Bệnh không trừ ai
Hiện nay, số người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, nhất là ở độ tuổi từ 40 - 50 tuổi. Riêng Việt Nam mỗi năm có 200 nghìn người bị đột quỵ. Căn bệnh này đã trở thành mối lo ngại cho xã hội.
Theo TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ, tim mạch Cần Thơ, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM - đột quỵ có thể gây ra cái chết cho nhiều người.
Đột quỵ không phân biệt già trẻ, bệnh có thể xảy ra bất cứ thời gian nào. Điều khác là người có nguy cơ cao, người có nguy cơ thấp.
Theo TS Cường, đột quỵ có hai dạng là xuất huyết não và nhồi máu não. 80% trường hợp nhồi máu não đều có triệu chứng cảnh báo trước như cơn thiếu máu não thoáng qua.
Dấu hiệu điển hình của cơn thiếu máu thoáng qua là người đó đang làm việc bình thường bỗng dưng tay tê, yếu tay, viết nghuệch ngoạc, rơi đũa, rơi bát... nhưng sau đó trở lại bình thường luôn.
Các dấu hiệu khác như tự nhiên nói đớt, nói khó, nói sai tên. Có người bị chóng mặt kèm theo cơn mất ý thức thoáng qua như té ngã, mất ý thức, nhưng chỉ trong vài giây rồi lại phục hồi.
Nếu bạn cảm thấy bỗng dưng bị tối sầm mắt, cơ thể giống như căn phòng bị cúp điện đột ngột, sau đó tự động như có điện trở lại, mắt nhìn thấy trở lại cũng là dấu hiệu của cơn thiếu máu thoáng qua.
Những người có dấu hiệu báo trước này thì sẽ có thể rơi vào cơn đột quỵ trong vòng 6 tháng tiếp đó.
Dấu hiệu của đột quỵ
Bệnh nhân có dấu hiệu trên chính là tiền chứng cảnh báo đột quỵ nhưng đáng tiếc nhiều người bệnh lại nhầm với cơn trúng gió và bỏ qua.
Trong xuất huyết não, các dấu hiệu đau đầu đột ngột, huyết áp luôn vượt 180mmhg cũng là dấu hiệu cảnh báo sớm nhất của đột quỵ xuất huyết não.
Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ (khoảng thời gian tốt nhất để đột quỵ được cứu chữa) là 6h với tắc nghẽn mạch máu lớn, 4,5 giờ với tắc nghẽn mạch máu nhỏ.
Còn xuất huyết não không sử dụng thời gian vàng như nhồi máu não mà chỉ điều trị càng sớm càng tốt, tìm nguyên nhân để điều trị nguyên nhân.
Cách nhận biết đơn giản khi có dấu hiệu đột quỵ
Thứ nhất: Khuôn mặt méo
Thứ hai: Tay chân bệnh nhân yếu
Thứ ba: Bệnh nhân nói đớt, ngọng, không nói được.
Nếu người có 3 dấu hiệu này thì không phải trúng gió mà đó là đột quỵ. Khi đó cần đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế lớn hoặc các trung tâm y tế có thể cấp cứu đột quỵ nơi gần nhất.
Trong lúc chờ xe cứu thường nên làm các bước theo trình tự ABC:
A (Airway, đường thở): Nhanh chóng kiểm tra đường thở của bệnh nhân có vật cản hay còn thở không. Nếu bệnh nhân đột quỵ khi có răng giả, tắc nghẽn thức ăn thì bệnh nhân có thể sẽ tử vong sau 4, 5 phút, hoặc di chứng não nặng.
Nếu trường hợp bệnh nhân hôn mê, để đầu nghiêng sang 1 bên, móc đờm dãi nếu có.
B (Blood, máu): Nhanh chóng kiểm tra ngay xem bệnh nhân có chảy máu hay gãy xương lớn không. Nếu bệnh nhân tỉnh táo nên hỏi bệnh nhân có đau ở đâu, gãy xương đùi, gãy xương cổ cần nhanh chóng cố định vùng gãy. Dùng tấm ván gỗ lót vào người bệnh, khiêng bệnh nhân cùng nhau và đặt trên ván gỗ di chuyển tới nơi an toàn.
C (Circulation, tuần hoàn máu): Nhanh chóng kiểm tra hệ tuần hoàn của bệnh nhân xem mạch cảnh, mạch đùi còn đập không.
Nếu bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở cần xoa bóp tim ngoài lồng ngực, nhưng không khuyến cáo sơ cứu ngoài cộng đồng vì không đúng cách làm nặng hơn bệnh nhân.
Không được cho bệnh nhân uống thuốc, nặn máu, cạo gió, tiêm chất gì vì nếu làm thế sẽ gia tăng tình trạng xuất huyết não, làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
TS BS Trần Chí Cường
Tầm soát dự phòng bệnh
Đến nay, phần lớn đột quỵ đều có thể tầm soát được, cấp cứu hiệu quả nếu có đầy đủ trang thiết bị và máy móc hiện đại. Điều quan trọng nhất của đột quỵ đó là tầm soát bệnh và đến viện đúng thời gian vàng.
Phòng đột quỵ hiện nay là phòng ngừa từ xa nếu có yếu tố nguy cơ. TS Cường ví dụ ở miền Bắc đang vào mùa đông thời tiết lạnh sẽ làm gia tăng về đột quỵ. Vì vậy, ai có yếu tố nguy cơ như người tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, từng bị đột quỵ nhẹ... cần chú ý.
Ngoài ra, những người thường xuyên uống rượu, bia quá mức, bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường thì đột quỵ hoàn toàn có thể xảy ra.
Phòng tránh đột quỵ ngoài việc loại bỏ các yếu tố dẫn tới bệnh, trước mắt, tránh thay đổi nhiệt độ quá mức. Thời tiết lạnh cần giữ ấm cơ thể, giữ làm sao để nhiệt độ môi trường và cơ thể gần bằng nhau. Không xối nước lạnh đột ngột vào người. Quản lý tốt đường huyết và huyết áp.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/giam-doc-bv-dot-quy-80-truong-hop-nhoi-mau-nao-co-dau-hieu-nay-biet-som-co-the-cuu-ban-khoi-dot-quy-161202712103655384.htm
Theo ttvn.vn