Để khảo sát năng lực của nhân viên, rất nhiều công ty thường đưa ra những cuộc kiểm tra đánh giá định kỳ, hoặc là xây dựng báo cáo công tác hàng năm. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều lãnh đạo thích nhìn nhận trực tiếp năng lực làm việc của cấp dưới thông qua những biểu hiện thường ngày, nhất là trong những tình huống có nhiệm vụ đột xuất.
Tiểu Vân là một nữ thư ký vô cùng xinh đẹp, đã công tác được gần một năm tại bộ phận hành chính của công ty. Thường ngày, do giỏi lấy lòng nên cô cũng được khá nhiều đồng nghiệp và lãnh đạo yêu mến. Tuy thành tích công tác chỉ đạt được mức trung bình, không có gì xuất sắc, nhưng với Tiểu Vân thì ổn định đã là quá đủ.
Bỗng một hôm, Tiểu Vân nhận được tin nhắn của trưởng phòng vào giữa đêm với nội dung: "Hiện giờ sếp vừa giao phó việc rất gấp, em có thể xử lý luôn được không?".
Trong lòng Tiểu Vân cảm thấy khó chịu khi bị ép tăng ca ngoài giờ hành chính một cách đột ngột như vậy, nhưng để không gây ấn tượng xấu trong lòng sếp, cô vẫn đồng ý nhận công việc.
Lãnh đạo lập tức gọi tới cho Tiểu Vân và yêu cầu: "Vào đầu giờ sáng ngày mai, một đơn vị hợp tác sẽ đến công ty chúng ta đi khảo sát tình trạng sản xuất hàng hóa đột xuất, cô lập tức liên hệ với người của bên họ và quản lý sản xuất kho bãi bên mình để hỏi chi tiết về lịch trình gặp mặt".
Vừa nghe xong, Tiểu Vân nhủ thầm: "Công việc này thì có gì mà gấp, sao không chờ đến sáng hôm sau làm có phải tốt không? Có nhất thiết phải ép nhân viên tăng ca giữa đêm như thế này không cơ chứ?".
Dù vậy, Tiểu Vân vẫn nhanh chóng tìm thông tin liên lạc và liên hệ với những người có liên quan. Năm phút sau, cô gọi điện lại cho lãnh đạo và báo cáo: "Thưa sếp, mọi chuyện đã thu xếp xong xuôi, thời gian gặp gỡ giữa công ty ta và đối tác sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng ngày mai. Tôi đã báo cho phía đối tác và cả quản lý bên mình".
Lãnh đạo hỏi cô: "Vậy địa điểm gặp mặt cụ thể là ở đâu?".
Tiểu Vân trả lời: "Địa điểm gặp mặt chắc là ở công ty của chúng ta vì tôi không thấy họ đề xuất một địa điểm nào khác cả".
Lãnh đạo lại hỏi tiếp: "Họ đi mấy người tất cả?".
Tiểu Vân giật mình: "Xin lỗi cái này tôi còn chưa tìm hiểu”.
Lãnh đạo tiếp tục hỏi: "Vậy họ di chuyển đi lại bằng gì tới đây? Ô tô hay máy bay? Có cần người tiếp đón và dẫn đường hay không?"
Tiểu Vân thốt lên: "Cái này để tôi hỏi thêm, lúc đầu sếp đâu có yêu cầu hỏi về chuyện này đâu ạ”.
Vị sếp không nói gì. Ông cúp máy và lập tức gọi điện cho một thư ký khác giao cho nhiệm vụ y hệt như vậy.
Mười lăm phút sau, đối phương gọi điện lại báo cáo: "Thưa giám đốc, mọi chuyện đã thu xếp xong. Sáng mai, đối tác của chúng ta sẽ bay từ thành phố A tới đây và hạ cánh vào lúc 09 giờ 30 phút sáng. Tôi đã thu xếp cử người đi đón họ từ sân bay tới công ty. Vào 10 giờ sáng, tại tầng năm, trong phòng họp số 1, phía đối tác sẽ lần đầu gặp chúng ta để trực tiếp bàn giao những hạng mục cần khảo sát và xem xét tình hình.
Phái đoàn bên họ gồm có năm người, do giám đốc bộ phận tiêu thụ sản phẩm của bên họ phụ trách, đi cùng còn có một quản lý của bộ phận quảng cáo và tiếp thị. Mặt khác, họ đưa ra kế hoạch sẽ khảo sát công việc trong thời gian hai ngày, còn hành trình cụ thể cần thương thảo kỹ hơn thì ngày mai quản lý của chúng ta sẽ cùng họ sắp xếp tỉ mỉ.
Để công việc được thuận lợi, tôi đề nghị thu xếp năm phòng tại Khách sạn Quốc tế ở không xa, chỉ cách công ty chúng ta một con đường. Lát nữa tôi sẽ gửi báo cáo kê khai về chi phí dự kiến để ngài xem xét, nếu được chấp thuận, đầu giờ làm ngày mai tôi sẽ báo với bộ phận kế toán lập tức đặt phòng trước để chuẩn bị.
Thế nhưng, do dự báo thời tiết ngày mai có khả năng sẽ xuất hiện mưa to trên địa bàn thành phố A. Nếu chuyến bay của phía đối tác bị tạm hoãn hoặc chậm trễ gây ảnh hưởng đến lịch trình, tôi sẽ lập tức cập nhật lại tình huống và báo cáo với sếp sau".
Quả thật, không cần so sánh, năng lực làm việc của hai người trước và sau đã có sự khác biệt một cách rõ ràng. Buổi gặp mặt đối tác của ngày hôm sau cũng diễn ra vô cùng thuận lợi nhờ có những thu xếp tỉ mỉ và tinh tế đó. Lãnh đạo vô cùng hài lòng với biểu hiện này và quyết định thăng chức cho cô lên làm thư ký của Tổng Giám Đốc, chịu trách nhiệm thu xếp các công việc, lịch trình, thời gian công tác của ông từ giờ về sau. Còn Tiểu Vân, sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc, bộ phận nhân sự đã uyển chuyển đề nghị cô tìm kiếm một công việc mới cho mình.
Từ câu chuyện trên, chúng ta nhận ra rằng, dù là ở đâu, vào thời gian nào đi nữa, chúng ta phải nhớ kỹ một điều: Công ty không trả tiền để nuôi những người rảnh rỗi. Muốn được lãnh đạo đánh giá cao, phải biến bản thân trở thành người có giá trị. Làm việc sao cho chu toàn từ đầu tới cuối, dành 100% sự nghiêm túc để chủ động tìm hiểu kỹ nhiệm vụ rồi hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra mới là điều cốt lõi nhất của một nhân viên ưu tú.
Không có công việc nào là dễ dàng, cũng như không có câu trả lời nào đưa sẵn ở trước mặt bạn. Muốn có được đáp án thật sự phải chủ động tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau. Có như vậy, thông qua mỗi một nhiệm vụ, chúng ta lại thu hoạch thêm kinh nghiệm và tri thức.
Do đó, để trở thành một nhân viên chuyên nghiệp, nhất định phải thay đổi thái độ của bản thân trước công việc. Dù làm bất cứ chuyện gì, vào bất cứ thời điểm nào, một khi đã nhận thì phải thực hiện cực kỳ nghiêm túc và cẩn trọng. Nếu lúc nào cũng làm việc xuề xòa, thay vì nỗ lực đến 10 thì chỉ làm đến 5 hoặc 6, chúng ta sẽ không bao giờ có đủ tố chất để được ủy thác những nhiệm vụ và trọng trách nặng nề hơn. Chính thái độ là điều trực tiếp ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc của bất cứ ai. Chỉ có những nhân viên nào tích cực chủ động tìm hiểu công việc và nỗ lực để hoàn thành toàn diện mới là điều mà các công ty cần.
Theo Trí Thức Trẻ