Có bạn thì lại bảo cháu bận tối tăm mặt mũi, không biết dọn nhà vào lúc nào, lo Tết quá. Mình bảo cứ nghĩ đơn giản đi, giữ khoảng tối thiểu ở gian phòng khách gọn gàng, khách nào vì tình cảm thì sẽ tới mà thông cảm, còn nếu không thì cũng không sao. Tết thì nên dọn nhà nhưng cũng không nhất thiết phải dọn, thường ngày sống như thế nào Tết vẫn sống như thế có sao đâu. Có bạn lại nói rằng sợ Tết vì Tết phải gặp những người không muốn gặp, mình nói rằng nếu không muốn gặp bạn cũng có thể tránh đi, cũng không có điều gì là bắt buộc cả, việc gì thoải mái thì làm".
Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu có khi vì nàng dâu hiếu thắng, mẹ chồng bảo thủ mà không thể hòa hợp. Nhưng nếu mỗi người chịu nhường nhau 1 chút và tôn trọng sự khác biệt thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Bản thân chị cũng từng phải xử trí khéo léo. Ví dụ có 1 hôm chị nấu mì xào, nhưng mẹ chồng chị bảo không thích ăn mì xào. Vậy thì chị đã tính được cả việc sẵn sàng làm cho bà bát mì nước. Chị cho rằng nàng dâu cũng không có quyền gì tước đi niềm thích thú riêng của mẹ chồng. Có những điều họ khó thay đổi và mình nương theo 1 chút là được. Ngược lại bản thân chị vốn ghét đồ ăn nhanh như gà rán, nhưng nếu tụi trẻ thích thì đó là quyền của chúng, chị tôn trọng và không bao giờ ngăn cản.
Tuy người già khó thay đổi nhưng không phải họ không thay đổi. Và việc chinh phục họ bằng tấm lòng, bằng sự chân thành thì có lẽ cũng đem đến 1 kết quả như mưa dầm thấm lâu vậy.
"Các bà mẹ chồng cũng phải xác định đấy là con dâu, tức là mình có thêm 1 đứa con gái, chứ không phải là 1 đứa chống lại mình. Bởi nghĩ cho cùng mình cũng là phận nữ, cũng từng làm dâu, cũng có điều đã từng chạnh lòng. Vậy nên cố gắng để tránh cho nàng dâu gặp phải những tình huống khó xử đó, không nên đẩy họ về 1 chiến tuyến ngược với mình. Nội ngoại chỉ là cách để phân biệt 2 gia đình vợ hay chồng thôi, chứ không nên để phân biệt ai là chính, ai là phụ", chị nói.