Không chỉ vậy, việc học trước còn làm giảm hứng thú tham gia lớp học. Khi học sinh đã học qua kiến thức rồi, các tiết học chính khóa dễ trở nên nhàm chán, lặp lại. Tệ hơn nữa, việc học trước còn ảnh hưởng đến khả năng tự học – kỹ năng quan trọng nhất trong suốt đời học sinh. Một nghiên cứu theo dõi của Đại học Stanford cho thấy: nhóm học sinh học trước có khả năng tự điều chỉnh và tự quản lý việc học thấp hơn đáng kể so với nhóm học đúng tiến độ. Khi quen với việc được "mớm bài" từ sớm, trẻ dần đánh mất tính chủ động, không biết tự đặt câu hỏi, tự tìm tòi. Đến khi đối mặt với các giai đoạn học khó hơn như cấp ba hoặc đại học, việc thiếu kỹ năng tự học sẽ khiến các em nhanh chóng hụt hơi.
Không thể không nhắc đến hệ quả tâm lý. Trẻ em bị ép học trước kiến thức vượt quá khả năng nhận thức rất dễ sinh ra cảm giác sợ hãi, mất tự tin, dần dẫn đến chán học. Càng học trước, kỳ vọng càng cao. Càng kỳ vọng, áp lực càng lớn. Một khi kết quả không như mong đợi, trẻ dễ rơi vào trạng thái tự ti, lo âu, thậm chí hình thành các vấn đề tâm lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của bản thân.
Dĩ nhiên, học trước không hoàn toàn xấu. Nhưng thay vì chạy đua theo kiểu “học nhảy lớp”, điều các nhà giáo dục khuyến khích là tự học trước với mức độ vừa phải, như là đọc bài, tìm hiểu nội dung bài học trước ở nhà. Rất nhiều giáo viên cho rằng đây là một trong những cách học hiệu quả nhất. Khi học sinh đã có hình dung trước về bài học, các em sẽ dễ tiếp thu hơn khi vào lớp, từ đó tăng hiệu quả nghe giảng và ghi nhớ sâu hơn. Đặc biệt với những học sinh học lực trung bình hoặc chưa tự tin, việc chuẩn bị trước bài ở nhà giúp các em bớt sợ môn học, dễ theo kịp lớp, từ đó khơi dậy hứng thú và cảm giác thành công.
Học trước hay không không quan trọng bằng việc học đúng thời điểm, đúng tốc độ phát triển của trẻ. Việc cha mẹ cần làm không phải là thúc con đi nhanh nhất, mà là tạo điều kiện để con đi vững vàng nhất trên con đường học tập của mình.
Theo Đông