Tính tới ngày 22/6, Hà Nội đã được phân bổ 3 đợt vắc xin COVID-19 với tổng số 132.350 liều. Các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng (sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau tại vị trí tiêm) là 1.515/ 151.020 mũi tiêm. Một số trường hợp phản vệ độ 1 đều được xử trí kịp thời, hiện tại sức khỏe đều bình thường.
Dự kiến, khi nhận được vắc xin đợt thứ 4 của Bộ Y tế phân bổ, Hà Nội sẽ tiêm cho công nhân tại huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn.
10% số người tiêm vắc xin COVID-19 có phản ứng nhẹ
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết: Tới thời điểm hiện tại, Hà Nội được cấp 3 đợt vắc xin COVID-19 với tổng số 132.350 liều. Cụ thể, đợt 1: 8.000; đợt 2: 53.350, đợt 3: 71.000.
Số vắc xin COVID-19 được cấp đợt 4 theo Quyết định 2977/QĐ-BYT ngày 17/6/2021 là 50.000 liều, tuy nhiên chưa được phân bổ về kho của CDC Hà Nội.
Số vắc xin đã được cấp này được Hà Nội triển khai tiêm làm 3 đợt. Đợt 1 triển khai tại 74 điểm, đợt 2 tại 571 điểm, đợt 3 tại 641 điểm.
Bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
Tổng số vắc xin tiêm được cả 3 đợt: 151.020 mũi tiêm (142.806 người đã tiêm 1 mũi, 8.214 đã tiêm đủ 2 mũi).
Qua 3 đợt triển khai tại Hà Nội, số trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 1.515/151.020, chiếm khoảng 10% (tỷ lệ này tương đương với dữ liệu trong thông tin kê toa của nhà sản xuất).
Các trường hợp phản ứng sau tiêm có biểu hiện sốt nhẹ; đau đầu; đau cơ; mệt mỏi; nhạy cảm, đau tại vị trí tiêm… các biểu hiện này thường nhẹ và tự khỏi trong vòng 1 vài ngày sau tiêm chủng.
Có ghi nhận một số trường hợp phản vệ hầu hết là độ 1. Tất cả các trường hợp đều được xử trí kịp thời, hiện tại sức khỏe đều bình thường.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, quy trình thực hiện tiêm vắc xin COVID-19 tại Hà Nội được thực hiện theo quy trình 1 chiều: từ tiếp đón, khám sàng lọc, thực hiện tiêm, theo dõi và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Tất cả các điểm tiêm chủng đảm bảo an toàn và thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ảnh chụp một lọ vaccine AstraZeneca.
Để phòng chống phản vệ trong buổi tiêm chủng, tất cả quy trình tiêm chủng đều được tổ chức thực hiện chặt chẽ, tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo tiêm chủng an toàn là hàng đầu, tiêm đến đâu an toàn đến đó.
Tất cả các cán bộ y tế đều được tập huấn chuyên môn về Hướng dẫn phòng và xử trí phản vệ theo thông tư số 51/2017/TT-BYT.
Tất cả các điểm tiêm chủng đều trang bị sẵn các phương tiện phòng chống phản vệ như hộp thuốc cấp cứu phản vệ tại bàn tiêm chủng và khu vực theo dõi xử trí phản vệ sau tiêm chủng, có bảng phân công nhân lực cụ thể để xử trí phản vệ sau tiêm chủng tại từng điểm tiêm, xây dựng các phương án và quy trình xử trí phản vệ, tất cả các Trung tâm Y tế, bệnh viện, các điểm tiêm chủng lưu động đều có đội cấp cứu lưu động sẵn sàng thường trực tại đơn vị với đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu sẵn sàng tham gia cấp cứu, điều trị người bệnh khi có trường hợp phản vệ xảy ra.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, để sẵn sàng xử trí trường hợp khi bị phản vệ, tại khu vực bàn tiêm chủng và khu vực theo dõi sau tiêm của tất cả các điểm tiêm chủng đều thực hiện hút sẵn 01 bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/ml theo hướng dẫn tại công văn số 4198/BYT-KCB ngày 22/5/2021 của Bộ Y tế.
Tiêm vắc xin COVID-19 cho công nhân tại Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn khi được cấp vắc xin đợt thứ 4
Về việc tiêm vắc xin COVID-19 cho công nhân, bà Hà cho biết: Trong kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên trên địa bàn Hà Nội đợt 3,4, Thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch tiêm chủng cho đối tượng nguy cơ mắc COVID-19 là công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn.
Việc tiêm này sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất khi Bộ Y tế phân bổ vắc xin đợt 4 cho Hà Nội.
Hiện nay, dịch bệnh tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát, các ổ dịch phức tạp đều đã được khống chế kịp thời và đã qua 7 ngày thành phố không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp về tình hình dịch tại một số địa phương, Thành phố vẫn xác định công tác phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời gian tới và tuyệt đối không được chủ quan lơ là, bên cạnh đó cũng cần đảm bảo đời sống cho nhân dân và đảm bảo mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Người dân cùng chung tay phối hợp với các cấp các ngành trong công tác phòng chống dịch, tuân thủ nghiêm các chủ trương về phòng chống dịch của Thành phố và đặc biệt là thực hiện nghiêm túc hướng dẫn 5K của Bộ Y tế và tiêm vắc xin COVID-19 nếu trong diện được tiêm.
Người dân phải khai báo y tế đầy đủ, khi có ho, sốt, khó thở hoặc có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Theo soha.vn