Giải quyết xung đột giữa các con như thế nào?

(lamchame.vn) -Khả năng sống hài hòa trong gia đình và xã hội không tự đến với mỗi đứa trẻ. Cha mẹ và các nhà giáo dục là những người hướng dẫn quan trọng để dạy trẻ và tạo nên những điều kiện thuận lợi nhằm giải quyết xung đột giữa các con.

Những gợi ý sau sẽ giúp bạn giải quyết xung đột giữa các con
 

 

Đừng nên so sánh hai đứa trẻ với nhau

Tốt hơn cả là nói cho trẻ biết những gì bạn cảm thấy, hoặc gợi ý cho trẻ một kiểu hành động thích hợp trong mỗi tình huống. Ví dụ: Bạn không nên nói với trẻ: “Hãy học như chị (em) con đi, con sẽ thành công đấy” mà nên nói rằng “ Ai có thể sẽ giúp con hiểu được điều này nhỉ?”.

Đừng biểu lộ bạn yêu đứa này và không yêu đứa kia

Khi con bạn hỏi: “Cha mẹ yêu con hay yêu em hơn”, bạn nên nói với nó rằng bạn yêu cả hai nhưng theo những cách khác nhau.

Khi một đứa trẻ thể hiện những tình cảm tiêu cực

Bạn đừng cố gắng làm cho nó thay đổi những tình cảm đó ngay, hoặc tỏ ý ngăn chặn các suy nghĩ ấy, bạn chỉ nên lắng nghe rồi tìm cách gỡ rối dần dần.

Đừng nhân nhượng với những hành động hung bạo hoặc những lời nói gây tổn thương quá sức

Đơn giản là bạn cần cấm những hành động như vậy hoặc là chuyển hướng chúng theo một cách nào đó chấp nhận được. Một vài gợi ý: Thay vì đánh nhau, bạn có thể rủ trẻ chơi đánh vào mấy cái gối bông, hoặc sử dụng vài con rối để thể hiện cảm xúc.

Nên thống nhất trong cách giáo dục con

Nên thỏa thuận với vợ hoặc chồng bạn, với cả những người tham gia chăm sóc giáo dục con bạn để cho tất cả những yêu cầu và giáo dục con của bạn được thống nhất trong gia đình, ít nhất là trong những điểm chủ yếu nhất.

Đừng cho con phần thưởng kích thích tính cạnh tranh, mà thưởng cho con bạn khi chúng biết hòa thuận

Tất cả trẻ con đều thích được chú ý đến nhưng bạn đừng chỉ chú ý đến con khi có điều xấu xảy ra. Bạn nên chúc mừng các con và bày tỏ cho chúng thấy là bạn đã hài lòng đến như thế nào khi chúng yêu thương nhau.

Đừng dán nhãn cho trẻ

Bạn nên thay đổi cách nhìn của mình và cho bé cơ hội để thay đổi.

Tôn trọng tính riêng tư của trẻ

Chúng ta nên cho phép trẻ có được những khoảng không gian riêng, thú vui riêng, những hoạt động riêng, bạn bè riêng, nhất là khi bọn trẻ trong gia đình cách xa tuổi nhau. Khi ta bắt buộc bọn trẻ chia sẻ với nhau tất cả đồ chơi của chúng, quần áo của chúng với nhau,… thì ngay lập tức bọn trẻ sẽ không nhân ái với nhau. Bạn nên thực tế trong những yêu cầu mà bạn đặt ra với con, đặc biệt với đứa con đầu lòng của bạn. Bạn đừng đặt lên vai chúng những trách nhiệm quá nặng và giúp con bạn kết bạn với những trẻ khác.

Nói chuyện với con

Những gì mà chúng ta đã trải qua với anh chị em của chính chúng ta đôi khi có thể tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta, đến con cái của chúng ta. Bạn nên kể với con về tuổi thơ của bạn, về những gì bạn đã trải qua, về những gì mà bạn đã cảm thấy khi bạn phải sống trong xung đột với anh em bạn giống như con cái bạn bây giờ. Bạn giải thích cho con bạn hiểu những gì mà bạn mong muốn, và tại sao muốn cải thiện được tình cảm anh chị em của bọn trẻ, giải quyết xung đột giữa các con. Bạn có thể chia sẻ với các con bạn về giấc mơ có một gia đình hòa thuận.

Tránh những bài thuyết giáo, những lời kết tội, quát tháo

Thuyết giáo, kết tội hay quát tháo bọn trẻ có thể giúp người lớn giải tỏa cảm xúc nhưng lại làm xấu mối quan hệ giữa những đứa trẻ cho dù bạn có đạt được những kết quả nhất thời. Bạn cố gắng làm chủ bức xúc và căng thẳng của bạn, và có một nguyên tắc ứng xử với bọn trẻ. Bạn cố gắng tìm ra một số trò chơi, nhiệm vụ chung cho cả gia đình để cả gia đình có thể cùng làm việc.

Bạn nói cho con bạn biết rằng bạn chỉ chấp nhận nghe những lời mách tội đúng và mang tính khách quan mà thôi.

Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU