Gia tăng trẻ tiêu chảy
Hà Nội đang có dịch tay chân miệng nhưng gần đây bác sĩ Nguyễn Hồng Phong – nguyên bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo thêm về bệnh tiêu chảy do nhiễm trùng tiêu hóa.
Bác sĩ Phong cho biết mấy ngày nay anh khám thường gặp bệnh cảnh các con mẫu giáo, nôn, sốt, đi ngoài phân lỏng hoặc nhầy. Đây là biểu hiện của nhiễm trùng đường ruột có nguyên nhân virus hoặc vi khuẩn. Bác sĩ Phong nhấn mạnh các mẹ cần đặc biệt chú ý ba điểm sau:
Thứ nhất, các con sẽ bị mất nước mất điện giải nếu không uống oresol đúng cách. Rất nhiều lần bác sĩ nhắc không được dùng Oresol thực phẩm chức năng hoặc oresol pha sẵn trong chai hoặc ống tuyp nhỏ nhưng nhiều mẹ vẫn sử dụng.
Thứ hai, cần đi khám và được tham vấn bác sĩ thật cẩn thận không được tự điều trị ở nhà. Các con có nền bệnh cũ càng cẩn thận.
Thứ ba, khi trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh cần sẵn sàng chứ đừng quá lo lắng, hoảng loạn.
Nguyên nhân tiêu chảy
BS Nguyễn Thị Kim Ngân - Khoa Nhi – Bệnh viện Quẩn Thủ Đức, TP.HCM cho biết có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em. Phổ biến nhất là tình trạng nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, kí sinh trùng) mà các bố mẹ vẫn hay nghe với tên gọi viêm dạ dày ruột.
Ngoài ra, những nguyên nhân ít gặp hơn như tiêu chảy do thuốc (đặc biệt là kháng sinh), một số hóa chất, nhiễm trùng ngoài ruột (như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu) hoặc sau phẫu thuật trong ổ bụng.
Dấu hiệu viêm đường tiêu hóa của trẻ nhỏ
Con đường phổ biến nhất gây tiêu chảy là đường Phân – Miệng : từ thức ăn, nước uống bị nhiễm bẩn, bàn tay của người chăm sóc hoặc chính bàn tay của trẻ.
Tiêu chảy cấp do siêu vi, theo bác sĩ Ngân đây là một tình trạng nhiễm trùng đường ruột thường gặp gây ra bởi virus.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe doạ tính mạng cho trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ lớn và người lớn ít bị tiêu chảy do Rotavirus. Các virus khác có thể gây tiêu chảy như Adenovirus, Enterovirus, Norovirus,...
Tiêu chảy cấp do siêu vi gây nhiều khó chịu, thường trẻ sẽ nôn ói trước, sau đó mới tiêu chảy phân nước, không nhày máu. Trẻ vẫn có thể chơi, ăn uống bình thường, vẻ mặt tươi dù đi tiêu cả chục lần. Bệnh đa phần sẽ tự giới hạn trong 3 đến 7 ngày, tùy cơ địa mà có trẻ bị tiêu chảy có thể kéo dài lâu hơn.
Nôn ói, kèm tiêu chảy cấp cần theo dõi sát trẻ
Còn tiêu chảy do vi khuẩn có thể gây nên tình trạng mất nước nặng và nhiễm trùng toàn thân, thậm chí là tử vong nếu không điều trị kịp thời. Nếu trong tiêu chảy do siêu vi không cần điều trị đặc hiệu, bệnh tự giới hạn trong vòng một tuần thì trong tiêu chảy do vi trùng, thường cần sử dụng kháng sinh tùy theo căn nguyên.
5 biện pháp phòng tiêu chảy
· Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trước khi đụng vào trẻ
· Vệ sinh bình bú, đồ đựng ăn của bé
· Rửa đồ chơi của trẻ
· Cho trẻ bú sữa mẹ
· Tránh để trẻ uống nhiều nước trái cây
Các vi khuẩn gây tiêu chảy thường gặp là, Escheriachia Coli (E.Coli), trực khuẩn lỵ Shigelle, ampylobacter Jejuni, Salmonella enterocolitica, vi khuẩn tả Vibrio cholera
Các vi khuẩn gây tiêu chảy sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa sẽ sản xuất các độc tố ruột hoặc phá hủy trực tiếp các tế bào niêm mạc ruột.
Do sự tổn thương niêm mạc ruột hoặc tác dụng của các độc tố, sự hấp thụ nước và điện giải ở ruột non bị rối loạn, nước sẽ xuống đại tràng, đại tràng kém hấp thu lượng nước trở lại gây ra tiêu chảy.
Bác sĩ Ngân cũng cho biết những thói quen không tốt có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của trẻ :
Bú bình sẽ làm trẻ tăng nguy cơ tiêu chảy so với trẻ bú mẹ hoàn toàn. Sử dụng nguồn thực phẩm, nước uống không đảm bảo vệ sinh. Trẻ không có thói quen rửa tay sau khi đi đại tiện. Xử lý phân không đúng cách, bao gồm phân vật nuôi trong nhà.
Tiêu chảy là bênh thường gặp ở trẻ em, thường lành tính tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng cho trẻ, bác sĩ Ngân cho biết khi trẻ tiêu chảy có triệu chứng này cần cho bé đi viện ngay: Trẻ lừ đừ, li bì, mệt hơn, co giật, trẻ sốt cao, trẻ khát nước nhiều, trẻ ăn, bú kém, trong phân có máu, trẻ ói nhiều lần, phân trẻ nhiều nước, tiêu nhiều lần.