Gửi con gái: Không có mệnh công chúa để người đời cung phụng, vậy nhất định phải có 1 trái tim nữ hoàng!

Hy vọng con đủ mạnh mẽ để làm chính mình, không dựa dẫm vào tình yêu của người khác để cứu vớt số phận bản thân. Chỉ có như thế, con mới có thể gặp được một người ngang bằng với mình, gặp được một tình yêu mà cả hai con đều dành sự tôn trọng cho nhau.'

Con gái của mẹ,

Hôm qua, con bỗng nhiên hỏi, tình yêu là gì. Mẹ nói với con, bố yêu mẹ, đó chính là tình yêu. Khi ấy, con đã ngây thơ mà nói, con cũng muốn một tình yêu như thế. Khoảnh khắc đó, mẹ chợt thấy bối rối, không biết phải đáp lại ước mơ của con ra sao. Con của mẹ đang dần lớn lên, trái tim nhỏ bé giờ đây đã bắt đầu biết mơ tưởng về tương lai, bắt đầu biết chờ đợi một chàng hoàng tử cho riêng mình.

Không biết tại sao, nhiều suy nghĩ tiêu cực bất ngờ xuất hiện trong đầu mẹ. Mẹ nhớ đến một bài báo mình từng đọc, kể về một cô gái bị chồng bạo hành, cô ấy vừa khóc vừa hồi tưởng lại những kỉ niệm ngày xưa mình từng có với chồng trong khi trên người vẫn đầy những vết thâm tím; rồi chuyện cô nữ sinh tự tử vì tình, dù được cứu sống kịp thời thì cũng chẳng còn sáng sủa, tự tin như ngày xưa nữa. Mà ngay cả những người xung quanh mẹ dường như ít nhiều cũng từng chịu tổn thương như thế. Hôm qua, một người bạn của mẹ tâm sự lúc cô ấy mang thai, chồng cô ấy ngoại tình; một cô bạn khác thì gọi điện cho mẹ khóc, than vãn cô ấy chọn nhầm người rồi.

Những lúc như thế, mẹ lại tưởng tượng, rốt cuộc sau này con gái của mẹ sẽ gặp được tình yêu như thế nào, sẽ có được một cuộc hôn nhân ra sao. Nếu như những chuyện đau khổ kể trên xảy ra đến với con, liệu con có thể mạnh mẽ mà đương đầu hay không.

Con gái à, có lẽ mẹ quá bi quan rồi. Mẹ nghĩ tỉ lệ con bị tổn thương vì tình yêu có lẽ chỉ 1% thôi nhưng một khi gặp phải chuyện kiểu vậy, tổn thương sẽ là 100%.

Con vẫn còn tin vào cái gọi là cổ tích, khiến mẹ nhiều lần nhớ đến topic từng nổi trên mạng: "Có nên nói cho con trẻ biết cổ tích là giả không?". Nhưng nếu là mẹ, mẹ sẽ nói với con rằng: Những truyện cổ tích hạnh phúc, đều là thật đấy.

Chỉ là kết thúc của cổ tích, không phải diện mạo thật của tình yêu mà thôi.

01
Cổ tích không phải lừa người, chỉ là còn chưa kể hết.

Con gái ơi, ngày nhỏ mẹ cũng thích đọc truyện cổ tích về công chúa và hoàng tử. Mẹ thích sự tốt bụng của Bạch Tuyết, thích sự dũng cảm của Lọ Lem. Những công chúa đáng yêu ấy, cũng giống con, xinh xắn, dễ thương, tốt đẹp.

Ngày bé con suốt ngày mơ được lấy hoàng tử. Lớn lên con lại nói mẹ là công chúa, bố là hoàng tử. Kết cục của cổ tích là "mẹ và bố hạnh phúc bên nhau mãi mãi".

Được con tưởng tượng như vậy, mẹ cũng vui lắm chứ, vì từ bé mẹ đã mong gặp được một tình yêu cổ tích như thế. Bố con đúng là hoàng tử của mẹ đấy. Trên người bố như có ánh hoàng quang, tỏa sáng cuộc đời mẹ.

Nhưng con ơi, cổ tích chỉ kể con nghe chuyện hoàng tử bảo vệ công chúa, đánh bại mụ phù thủy, lại không kể cho con chuyện sau khi lấy nhau, họ sẽ chung sống thế nào.

Công chúa và hoàng tử luôn gặp nhau vào những thời điểm nguy hiểm, họ đại diện cho chủ nghĩa lãng mạn yêu từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng con biết không? Phần quan trọng nhất của tình yêu không phải là gặp gỡ, mà là bên nhau cơ.

Khi khoảnh khắc lãng mạn diệu kì trôi qua, ai cũng sẽ phải trở lại cuộc sống thường ngày với những cơm áo gạo tiền.

