Học sinh tiểu học ở Hàn Quốc - Ảnh: INTS
Theo báo The Korea Herald, Bộ trưởng Giáo dục Park Soon Ae đã trực tiếp báo cáo việc cải cách hệ thống trường học - với đề nghị sửa đổi luật giáo dục của Hàn Quốc - với Tổng thống Yoon Suk Yeol trong ngày 29-7.
Ông Yoon đã ra lệnh cho ông Park thúc đẩy cải cách "ngay lập tức", theo phát ngôn viên Kang In Sun của Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết việc hạ độ tuổi bắt đầu đi học có thể có hiệu lực sớm nhất vào năm 2025, nếu được sự đồng thuận của xã hội.
Luật giáo dục của Hàn Quốc đã tồn tại 76 năm, kể từ khi được ban hành năm 1949. Nếu đạt đồng thuận, đây sẽ là lần sửa luật này lần đầu tiên.
Bộ trưởng Park cho biết bộ sẽ tham khảo ý kiến của các lãnh đạo trường học, các chuyên gia giáo dục và phụ huynh trong quá trình sửa luật.
Chính phủ cho rằng đầu tư càng sớm và càng tốt cho việc giáo dục trẻ mầm non thì hiệu quả sẽ càng tốt hơn. Việc hạ thấp độ tuổi đi học cũng sẽ cho phép nước này đưa trẻ em vào hệ thống giáo dục phổ thông công lập sớm hơn.
Hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm của Hàn Quốc - bao gồm 6 năm ở tiểu học, 3 năm ở trung học cơ sở và 3 năm ở trung học phổ thông - vẫn không thay đổi.
Một số chuyên gia cho biết việc thay đổi hệ thống trường học là điều cần phải làm trong tương lai. Điều này sẽ giúp thế hệ trẻ tham gia thị trường việc làm sớm hơn và giải quyết tình trạng suy giảm lực lượng trong độ tuổi lao động.
Bất chấp sự ủng hộ của chính phủ và một số chuyên gia về việc thay đổi luật giáo dục, nhiều ý kiến đã bày tỏ lo ngại.
Liên đoàn Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc cho biết việc cải cách sẽ đòi hỏi một khoản ngân sách lớn để giúp các trường công lập xử lý lượng học sinh tăng thêm vào năm 2025.
Đảng Công lý cho biết trẻ em sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong hệ thống giáo dục, có thể sẽ gặp bất lợi.
Hiệp hội các trường mẫu giáo tư thục cũng chỉ trích kế hoạch của chính phủ vì họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về tài chính nếu trẻ vào trường công ở độ tuổi sớm hơn. Theo hiệp hội, trẻ em 5 tuổi hiện chiếm 40 - 50% tổng số trẻ em đi học tại các trường mẫu giáo địa phương.
Tổ chức nghiên cứu chính sách giáo dục cảnh báo việc thay đổi hệ thống giáo dục, mà không xem xét tác động đến các giai đoạn phát triển của trẻ, có thể đi kèm với các "tác dụng phụ".