Gia cảnh khó khăn của nam sinh 15 tuổi được nhận quả tim xuyên Việt từ bệnh nhân chết não

Cơ là em út trong gia đình 4 anh chị em, mẹ làm nghề bán hàng ở chợ, bố mất sớm vì ung thư khi em chưa đầy 3 tuổi. May mắn đến với Cơ khi em được nhận quả tim từ một bệnh nhân chết não. Tuy nhiên, nhà em nghèo quá, không biết còn phải vay mượn bao nhiêu nữa.

Chúng ta vẫn tin cuộc đời luôn có những phép nhiệm màu vào lúc chúng ta cảm thấy tuyệt vọng nhất. Với em Phạm Văn Cơ (15 tuổi), trái tim của em to gấp 3 lần bình thường, em ốm và mệt. Lựa chọn duy nhất của Cơ, là một trái tim mới thay thế để em tiếp tục được sống. Nhiều lần nhập viện trong tình trạng nguy kịch, căn bệnh suy tim giai đoạn cuối chỉ cho em cơ hội sống vỏn vẹn mấy tháng. 

Cơ không có sự lựa chọn, em chờ và đợi một phép màu. 

Em Phạm Văn Cơ (15 tuổi). Hình ảnh được chụp khi em cùng mẹ trên đường ra Huế tái khám. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Trái tim của thanh niên chết não đập lại trong lồng ngực bé trai 15 tuổi

Năm nay Cơ 15 tuổi, em theo học tại ngôi trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Đà Nẵng. Nhưng từ khi phát hiện bệnh, em không đi học được nhiều. Thầy cô và bạn bè động viên, rằng khi nào bệnh tình đỡ hơn, Cơ hãy lên lớp ngồi cùng các bạn cho vui. Tuy nhiên mấy tháng trở lại đây, Cơ đã phải nghỉ học vì quá yếu. 

Cơ là em út trong gia đình 4 anh chị em, trên Cơ là 2 chị gái và một người anh trai. Anh cả trong nhà không may mắn qua đời ở tuổi 15, cũng với căn bệnh tương tự như em. Mẹ làm nghề bán hàng ở chợ, bố mất sớm vì ung thư khi em chưa đầy 3 tuổi. Hàng tháng, mẹ đều cố gắng đưa Cơ vào Sài Gòn để tái khám. Có những hôm mệt quá, em nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. 

Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, thu nhập từ tiền buôn bán ở chợ của mẹ không đủ kinh phí để Cơ tiếp tục bay vào Sài Gòn. Mọi người quyết định đưa em ra Huế khám, để vừa gần nhà lại đỡ được đồng nào hay đồng đó.

Thời điểm tái khám tại Bệnh viện Trung ương Huế, Cơ quá mệt buộc phải nhập viện cấp cứu. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Cơ là một trong 2 bệnh nhân có tên trong "Danh sách chờ ghép tạng Quốc gia", ngoài em còn một bệnh nhân khác đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy đủ điều kiện tiếp nhận tạng khẩn cấp.

10h sáng ngày 13/6, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo có nguồn tạng hiến phù hợp với em Cơ. Đó là trái tim của một nam thanh niên còn rất trẻ không may bị tai nạn. Các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hết lòng cứu chữa nhưng bệnh nhân vẫn không thể qua khỏi. Anh rơi vào tình trạng chết não và trong thời điểm đau thương ấy, gia đình anh đã tình nguyện hiến tặng toàn bộ mô/ tạng. Trung tâm đã quyết định điều chuyển trái tim trên tới Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho Cơ. 

Giáo sư Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế và PGĐ Trung tâm ĐPGTQG Nguyễn Hoàng Phúc thực hiện ký các thủ tục liên quan đến trái tim ngay trên máy bay. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Kíp bác sỹ và thùng tạng trên máy bay.

Điều đặc biệt ở ca ghép tim lần này là quá trình vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Thời điểm phẫu thuật lấy tim từ người hiến không có chuyến bay nào từ Hà Nội vào Thừa Thiên-Huế. Các bác sĩ đã quyết định vận chuyển trái tim xuyên Việt từ Hà Nội vào Đà Nẵng bằng máy bay và từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên-Huế bằng ô tô. 

Sau khi quả tim được đưa tới Đà Nẵng, chiếc xe cấp cứu đã chờ sẵn tại sân bay để chuyên chở kíp bác sĩ về Bệnh viện Trung ương Huế. Rất may, khi trái tim vừa về đến bệnh viện một vài phút cũng là lúc việc đọ chéo máu cho kết quả tốt. Khi đó, khoảng 23h15 phút ngày 13/6 và quá trình vận chuyển quả tim kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ. 

Chiếc xe cấp cứu chuyên dụng của Bệnh viện Trung ương Huế chờ sẵn tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Rạng sáng 14/6, ca ghép tim được thực hiện. Sau gần 4 giờ phẫu thuật ghép tạng, ca ghép tim đã thành công. Đến 2h47 phút, trái tim đã chính thức đập lại trong lồng ngực của Cơ, vỡ oà niềm hạnh phúc của gia đình em cũng như toàn thể các y, bác sĩ. 

Giây phút trái tim đập lại trong lồng ngực em Cơ. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Mẹ bỏ việc vào Huế, chờ ngày con trai tỉnh dậy khoẻ mạnh

Sau một ngày ghép tim, Cơ hồi tỉnh, huyết động ổn định, chuẩn bị rút nội quản và được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Gây mê hồi sức tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tình hình vẫn chưa có gì tiến triển thêm. Các bác sĩ vẫn tiêm thuốc ngủ cho em, vì sợ nếu tỉnh lại sớm em sẽ đau. Người nhà chưa được phép vào thăm Cơ, cả mẹ và chị gái chỉ đứng ngoài nhìn vào bên trong. 

Cơ nằm nghỉ giữa cơ man thiết bị. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Bố mất sớm nên một mình mẹ gồng gánh nuôi 3 chị em Cơ. Từ ngày con ốm nặng, mẹ bỏ chợ vô viện chăm em. Mỗi lần tái khám ngoài Huế, 2 mẹ con lại bắt xe buýt đưa nhau đi. Khoản tiền vay mượn khắp nơi đến nay đếm không xuể, chỉ riêng chi phí ghép tim cho Cơ đã 300 triệu đồng, mà gia đình lại thuộc diện nghèo của thành phố. 

Đứng trước lằn ranh sinh tử, Cơ - một đứa trẻ chỉ mới 15 tuổi, cũng mang trong mình những xúc cảm sợ hãi và mệt mỏi. Lúc lên cơn đau đớn nhất, Cơ rất sợ! Nhưng thời điểm lên bàn phẫu thuật ghép tim, Cơ tỉnh táo và thấy lạc quan. Em không còn sợ và khóc nhè như mấy hôm trước nữa. 

Cơ không mong ước gì to lớn, những gì em khát khao đều dành cho gia đình mình. Em hy vọng sau này khi khoẻ lại sẽ có một công việc gì đó nhẹ nhàng, để tự trang trải tiền sinh hoạt và thuốc men, để mẹ đỡ phải lo lắng và để nhìn thấy cuộc đời vẫn còn những điều thật tươi đẹp. 

Mọi sự giúp đỡ, quý độc giả xin vui lòng liên hệ:

Địa chỉ nhà em Phạm Văn Cơ: Tổ 68, Thị An, phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Số tài khoản: 40100014202401.

Chủ tài khoản: Phạm Thị Nguyên (chị gái Cơ) - chi nhánh: Nguyễn Văn Linh, thành phố Đà Nẵng, ngân hàng SeaBank.

 

Theo Trí Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU