Gói bánh chưng - hành trang văn hóa của những người Việt xa xứ

Tết Nguyên đán luôn có vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt từ xưa đến nay. Không chỉ với người dân trong nước, trong tâm thức của những người con xa xứ, ngày Tết luôn mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt để họ cùng nhau hướng về quê hương, nơi đang có những người thân yêu và bạn bè mong chờ.

Những kiều bào và cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức cũng không ngoại lệ. Cứ đến những ngày giáp Tết, dù ở bất kỳ đâu, họ cũng kết nối với nhau, trở về gia đình hoặc các hội nhóm để được gặp gỡ, chia sẻ và chung vui không khí ấm áp của ngày Tết cổ truyền. Ngôi chùa Phổ Đà ở Berlin là điểm đến đặc biệt hơn cả trong những ngày Xuân này, vì những người đến đây đều là các phật tử. Họ không chỉ đến để hành lễ mà còn giúp nhà chùa dọn dẹp và chuẩn cho hoạt động gói bánh chưng từ thiện đón Xuân.


Năm nào cũng vậy, từ vài ngày trước thời điểm tiễn “ông Táo” lên trời, bà con phật tử đã hân hoan, háo hức đổ về chùa để được tham gia hoạt động gói bánh chưng. Mỗi người một việc, tùy theo khả năng đóng góp của mình: nào là lau lá, đãi gạo, thổi đỗ, bắc nồi hay châm củi luộc bánh... Họ vừa làm vừa ôn lại những câu chuyện về Tết cổ truyền, về quê hương đất nước và về những vui buồn cuộc sống. Đặc biệt còn có cả các sinh viên, lưu học sinh và thanh niên sinh ra, lớn lên tại Đức cũng theo bố mẹ vào chùa tham gia hoạt động từ thiện đón Xuân.


Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Đức, chị Phạm Quỳnh Nga - pháp danh Quảng Huệ Châu, một Việt kiều sống xa quê hơn 30 năm - cho biết bánh chưng chùa Phổ Đà đã trở thành thương hiệu tại CHLB Đức. Hàng năm, bà con phật tử xa gần đều mong ngóng đến ngày gói bánh chưng để được nhớ về nét văn hóa quê hương và chia sẻ, trò chuyện về những tục lệ của người Việt trong ngày Tết cổ truyền. Chị chia sẻ: “Chúng tôi, những người con xa xứ, những ngày này càng nhớ gia đình, rất muốn được về quê hương nhưng do dịch bệnh nên không thể thu xếp trở về. Được tham gia hoạt động gói bánh chưng do thầy Thích Pháp Nhẫn, trụ trì chùa Phổ Đà, tổ chức thấy vô cùng phấn khởi và có ý nghĩa. Nó không chỉ gợi nhớ cho chúng tôi những kỷ niệm ngày xưa, được sống bên gia đình, đón không khí Tết rất vui và ấm áp, mà còn tạo ra một nét văn hóa để con cháu sau này duy trì và lưu giữ”.

Một trong những ý nghĩa nhân văn không thể không kể đến là những chiếc bánh chưng chay mang thương hiệu chùa Phổ Đà, hầu như được bà con đặt từ trước, sẽ được “thỉnh” về thắp hương trong mâm cơm ngày Tết. Số tiền thu được không chỉ để xây dựng, sửa chữa nhà chùa mà còn được góp vào quỹ từ thiện để gửi về quê hương chia sẻ với những khó khăn của bà con trong nước mỗi khi gặp thiên tai hay địch họa.

Chị Lê Hoài Thu, pháp danh Quảng Huệ Ngộ, thay mặt các anh chị em trong chùa Phổ Đà nhắc lại lời thầy Thích Pháp Nhẫn nói rằng bánh chưng không chỉ là món ăn, mà còn là lễ vật dâng lên ông bà, tổ tiên trên mâm cơm ngày Tết. Vì vậy, để có được một chiếc bánh mang “hồn Việt”, việc đặt mua các nguyên liệu đều được lựa chọn rất kỹ và đưa từ Việt Nam sang khoảng một tuần trước đó. “Ngoài những món ăn truyền thống mang đậm hương vị Việt Nam như giò chả và nem rán thì bánh chưng là món nhất định không thể thiếu trong ngày Tết dân tộc”, chị nói.

Chị Thu cũng thường nói với các con gói bánh chưng chính là việc duy trì và giữ gìn bản sắc dân tộc. Chiếc bánh chưng như cầu nối giúp các thành viên trong gia đình gắn bó và chia sẻ hơn. Gia đình chị Thu nói riêng và kiều bào ở Đức nói chung mỗi năm đều mong chờ được phát tâm trong dịp Tết đến Xuân về này.Với những người con xa Tổ quốc, việc thiếu thốn các nguồn nguyên liệu đã khiến nhiều phong tục truyền thống phần nào bị mai một. Thế nhưng tục gói bánh chưng ngày Tết dường như vẫn được duy trì ở rất nhiều nơi. Đó cũng chính là một hành trang văn hóa mà bất kỳ người con đất Việt sống xa quê nào đều muốn mang theo.

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU