Giảm cân an toàn- Một chai nước ngọt bằng hơn một giờ làm chuyện ấy

(lamchame.vn) - Ít người biết là để đốt cháy hết lượng calo có trong mỗi 1 đồ ăn nhanh hay 1 lon nước ngọt, bạn sẽ phải hoạt động cật lực như làm chuyện ấy trong hơn 1 giờ đồng hồ...

Tại hội thảo " Giảm cân an toàn" cho Phòng khám chuyên gia dinh dưỡng Viam tổ chức sáng 1/7, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, xu hướng sử dụng nước ngọt ngày càng phổ biến ở cả người lớn và trẻ em.

Cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều gia đình mua cả vài thùng nước ngọt, nước ép trái cây lon về nhà. Thói quen này cũng là một trong những nguyên nhân gây béo phì ở cả trẻ em và người lớn.

Một lon nước ngọt 330ml chứa đến hơn 1/3 lượng đường.

Nguyên nhân béo phì vì nước ngọt là gì? Bên cạnh lượng đường tự nhiên trong thực phẩm, thường được ép thêm đường glucose hoặc fructose. Những loại đường này cung cấp nhiều kcal.

Một lon nước ngọt có đến 36g đường. Theo công bố trên nhãn của nhà sản xuất, 100 ml nước ngọt thì tạo ra 42 kcal. Thế nhưng một lon nước ngọt lại thường được đóng hơn 300ml và hầu hết mọi người đều có tâm lý, đã mở ra thì cố uống, bỏ thì tiếc nên lại uống cố, đồng nghĩa với việc sẽ nạp khoảng 140kcal.

“Để uống một lon nước ngọt rất nhanh, nhưng để tiêu thụ được 140kcal đồng nghĩa với việc mất khoảng 60 phút đi bộ”, TS. Trương Hồng Sơn cho biết.

Mấu chốt của béo phì, lên cân cũng liên quan chặt chẽ đến loại nước uống này.

Không chỉ cung cấp quá nhiều năng lượng mà loại đồ uống ngọt cũng là tác nhân khiến cơ thể đào thải canxi nhiều hơn.

Nước ngọt có ga có phân tử CO2 sục vào nước tạo thành H2CO3 - axít cacbonic, và để trung hòa môi trường này, cơ thể rút canxi trong xương, răng, sau đó thải ra ngoài qua nước tiểu khiến lượng canxi của người Việt nạp vào đã ít ỏi nay bị tiêu hao nhanh hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, thực phẩm ngọt hàng ngày mang những mối nguy tiềm ẩn dẫn đến tăng cân, béo phì, tim mạch….

“Khi ăn một khối lượng đường rất nhiều trong một thời điểm nhất định thì chuyển hóa đường của cơ thể không đáp ứng nổi, làm tăng đường huyết nhất thời, dẫn đến hiện tượng một số cháu có thể tìm thấy đường trong nước tiểu sau bữa ăn.

“Nếu tìm thấy đường trong nước tiểu sau bữa ăn, điều đó cảnh báo chúng ta rằng chúng ta đã ăn một bữa quá nhiều đường. Nếu cứ duy trì thì không tốt cho cơ thể, lâu dần sẽ khiến từ tiểu đường giả thành tiểu đường thật. Bởi lượng đường trong máu tiếp tục tăng cao khiến cơ thể, tuyến tụy lập tức tiết ra insulin để kéo lượng đường trong máu xuống. Đó là một sinh lý bất bình thường. Tuyến tụy cùng một lúc phải sản xuất quá nhiều insulin đến lúc nó mệt không sản xuất nổi nữa sẽ khiến thành đái tháo đường thật”, TS Ninh cảnh báo.

“Ăn quá nhiều đường (gồm bánh kẹo, nước ngọt…) rất nguy hiểm vì làm hại tuyến tụy. Vì thế, người lớn cần tự điều chỉnh chế độ ăn sao cho phù hợp, không ăn quá nhiều đồ ngọt. Với con trẻ cũng cần sự nhắc nhở, giám sát, tránh trường hợp đường huyết tăng bất thường vì ăn quá nhiều đồ ngọt. Tái diễn hiện tượng này nhiều lần, nhiều ngày sẽ thực sự khiến tuyến tụy mệt mỏi, không còn tiết insulin thì sẽ rất nguy hiểm, vì khi đó là tiểu đường thực sự”, TS Ninh cho biết.

TS Ninh cũng cho rằng người Việt nên thay đổi truyền thống mời nhau miếng bánh, kẹo hay nước ngọt thành những đĩa hoa quả tươi ngon như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, táo... có lợi cho sức khỏe.

Đọc thêm: Giảm cân an toàn cùng Viam

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU