Trẻ tổn thương tâm lý thường khó điều khiển cảm xúc. Ảnh minh họa.
Mức độ căng thẳng
Tuy nhiên, hiểu thế nào cho đúng về “tổn thương tâm lý” và “căng thẳng tinh thần” ở trẻ nhỏ là câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra. Không ít cha mẹ băn khoăn rằng, làm sao để biết là trẻ đang bị stress? Ngoài ra, trẻ có khả năng đương đầu với những “thể loại stress” nào, khi khả năng nhận thức và ngôn ngữ của con chưa đủ để nói cho phụ huynh biết?
Theo ZERO TO THREE, có 4 mức độ Stress - căng thẳng thần kinh khác nhau có thể tác động lên trẻ nhỏ. ZERO TO THREE là một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, cung cấp thông tin dựa trên cơ sở khoa học, đào tạo và hỗ trợ các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cha mẹ.
Mức độ đầu tiên là “Positive Stress” – các áp lực căng thẳng tích cực. Những loại áp lực tích cực mà trẻ thường xuyên đối diện hằng ngày có thể bao gồm: Thử thách trèo cầu thang lần đầu tiên, ngày đầu tiên đi học, phản kháng giấc ngủ trưa bằng những tràng khóc…
Mức độ tiếp theo là “Tolerable Stress” - các áp lực căng thẳng có thể chịu được. Đây là các sự kiện thử thách trong cuộc sống với mức độ khó khăn hơn so với các áp lực tích cực. Ví dụ, trẻ phải trải qua nỗi đau khi một người thân qua đời, bị chấn thương, trải qua một cuộc phẫu thuật... Khi nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc và xoa dịu từ người thân trong những giai đoạn căng thẳng này, trẻ sẽ cảm nhận được sự an toàn và an tâm. Khi đó, mức độ Cortisol trong cơ thể trẻ sẽ sớm trở lại bình thường. Nhờ vậy, không để lại tác động tiêu cực nào cho sự phát triển não bộ.
Tuy nhiên, trẻ cũng có thể gặp “Toxic Stress” - các áp lực căng thẳng độc hại. Trẻ sẽ chịu đựng các áp lực độc hại khi phải thường xuyên đối diện với những trải nghiệm bất lợi, tiêu cực mà không nhận được sự hỗ trợ hay xoa dịu từ người lớn. Ví dụ: Trẻ bị ngược đãi; người chăm sóc trẻ có vấn đề tinh thần - tâm lý như trầm cảm… Các áp lực căng thẳng độc hại thường làm mức độ Cortisol trong cơ thể trẻ luôn ở mức cao bất thường. Qua thời gian dài, điều đó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của trẻ.
Mức độ cuối cùng là “Traumatic Stress” - các áp lực căng thẳng gây tổn thương. Mức độ này thường xuất hiện khi trẻ gặp các sự kiện gây chấn thương nghiêm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng như: Bạo hành gia đình, bị ngược đãi, tai nạn sống còn, các sự kiện thiên tai thảm họa… Những trải nghiệm gây tổn thương này khiến mức độ Cortisol trong cơ thể trẻ duy trì ở mức độ cao liên tục, trở thành mãn tính. Ngoài ra, cơ thể trẻ cũng có các phản ứng tự phòng vệ khác. Điều đó gây ảnh hưởng xấu và nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ qua thời gian dài.