Giáo viên trường tư thục mong mỏi vào gói hỗ trợ của Chính phủ

(lamchame.vn) - Ảnh hưởng của Covid-19 khiến hầu hết các ngành nghề đều bị ngưng trệ, ngành giáo dục cũng không ngoại lệ. Nhiều trường mầm non tư thục phải đóng cửa vì không có nguồn thu, đời sống của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, hầu hết giáo viên đều đang trông chờ vào gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Hàng ngàn cô giáo mầm non phải nghỉ việc vì dịch Covid-19 cũng chật vật mưu sinh. Nhiều cô giáo nghỉ hẳn việc, chọn nghề khác, nhiều cô lại tất bật với những công việc thời vụ.


Chị Phượng, nhân viên cấp dưỡng của một trường mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Yên Bái, đã phải nghỉ việc không lương, chồng chị làm bảo vệ cho nhà trường, nay cũng chung tình cảnh. Vì cả hai vợ chồng đều mất việc, nên mọi nguồn thu nhập khoảng 7 triệu đồng nay không còn, để trang trải cuộc sống gia đình chị cũng khá chật vật.

Cũng như chị Phượng, chị Hồng là giáo viên dạy tư thục, hơn hai tháng nay đã phải nghỉ dạy, vì không có lương nên thời gian ở nhà chị tranh thủ làm đồ ăn sáng, mang đến tận nhà cho khách hàng. Khi nghe gói hỗ trợ của Chính phủ, bản thân chị cùng nhiều giáo viên, người lao động của trường Mầm non Lê Quý Đôn mong chờ từng ngày.

Hơn 3 tháng qua, cô Ngô Thị Luyến (29 tuổi, phụ trách lớp Lá trường Mầm Non Hoa Quỳnh tại Thủ Đức, TPHCM) phải vật lộn với đủ thứ nghề tay trái mưu sinh. Hết làm bánh ngọt, cô Luyến lại mua trái cây về rồi đăng lên mạng bán kiếm lời. Do là nghề tay trái, ít kinh nghiệm, vốn lại ít nên mỗi ngày cô Luyến chỉ thu lợi nhuận khoảng 30.000 đồng. Số tiền ít ỏi kiếm được cô giành dụm mua thức ăn để hai mẹ con sống tạm qua ngày. Con cô cũng chẳng còn được uống sữa như những đứa trẻ khác. Khi khó khăn quá, cô lại nhờ sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè.

Để góp phần gỡ khó cho những trường mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập, ngành Giáo dục và Đào tạo kiến nghị cấp trên ưu tiên hỗ trợ một phần lương cho đội ngũ làm việc tại trường tư thục có tham gia bảo hiểm, đảm bảo duy trì bảo hiểm và ổn định cuộc sống trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các tỉnh thành cũng đã có cơ chế phù hợp để giải quyết kịp thời chế độ thất nghiệp cho cán bộ, giáo viên tại các trường tư thục. Đồng thời cũng ban hành cơ chế kịp thời để hỗ trợ các chủ trường, các nhà đầu tư xây dựng trường tư thục trong việc giản nợ và giảm nợ vay đối với nguồn vốn vay đầu tư cho trường mầm non tư thục.

Trước những khó khăn trên, Chính phủ đã kịp thời ban hành những quyết sách nhằm khắc phục và hỗ trợ đời sống dân sinh. Điển hình là việc ban hành gói hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ đồng và hướng tới 8 nhóm người dân trong xã hội được hỗ trợ, tương ứng với khoảng 20 triệu người dân bị ảnh hưởng nặng nghề và giảm thu nhập sâu nhất.

Chỉ sau khi được ban hành 1 thời gian ngắn, các địa phương đã khẩn trương rà soát, lập danh sách và chi trả bước đầu tới một số nhóm người dân.

Tại TPHCM, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết đã chi xong 306 tỷ đồng hỗ trợ lao động mất việc, dừng việc, giáo viên mầm non ngoài công lập.

Tuy vậy, theo ghi nhận đến nay hầu hết giáo viên trên khắp các địa bàn tỉnh thành đều chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Theo Tổng hợp forum

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU