, cho tương lai tốt hơn”.
Hiện tại, cả mẹ chồng Trâm và cô đều ở nhà nhưng không vì thế mà việc nhà dồn hết cho con dâu. Cô bảo: “Ở bên này, nhà chồng em ít ăn cơm, chủ yếu ăn phở, bún bò, bánh cuốn, bánh xèo... Mấy cái này, mẹ em làm ngon số 1 luôn nên em không dám tranh với mẹ. Khi nào ăn cơm thì em nấu. Nói chung là lúc em nấu lúc mẹ nấu. Mà cũng không phân định rạch ròi, mẹ nấu thì em phụ mà em nấu thì mẹ cũng phụ em ấy. Lúc rửa chén thì em rửa. Quần áo của ai thì người đó giặt. Mẹ em không có tư tưởng con dâu là người làm tất cả việc nhà nên em khá thoải mái”.
Không chỉ mẹ chồng mà chị của mẹ chồng cũng thương
Không chỉ có mẹ chồng tâm lý, yêu chiều con dâu hết mực, bên cạnh Ngọc Trâm còn có một người dì đáng ghen tị không kém. Cô khoe: “Dì của chồng em lấy chồng là người Mỹ. Dì qua đây từ trước năm 1975 lận rồi sau đó bảo lãnh người nhà qua. Khi em làm đám cưới ở Việt Nam, dì cũng qua với mẹ chồng em. Lúc đó, dì bảo em rằng con đừng sợ mẹ con, nhìn bà vậy chứ hiền lắm. Khi em qua đây, dì và mẹ đứng ra tổ chức đám cưới cho em một lần nữa. Chính dì là người tìm nhà hàng, xem giá, chọn món... Dì còn dắt em đi make up nữa. Dì bảo là dì qua Mỹ theo chồng, hồi ấy khóc nhiều nên dì thương con dâu Việt Nam lắm”.
Quan tâm tới cô cháu dâu vào những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo về nhà chồng thôi chưa đủ, dì của Ngọc Trâm còn chăm sóc chu đáo tới nỗi Trâm không khỏi cảm động.
“Dì còn để ý xem em thiếu gì, thích gì để mua cho em nữa. Vì dì xì tin nên mua cả quần jean ngắn, rách cho em mặc. Biết em đang học lái xe, dì đi xin luật về cho em. Thậm chí, dì còn mua cả sữa tắm và lotion cho em luôn. Ớt hiểm bên đây hiếm lắm vì em ở bang lạnh, vậy mà dì xin cho em cả bọc vì em thích ăn. Biết em thích trồng rau, trồng hoa, dì xin đủ thứ hạt giống cho em. Em chưa về Việt Nam mà dì nói khi nào về nói với dì, dì cho nước hoa mang về để tặng chị gái, đừng mua chi tốn kém. Con dâu, các cháu dâu... ai dì cũng cưng hết nhưng vì em ở gần dì nhất nên dì lo cho em nhiều hơn”.
"Hai người mẹ chồng" cưng con dâu như trứng mỏng của Trâm
Được mẹ chồng, dì của chồng cưng chiều, yêu thương như vậy nên những ngày làm dâu xứ người của Ngọc Trâm không nhiều nước mắt như những nàng dâu khác. “Lúc em đi lấy chồng, má em dặn em là phải thương mẹ như thương má ấy, cứ ráng vì chồng thì thế nào gia đình chồng cũng yêu thương”.
Không thể phủ nhận việc Ngọc Trâm khá may mắn khi được mẹ chồng, gia đình chồng yêu thương nhưng những điều này, không phải tự nhiên mà cô có. Qua cách nói chuyện của cô, có thể thấy, cô là người rất chân thành, thật thà. Mà mẹ chồng cô, lại yêu thích cô nhất ở điểm này. Thế nên, các nàng dâu, khi đi lấy chồng, hãy cứ chân thành thì sẽ nhận được chân thành, cứ yêu thương thì thương yêu sẽ đến.