Con nhìn xem, hoàng tử công chúa trong mắt con, cũng sẽ vì đồ ăn mặn nhạt mà cằn nhằn, cũng sẽ oán thán khi đối phương về nhà muộn, cũng sẽ vì việc học tập của con mà bất đồng quan điểm, cũng sẽ thường xuyên lời qua tiếng lại.

Có lẽ, hoàng tử và công chúa trong cổ tích đến từ những quốc gia khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau, có những thói quen khác nhau. Nếu như hai người họ không biết cách chung sống cho hài hòa, bao dung cho sự khác biệt của đối phương, vậy cái kết có khi cũng là đường ai nấy đi.

Có lẽ, công chúa thích mặt trăng lạnh lùng, hoàng tử lại thích mặt trời rực rỡ, nếu hai người họ không biết tôn trọng sở thích của nhau, thì dù yêu từ cái nhìn đầu tiên cũng có dần dần biến thành vừa chạm mặt đã thấy phiền lòng.

Con gái à, mẹ hy vọng con hiểu được: Cổ tích vẫn rất đẹp, những giá trị chân thiện mỹ vẫn tồn tại. Chỉ là con phải nhớ thêm một điều: Hạnh phúc không phải món quà ông trời trao tặng, cũng không phải gặp gỡ nhau như định mệnh an bài mà là phần thưởng con có được khi biết yêu thương chính mình, biết bao dung người khác, biết hy vọng vào cuộc sống này.

02

Hy sinh chính mình không đổi được tình yêu thăng hoa

Sau này khi con lớn rồi, không còn gào lên muốn lấy hoàng tử nữa, con lại đọc Nàng tiên cá rồi lén lau nước mắt. Con hỏi mẹ: "Tại sao nàng tiên cá lại chết? Vì người yêu mà nàng hy sinh tính mạng mình, tốt bụng, vĩ đại như thế, tại sao Andersen không cho nàng cơ hội sống lại?".

Thực ra mẹ cũng thấy buồn thay cho nàng tiên cá. Tình yêu nàng tiên cá dành cho hoàng tử sâu sắc mà nồng nhiệt, vì vừa gặp đã yêu nên tình nguyện từ bỏ tất cả những gì mình có. Để hoàng tử vui, nàng chịu đau đớn múa một bài thật đẹp dẫu đôi chân nhỏ đang rỉ máu; thấy bên cạnh hoàng tử có cô gái khác, nàng lại một lần nữa chấp nhận để trái tim mình đớn đau, im lặng nhìn hai người yêu đương. Dù cuối cùng tình yêu chẳng có, nàng vẫn cam tâm tình nguyện hi sinh chính sinh mệnh mình. Những bọt nước đẹp đến đau lòng kia, tựa như giọt nước mắt của nàng tiên cá vậy.

Con hỏi mẹ, "Nếu mẹ là nàng tiên cá, mẹ có chịu hy sinh tính mạng như thế không?".

Mẹ nói con nghe, câu trả lời của mẹ là không.

Chắc con chưa hiểu được mẹ, sẽ cảm thấy mẹ là một người ích kỉ. Nhưng con ơi, con nhất định phải hiểu, tình yêu động lòng người bao nhiêu sẽ tàn nhẫn bấy nhiêu. Dù là tình yêu gì, dù khắc cốt ghi tâm đến đâu, nếu lấy chính bản thân mình ra ngã giá, con sẽ phải chịu đau đớn hơn cả khi uống thuốc độc của mụ phù thủy. Tình cảm, phải dựa trên cơ sở bình đẳng. Khi tôi nói yêu anh, câu trả lời mà tôi mong đợi là anh cũng yêu tôi.

Từ đầu đến cuối, nàng tiên cá đều không có được tình yêu của hoàng tử, thế nên tình yêu của nàng là vô cùng hèn mọn. Có lẽ, không cần báo đáp là sự tha thứ vĩ đại nàng có nhưng đó chưa bao giờ là biểu hiện tốt đẹp vốn có của tình yêu cả.

Sức mạnh của tình yêu là kỳ vọng đối phương có được hạnh phúc

Nếu con yêu một người, con sẽ muốn thấy người ấy mỉm cười thay vì phải đổ máu; nếu người ấy yêu con, người ấy hẳn là cũng bằng lòng bảo vệ con, không muốn con phải nhận bất kì tổn thương nào.

Các chị của nàng tiên cá đã hỏi nàng lần cuối: "Em thực sự muốn hóa thành bọt biển hay sao?"

Nếu như nàng có thể gạt nước mắt, kiêu hãnh nói: "Em có ngốc vậy đâu. Hoàng tử yêu người khác rồi, sao em phải hy sinh vì chàng nữa?" thì có lẽ, nàng đã trở thành nàng tiên cá hiểu về tình yêu nhất giữa đại dương này, vì nàng nhận ra sự thật: Hy sinh, chưa chắc đã đổi lại được tình yêu.

