Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Cốt lõi là tuổi nghỉ hưu

(lamchame.vn) - Theo nhiều bạn đọc, có giảm năm đóng BHXH cũng chả có ý nghĩa gì, hiện nhiều người tuổi họ gần 50 bị mất việc do công ty giảm biên chế.

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-2023. Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Mục đích giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có bài viết: "Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu" và nhận được phản hồi tích cực của các độc giả.

Một bạn đọc tên Tuấn bày tỏ: "Theo tôi, 20,15,10 năm vẫn chưa ổn, khi tuổi hưu vẫn cao. Vi dụ đóng đủ 10 năm khi mới 30, đóng tiếp tới 62 là 42 năm nữa. Còn nghỉ thì chờ 42 năm nữa mới được hưởng, chưa kể trượt giá sau 42 năm, và còn những phát sinh khác chưa tính được. Mong những người phụ trách làm việc có tâm, tìm giải pháp có thể chấp nhận được, chứ như hồi mua công trái, mỗi tháng mua hết một phần ba lương, mua cả mười tháng ròng, mười năm sau, tính cả gốc lãi nhận đươc chưa bằng mười ngày lương cơ bản hiện hành". Đồng quan điểm, một bạn đọc giấu tên góp ý: "Có giảm năm đóng BHXH cũng trả có ý nghĩa gì, hiện nhiều người tuổi họ gần 50 bị mất việc do công ty giảm biên chế. Thử hỏi cái tuổi đó công ty nào tuyển dụng không, giảm năm đóng mà không giảm tuổi thì cũng bằng thừa, họ vẫn rút BHXH 1 lần thôi.

Một bạn đọc tên Hoàng viết: "Quanh đi quẩn lại vẫn là năm đóng chứ BHXH chứ không bao giờ nói đến tuổi nghỉ hưu của người lao Động. Hiện nay rất nhiều lao động đang bị mất việc mà độ tuổi trên 40 dưới 50 thử hỏi họ xin việc làm sao được khi các doanh nghiệp lại ưu tiên những lao động trẻ". Theo bạn đọc Huỳnh Hoàng Chung, quan trọng hơn là tuổi được hưởng lương hưu, công nhân và người tham gia BHXH tự nguyện khoảng trên 50 tuổi là được hưởng lương hưu là hợp lý, hợp tình.

Bạn đọc Nguyễn Xuân Hoàng góp ý: "Đề nghị hưởng đủ 100% khi đủ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội thay vì 75% như hiện nay. Sau đó, người đóng từ năm thứ 36 trở lên thì cứ mỗi năm được tính thêm 1 tháng lương khi tính lương hưu và những ai chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp thì cho hưởng đủ các tháng chưa hưởng khi nhận sổ hưu".

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số lượng người rút BHXH một lần luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Đáng chú ý, giai đoạn 2016 - 2021, có khoảng hơn 4 triệu người rút BHXH một lần, chưa tính số người do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 800.000 người rút BHXH một lần. Lý do một phần do chính sách có nhiều thuận lợi cho việc rút BHXH một lần, cộng thêm tác động tiêu cực của dịch COVID-19 thì thời gian đóng BHXH quá dài (20 năm) cũng là yếu tố khiến người lao động chấp nhận rút BHXH một lần.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU