Xăng dầu có khả năng tiếp tục giảm giá ở kỳ điều hành ngày 1/8
Giá xăng nhập rớt xuống đáy, giá trong nước sẽ giảm mạnh trong kỳ điều hành tới?
(lamchame.vn) - Giá xăng dầu thế giới giảm, lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục… là những yếu tố tiền đề để giảm mạnh giá xăng dầu.
- Nguy cơ đậu mùa khỉ lây lan vào Việt Nam: Chuyên gia WHO phân tích, cảnh báo đường lây
- Bé gái 14 tuổi rơi xuống cống thủy lợi
- Gia tăng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, làm gì để tránh 'dịch chồng dịch'?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, với diễn biến của thị trường giá xăng dầu thế giới, ở kỳ điều hành tới, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm nhưng không thể giảm sâu về đến 21.000 đồng/lít như nhiều người nói. Mức giảm này sẽ dao động xung quanh khoảng 1000 đồng/lít do không có biến động quá lớn về thị trường, trong khi đề xuất giảm thuế xăng dầu chưa được thông qua.
Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành về việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% nhằm đa dạng thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng việc giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng với xăng dầu.
Về phía Bộ Công Thương, Chính phủ giao theo dõi sát thị trường, điều hành chủ động và tìm kiếm các nguồn cung có giá ưu đãi; giám sát hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bộ này cũng được giao kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng chờ nâng giá.
Còn nhiều dư địa để giảm giá
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), mới đây có báo cáo tài chính với mức lãi tăng vọt. Cụ thể, chỉ trong quý 2, doanh nghiệp (DN) này đã đạt doanh thu thuần hơn 52.000 tỉ đồng (tăng 88% so với cùng kỳ năm trước). Sau khi trừ đi giá vốn và chi phí, công ty này còn lãi ròng hơn 9.900 tỉ đồng, cao gấp 6 lần so cùng kỳ năm trước và cũng là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) cũng ghi nhận tăng trưởng cao so cùng kỳ. Trong đó, khai thác dầu thô vượt kế hoạch 23%, đạt 5,48 triệu tấn, bằng 63% kế hoạch của cả năm nay. Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (đơn vị chủ lực của PVN) cũng đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính của nửa đầu năm, doanh thu ước đạt 25.600 tỉ đồng, đạt 197% kế hoạch 6 tháng và đạt 100% kế hoạch năm; nộp doanh thu đạt 200% kế hoạch và lãi của phía Việt Nam hơn 2.000 tỉ đồng.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách cho rằng, là một ngành đặc thù thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng phải đồng hành với nhà nước gánh vác trách nhiệm và chia sẻ khó khăn, giúp ổn định và giảm các chi phí cho doanh nghiệp nói chung, sản xuất xuất khẩu nói riêng.
Ông Việt đề xuất cần cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng càng sớm càng tốt, không nên chờ đến tháng 10 mới trình Quốc hội thông qua. Thuế VAT cũng cần giảm luôn để giá nhiên liệu, nếu có tác động đến nền kinh tế, sẽ có hiệu quả ngay. Chứ cách chúng ta đang làm là giảm nhỏ giọt, hoặc giảm 1.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng vẫn giữ lại 950 đồng cho quỹ bình ổn giá là cách làm khó gây hiệu ứng mạnh mẽ lên giá được.
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu có 19 lần điều chỉnh giá, chủ yếu là tăng. Hiện nay so với thời điểm đầu tháng 1/2022, giá xăng vẫn cao hơn 2.500 - 3.600 đồng/lít, dầu còn chênh lệch đến 5.000 đồng/lít. Giá xăng so với đầu năm nay giảm gần 7.000 đồng/lít, nhưng so với số tăng gần 11.000 đồng/lít thì vẫn chưa ăn thua. Kỳ vọng của doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn còn muốn giảm tiếp bởi họ hiểu rõ, dư địa cho việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế nhập khẩu… với xăng dầu vẫn còn. Đó cũng là lý do, giá cả hàng hóa trong tháng 7 hầu như chưa thấy giảm, thậm chí một số mặt hàng tiêu dùng hằng ngày còn tăng như thịt heo, thịt bò, gà…
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới chúng ta vẫn còn dư địa để điều chỉnh giá xăng dầu thông qua giảm một số khoản thu ngân sách, với hai lý do, một là mức thu này vẫn còn một số khoản có thể giảm được và thứ hai nữa là thu ngân sách hiện nay vẫn đang tốt, thậm chí là hai năm vừa qua thu ngân sách tăng so với kế hoạch. Do đó, không đáng ngại việc giảm thu ngân sách qua giá xăng dầu có thể ảnh hưởng áp lực tới ngân sách.
Bên cạnh đó, chúng ta không đặt vấn đề các khoản thu này giảm vĩnh viễn, giảm cứng kéo dài, mà chỉ giảm trong thời điểm hiện nay. Với tình hình đó, tôi cho rằng, rõ ràng các bộ ngành chức năng, mà nói chung là Chính phủ cần vào cuộc để không khoán trắng trách nhiệm giảm quản lý giá xăng dầu cho Bộ Công Thương.
Trước mắt cần cân nhắc cùng với Bộ Tài chính đưa ra phương án giảm tiếp một số khoản thu ngân sách thông qua giá xăng dầu để hỗ trợ giá xăng dầu hiện nay.