Kênh Youtube của Myka Stauffer đã tăng vọt về số lượng đăng ký và lượt xem ngay khi cô thông báo nhận nuôi một đứa trẻ từ Trung Quốc. Những con số cho thấy rằng chính sự xuất hiện của Huxley đem lại thành công lớn cho kênh Youtube của gia đình Stauffer. Sau nhiều năm, Huxley mang lại hàng trăm ngàn lượt xem cho cha mẹ nuôi, giúp họ trở thành "thần tượng" trong mắt các ông bố, bà mẹ khác.
Người xem không thể không chú ý rằng nhờ có Huxley mà gia đình Stauffer đã kiếm được rất nhiều tiền trên YouTube. Thậm chí, cặp vợ chồng vẫn kiếm tiền nhờ cậu bé này ngay cả sau khi Huxley bị bỏ rơi lần thứ hai trong đời vì các video vẫn còn đó trên Youtube và chẳng ai cấm cản mọi người xem.
Chỉ sau khi một bản kiến nghị được gửi đi, YouTube mới gỡ các video có mặt Huxley xuống, và một vài video được gia đình nhà Stauffers cài chế độ riêng tư để không ai xem được nữa. Bản kiến nghị hiện đã được đóng lại nhưng lượng chữ ký có được là 155.000 từ khắp nơi trên thế giới.
Tác giả Gillian Sisley cũng không ngại suy đoán rằng Myka và James Stauffer đã cố tình nhận con nuôi, đặc biệt lại là một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, để thu hút sự chú ý trên YouTube. Bởi không thể phủ nhận rằng sự xuất hiện của Huxley mang lại cho gia đình đó danh tiếng và vận may.
Lòng tự cao được ngụy trang thành gia đình hoàn hảo
Có một hội chứng được gọi là rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic personality disorder - NPD) - một trạng thái không bình thường của nhân cách, có biểu hiện qua ảo tưởng và hành vi tự cao tự đại, khát vọng được người khác ngưỡng mộ, tham vọng thành công chói sáng trong mọi lãnh vực và thiếu sự đồng cảm với người khác.
Những phụ huynh này đang cho bạn thấy chính xác những gì họ muốn bạn nhìn thấy - một gia đình hạnh phúc, cha mẹ yêu thương con cái, những đứa trẻ thông minh, ngoan ngoãn, biết nghe lời...
Tưởng khó mà lại rất dễ. Họ chỉ cần cắt xén, xóa đi những đoạn cãi vã hoặc thậm chí đánh chửi và chỉ giữ lại những phút giây ngọt ngào, hạnh phúc để trưng ra cho cả thế giới thấy. Và một khi họ đã đạt được một lượng người theo dõi đủ lớn, họ thậm chí có thể coi mình là "không thể chạm tới". Khi đó, dù sai cũng thành đúng cả thôi!
Bên cạnh đó, việc ghi lại cuộc sống của những đứa trẻ để cho những người hoàn toàn xa lạ xem cũng vô tình "dạy" cho bọn trẻ một lối suy nghĩ khá đáng sợ rằng chúng chỉ có giá trị nếu nhận được sự chú ý từ mọi người. Tâm lý đó dẫn đến việc chúng bất chấp làm nhiều việc gây sốc hơn để được chú ý, tăng lượt xem hoặc kiếm tiền.
Đó chắc chắn không phải là cách để sống một tuổi thơ khỏe mạnh và đàng hoàng! Cha mẹ có nhiệm vụ bảo vệ con cái họ khỏi bị bóc lột chứ không phải là lợi dụng chúng để kiếm từng đồng bạc lẻ.
Lời tâm sự của tác giả:
Tôi không tin là công bằng khi chính cha mẹ lại cướp đi tuổi thơ bình thường của những đứa trẻ, lợi dụng sự trưởng thành của chúng để biến chúng thành "cái máy in tiền".
Ngôi nhà có nghĩa là một nơi an toàn mà bất kỳ ai cũng muốn trở về để thư giãn và tận hưởng phút giây hạnh phúc bên những người thân yêu nhất. Nhưng đối với những đứa trẻ bị cha mẹ quay phim để kiếm tiền thì rõ ràng nhà không phải là nơi an toàn đối với chúng!
*Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả Gillian Sisley trên tờ Medium đăng ngày 4/7*.
(Nguồn: Medium)