Theo cựu Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục mầm non Hàn Quốc, lý do chính khiến hầu hết các cơ sở trông trẻ này đóng cửa là tỷ lệ sinh thấp đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống.
"Hầu hết trung tâm giữ trẻ tư nhân và nhà trẻ nhỏ với quy mô khoảng 20 học sinh đã đóng cửa. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ sinh thấp đã ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống", Chi Sung Ae, cựu Giám đốc Hiệp hội Giáo dục mầm non Hàn Quốc, nói.
Cũng tính đến tháng 8 năm nay, số trẻ em trong độ tuổi mầm non giảm 27,3%, từ 1,45 triệu trong năm 2017 xuống còn 1,05 triệu vào tháng 8 năm nay.
Tỉnh Gyeonggi là địa phương có số nhà trẻ đóng cửa nhiều nhất với 2.330 cơ sở phải ngừng hoạt động so với cùng kỳ, trong khi số trẻ mẫu giáo giảm 75.794 bé. Tiếp theo là Seoul với các con số tương tự là 1.477 và 71.528.
Nguyên nhân là vì tỉnh Gyeonggi là nơi có nhiều cặp vợ chồng trẻ, còn thủ đô Seoul là nơi có nhiều nhà trẻ nhất cả nước. Ngoài tỷ lệ sinh thấp, đại dịch COVID-19 cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà trẻ phải đóng cửa. Các bậc phụ huynh giữ con ở nhà nhiều hơn do lo ngại lây nhiễm COVID-19.
Tỷ lệ sinh thấp đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống ở Hàn Quốc. (Ảnh: AP)
Năm 2020, khi đại dịch đang đạt đỉnh, khoảng 3.237 cơ sở giữ trẻ ở Hàn Quốc đã phải đóng cửa.
Chính phủ Hàn Quốc đang tăng cường các cơ sở giữ trẻ công nhưng các nhà trẻ tư nhân mới là nhóm đóng cửa với tốc độ nhanh hơn. Số lượng cơ sở giữ trẻ công lập đã tăng từ 3.157 vào năm 2017 lên 5.437 vào năm 2021, nhưng các cơ sở tư nhân giảm gần 4 lần.
Trong bối cảnh suy giảm kinh tế kéo dài và giá nhà đất tăng chóng mặt, ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc trì hoãn hoặc từ bỏ việc kết hôn, sinh con.
Tổng tỷ suất sinh ở Hàn Quốc, số con trung bình một phụ nữ sinh trong đời, đã xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2021, cũng là năm thứ tư liên tiếp xuống dưới 1%, cho thấy tình trạng nhân khẩu học ảm đạm của quốc gia này.
Tỷ lệ sinh giảm được cho là sẽ đẩy nhanh sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động, hiện tượng được gọi là "vách đá nhân khẩu". Dân số trong độ tuổi lao động giảm dẫn đến nguồn cung lao động giảm, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.