03

Khi công chúa trở thành nữ hoàng, tình yêu sẽ tự động tới

Con gái thân yêu, cổ tích đúng là rất đẹp. Nó bắt nguồn từ niềm mong mỏi những điều tốt đẹp của tất cả chúng ta, là người vẽ giấc mộng cho chúng ta. Và ciấc mộng nó vẽ cho con, chính là "giấc mộng công chúa" mãi mãi chẳng thể tỉnh lại.

Giấc mộng công chúa của con thực tế vẫn tiếp diễn đấy. Dù không có lâu đài tráng lệ, không có vương miện lóng lánh, nhưng con có được toàn bộ tình yêu của bố mẹ. Thế nhưng công chúa cũng phải lớn lên, cũng phải tỉnh giấc. Nếu suốt ngày chỉ chờ hoàng tử đến cứu rỗi, chẳng phải là con đã giao phó cả cuộc đời mình vào tay người khác hay sao?

Con còn nhớ Elsa trong bộ phim hoạt hình "Công chúa băng giá" mà con thích nhất không?

Elsa không phải một nàng công chúa hoàn hảo, phép màu của Elsa khiến nàng bị mọi người coi như mụ phù thủy, bị người thân xem như nỗi sỉ nhục của hoàng thất. Khi những người quen thuộc với nàng nhất cũng từ chối thân thiết với nàng, nàng đã phải lẻ loi một mình bước ra ngoài một mảnh trời đất trắng xóa của băng tuyết.

Khi công chúa gặp nguy hiểm, nếu là cổ tích thì sẽ ra sao? Tất nhiên là im lặng chờ đợi hoàng tử cưỡi bạch mã tới cứu rồi. Nhưng Elsa không như thế, nàng tự cứu lấy chính mình, nàng biến phép thuật bị mọi người coi như thứ tà ác trở thành món quà được thượng đế ban tặng.

Không ai công nhận giá trị của nàng, nhưng nàng có thể thoải mái rong chơi trong chính thế giới của mình. Không làm một nàng công chúa được người người cung phụng, vậy nàng sẽ tự làm nữ hoàng của cuộc đời mình.

Con gái à, đây mới là nàng công chúa tuyệt vời nhất trong cổ tích!

Nếu công chúa trong cổ tích ai cũng dũng cảm, mạnh mẽ được như Elsa thì trước khi hoàng tử tới, Rapunzel sẽ tự tết tóc mình làm thang thoát khỏi tháp cao, công chúa ngủ trong rừng cũng sẽ không ngủ mê man trong bất lực tận 100 năm, chỉ vì chờ một nụ hôn từ hoàng tử.

Thế nên mẹ thích nhất công chúa Jasmine trong "Nghìn lẻ một đêm" vì nàng vừa thông minh lại vừa có chủ kiến, nàng dám kiên cường phản đối hôn nhân hoàng thất áp đặt cho mình, dùng dũng khí và trí tuệ của mình giải cứu chàng Aladin đang đóng giả hoàng tử.

Bởi vậy, con gái à, mẹ cũng hy vọng con đủ mạnh mẽ làm chính mình, không dựa dẫm vào tình yêu của người khác để cứu vớt số phận bản thân. Chỉ có như thế, con mới có thể gặp được một người ngang bằng với mình, gặp được một tình yêu mà cả hai con đều dành sự tôn trọng cho nhau.

Con yêu thân yêu, bố mẹ coi con như công chúa, không chỉ bằng đôi ba bộ váy áo diêm dúa mà trân trọng con bằng cả trái tim, nuôi nấng, dạy dỗ con nên người, hy vọng con sẽ tìm được một người cũng coi con như của quý mà nâng niu.

Mẹ không phủ nhận cái tốt đẹp của cổ tích chính là giúp chúng ta có được sức mạnh và dũng khí hướng tới tình yêu. Thế nhưng, mẹ mong con hiểu, tình yêu cũng có thể trở thành thứ khiến con vừa thấy đáng ghét vừa thấy đáng sợ. Khi tình yêu biến con trở thành người bất hạnh, khiến con bắt đầu nghi ngờ bản thân, hy vọng con nhớ một điều, luôn có bố mẹ ở bên cạnh con.

Con ơi, cổ tích thực ra chỉ kể về tình yêu chưa trưởng thành thôi.

Mong con hiểu và đừng kiêu ngạo cũng đừng tự ti, đừng lún sâu vào bi hoan tình ái.

Hãy cứ tự tin tỏa sáng như chính con người con, đó mới là chân lý mà cổ tích chưa từng nói cho chúng ta hay!

 

Link bài gốc

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU