Ham đồ rẻ, mới về ở đã phải thay hết nội thất trong nhà

Khá bực bội với tình trạng đồ gỗ xuống cấp nhanh, tôi điện thoại tới cửa hàng để thắc mắc. Tuy nhiên, họ trả lời: "Hàng không có bảo hành, bán xong là hết trách nhiệm". 

Khi có nhà mới, anh Quyền (Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định mua đồ gỗ... nhái các thương hiệu nổi tiếng nhưng giá rẻ hơn nhiều. Anh chia sẻ trải nghiệm cay đắng của mình sau quyết định này:

Cách đây 2 năm, gia đình tôi ngập tràn hạnh phúc khi mua được một căn chung cư nhỏ 65 m2 ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Trước đó, vợ chồng tôi và hai con trai đã phải di cư hết từ xóm trọ này sang xóm trọ khác vì đủ mọi lý do suốt 8 năm, kể từ khi cưới nhau.

Bởi vậy, khi nhận nhà, tôi tuyên bố với vợ sẽ bỏ hết những bộ bàn ghế, giường tủ đã cũ kỹ, ọp ẹp. Thay vào đó, chúng tôi sẽ mua mới toàn bộ nội thất rời. Tuy nhiên, khi chúng tôi gọi một công ty lên tính toán chi phí, tổng số tiền mua đồ gỗ lên tới hơn trăm triệu. Trong khi đó, tôi dự liệu, sẽ chỉ mua tất cả nội thất rời trong tầm 40 triệu.

Những chiếc ghế của thương hiệu nước ngoài có giá vài trăm USD có hàng nhái giá 400.000-500.000 đồng tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Centralazdining.

Đang lo lắng khi hứa với vợ sẽ sắm đồ xịn, giá rẻ thì tôi chợt nhớ tới những cửa hàng nội thất trên đường đi làm. Tôi thấy họ thường xuyên treo biển giảm giá dù các mặt hàng trông vẫn mới đẹp. Vào xem thử, tôi thấy có những mẫu ghế mà bên công ty nội thất nói giá hơn một triệu đồng thì ở cửa hàng chỉ có khoảng 500.000 đồng một chiếc. Các sản phẩm khác như giường, tủ... cũng chỉ có giá 3-4 triệu đồng.

Khi xem kỹ, tôi thấy những món đồ đó phần nhiều làm từ gỗ công nghiệp nên hơi băn khoăn chất lượng. Tuy nhiên, bề mặt sản phẩm trông khá nuột nà. Tôi nghĩ, bàn ghế ở nhà trọ trước đây, trông còn tồi hơn mà còn dùng được 7-8 năm nên không còn lo lắng nhiều.

Bởi vậy, tôi quyết mua luôn toàn bộ đồ gỗ cùng tông màu gỗ sáng. Một chiếc giường đôi có cả ngăn kéo chỉ có giá 4 triệu đồng; tủ quần áo bốn cánh hết 4 triệu đồng; bàn ăn cộng bốn ghế hết 3,5 triệu đồng; sofa và bàn trà, đôn hết 10 triệu đồng; bàn phấn trang điểm 1,5 triệu. Trong phòng các con, tôi mua giường tầng, bàn học có dán hình trang trí các nhân vật hoạt hình hết 5 triệu. Tổng cộng số tiền chưa tới 30 triệu, thấp hơn cả dự tính của tôi.

Khi tôi về thông báo, vợ rất phấn khởi vì mua được nhiều đồ đẹp, giá lại mềm. Các con cũng rất thích thú với nội thất căn phòng đồng bộ, có những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, tôi mới thấy thấm thía câu "tiền nào của nấy". Hư hỏng xảy ra đầu tiên ở trong phòng của các con tôi. Hai cháu trai tính hiếu động nên chạy nhảy không ngừng trên giường tầng. Tôi thấy giường có vẻ không được vững như ban đầu. Ngoài ra, những hình trang trí trên thành giường bị bong ra, trông khá bẩn.

Tệ hại nhất là những chiếc ghế ăn được làm nhái theo một thương hiệu nổi tiếng. Lúc mua, tôi nhìn ngắm ghế không thấy khác gì hàng mẫu in trên tạp chí. Tuy nhiên, ghế trắng dần ngả màu cháo lòng, không có cách nào làm sạch. Ngoài ra, do cách đóng không chuẩn xác nên thành ghế khá yếu. Có lần, cháu lớn nhà tôi ngồi cho cả hai chân lên ghế, dựa lưng ra sau bị ngã nhào.

Cũng xuống cấp không kém là bộ sofa khi đệm bị lún dần, không phục hồi lại trạng thái ban đầu nữa.

Khá bực bội với tình trạng đồ gỗ xuống cấp nhanh, tôi điện thoại tới cửa hàng để thắc mắc. Tuy nhiên, họ trả lời: "Hàng không có bảo hành, bán xong là hết trách nhiệm".

Đuối lý, tôi chỉ còn biết trách mình ham hàng giá rẻ, chỉ có bề ngoài đẹp nhưng chất lượng kém. Dù tổng số tiền không quá nhiều nhưng cũng mất gần 3 tháng lương của tôi. Ngoài ra, giờ tôi còn phải dành dụm để sắm dần lại đồ mới, chất lượng hơn. Trước hết, những chiếc ghế đẹp mã đã phải sớm ra đi, thay bằng ghế gỗ chắc chắn, an toàn hơn cho các con.

Anh Đoàn Mạnh, chủ một công ty nội thất ở Hà Nội, khuyên, các gia chủ nên cân nhắc khi mua đồ gỗ có vẻ ngoài đẹp mắt nhưng lại quá rẻ. Vì đồ nội thất (đặc biệt là giường, bàn, ghế, tủ) được sử dụng hàng ngày, chịu một khối lượng cơ thể, đồ dùng lớn nên cần phải bền vững. "Hàng đắt có thể tốt hoặc không nhưng hàng rẻ quá thì chắc chắn không tốt", anh Mạnh khuyên.

Khi đi mua đồ gỗ, chủ nhà nên kiểm tra mộng, các vết ghép nối, keo dán, xem mặt dưới, phía sau của sản phẩm. Nếu mua ghế thì nên ngồi lên, rung lắc thử xem ghế có vững không, độ ngả có ổn định. Với sofa, bạn cần xem đường kim, mũi chỉ có cẩn thận không. Nếu các chi tiết nhỏ được trau chuốt thì sản phẩm chắc chắc sẽ đảm bảo chất lượng.

Theo giadinh.vnexpress.net

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU