Theo kế hoạch thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" do UBND TP. Hà Nội ban hành ngày 1/11, thành phố sẽ đánh giá cấp độ dịch 1 tuần/lần, thông báo vào thứ Sáu hàng tuần.
Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.
Hiện tại, theo đánh giá ngày 1/11, Hà Nội ở cấp độ dịch 2, màu vàng, nguy cơ trung bình. Thành phố đã siết chặt một số hoạt động kinh doanh, như đóng cửa hàng ăn uống trước 21h hàng ngày, quy định cụ thể về việc tập trung đông người, đám cưới bị hạn chế số lượng,…
Thời gian qua, Hà Nội ghi nhận hàng loạt F0 cộng đồng, người dân thắc mắc liệu thành phố có tiếp tục siết chặt, nâng cấp độ phòng dịch?
Theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, có 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, gồm: số ca mắc mới tại cộng đồng; tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 và khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến.
Trong 1 tuần qua (29/10 - 5/11), số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng cao, phần lớn ngoài cộng đồng. Đỉnh điểm ngày 4/11, thành phố ghi nhận 104 F0, trong đó 64 ca cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thống kê có 10 chùm ca bệnh/ổ dịch, nhiều trong số này chưa rõ nguồn lây, được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt.
Tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội cập nhật đến 18h ngày 4/11 (Nguồn: CDC Hà Nội)
Cụ thể:
- Ổ dịch tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức từ ngày 31/10: 14 ca.
- Ổ dịch Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm từ ngày 31/10: 7 ca.
- Ổ dịch Nam Dư, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai từ ngày 30/10: 24 ca.
- Ổ dịch thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh từ ngày 27/10: 122 ca.
- Ổ dịch Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai từ ngày 24/10: 141 ca.
- Ổ dịch tiệm cắt tóc tại phố Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa từ ngày 23/10: 38 ca.
- Ổ dịch liên quan chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm từ ngày 31/10: 30 ca.
- Ổ dịch tại đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình, từ ngày 3/11: 17 ca.
- Ổ dịch tại Phú La, quận Hà Đông kể từ ngày 4/11: 9 ca.
- Ổ dịch tại Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình kể từ ngày 3/11: 6 ca.
Về vấn đề tiêm chủng, tính đến ngày 4/11, các quận, huyện, thị xã và các Bệnh viện Trung ương đã tiêm được 9.764.414 mũi, trong đó 6.046.971 mũi 1, đạt 92,4% dân số trên 18 tuổi và 69,5% tổng dân số; tiêm được 3.717.443 mũi 2, đạt 56,8% dân số trên 18 tuổi và 46,2% tổng dân số. Kết quả tiêm cho người trên 50 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 79,02% và tiêm mũi 2 đạt 46,3%. Thành phố đang xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi.
Về tiêu chí 3, Hà Nội có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4: Tiêu chí này áp dụng ở cấp Thành phố và bắt buộc không phân biệt cấp độ dịch.
UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và kế hoạch bảo đảm số giường ICU tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân). Các quận, huyện, thị xã (huyện) có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động/Tổ Y tế lưu động và có kế hoạch cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) để đáp ứng khi có dịch xảy ra.
Trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với TP. Hà Nội sáng 2/11, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội luôn xác định phải chủ động trong phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cầu thị, lắng nghe chỉ đạo của Trung ương.
"Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, khi nguy cơ dịch bệnh rất cao, đã có những khu vực dịch ngấm sâu trong cộng đồng như những ổ dịch phát hiện tại các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, gần nhất là huyện Phú Xuyên. Nguy cơ do người về từ vùng dịch cũng rất cao, không chỉ là người về từ các tỉnh phía Nam mà ở các phía khác như trường hợp F0 ở huyện Mê Linh vừa qua là người về từ tỉnh Hà Giang", ông Phong nói.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định việc Hà Nội ghi nhận các F0 trong cộng đồng thời gian qua là điều "đã nằm trong dự đoán từ trước".
Theo ông Phu, khi cả nước tiến đến nới lỏng các hoạt động, thì mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào Hà Nội là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là dòng người về từ các vùng đang có dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… kể cả một số địa phương đang có dịch ở phía Bắc.
"Hà Nội là nơi có sự giao thương lớn và đông người, một khi đã nới lỏng các biện pháp giãn cách thì sẽ rất dễ lây lan mầm bệnh. Chúng ta cần chấp nhận việc ghi nhận ca nhiễm, vấn đề là phải phát hiện sớm để truy vết các ổ dịch", ông Phu nói.
Chuyên gia này phân tích thêm, chính quyền địa phương vẫn sẽ tiến hành phong tỏa các khu vực có dịch nhưng trong diện rất hẹp, vừa kiểm soát chặt không làm lây lan mầm bệnh nhưng cũng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và an sinh xã hội của người dân.
Cộng dồn số mắc trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội có tổng 4.692 ca dương tính, trong đó 1.801 ca ngoài cộng đồng và 2.891 người đã được cách ly.