Anh Trần Kiên trú tại Đội Cấn, Hà Nội nổi tiếng trên cộng đồng mạng với những video Tiktok khiến triệu người "sặc nước", những món ăn ngon khiến cánh nội trợ suýt xoa.
Ít ai biết được đằng sau "ông bố triệu like" tích cực, lạc quan, luôn đem tiếng cười cho mọi người là một người cha đau đớn tận cùng khi chứng kiến con gái nhỏ bé của mình vật lộn với căn bệnh nan y.
Hẹn anh Kiên ở một quán café ven Hồ Tây, khi nhắc tới con gái Như An, đôi mắt của ông bố ánh lên những tia sáng rực khi anh hồ hởi khoe về Như An. Nhưng chỉ vài phút sau, ánh mắt anh đỏ lên, giọng nghẹn lại: "Thương lắm em ạ!".
Anh Kiên kể về hành trình chiến đấu cùng con gái trong hơn 1 năm điều trị bệnh ung thư máu. Dù biết tận cùng của nỗi đau là sự chia xa nhưng anh đã chấp nhận "buông tay" đúng lúc để con ra đi nhẹ nhàng, xinh đẹp nhất.
Ba ơi, ba cứu con, cứu con!
Theo dõi anh 1 năm trên Facebook cá nhân, tôi thấy anh thường chia sẻ về cô con gái "đanh đá" của mình. Tôi thấy đằng sau những chia sẻ dí dỏm ấy là nỗi đau. Có những lúc, đọc chia sẻ của anh, tôi đã giật mình chạy ra ôm chặt con mình. Anh có ngại phải "khơi lại nỗi đau lần nữa" khi tâm sự với tôi không?
Anh Trần Kiên: Tôi không ngại chia sẻ về Như An của mình dù rằng khi nói về những câu chuyện vui vẻ, không tránh khỏi những lúc nước mắt lại rơi. Bạn nói đúng, có rất nhiều người cũng nói với tôi, khi đọc chia sẻ của tôi họ lại ôm con mình và thấy may mắn vì con khỏe mạnh.
Như An của tôi sinh năm 2016. Khi con ra đời, tôi đặt tên con là Linh Nhi. Tôi vẫn giữ lại tấm ảnh lúc con vừa chào đời đã biết thổi bong bóng. Hai năm đầu đời Linh Nhi mang đến niềm hạnh phúc vô cùng tận cho cả đại gia đình.
Cô bé là cháu gái duy nhất nên ai cũng chăm chút. Hai tuổi, cô bé bụ bẫm, ngấn chân, ngấn tay khắc sâu. Cuộc sống của con cũng giống bao đứa trẻ khác: vui vẻ, an yên. Cô bé rất đanh đá. Mọi người nói do tên con và tôi đã đổi tên con thành Trần Như An. Tôi mong con có cuộc sống an yên, hạnh phúc.
Mọi thứ bắt đầu xảy ra khi con được 2 tuổi, con bỗng gầy hơn. Chuyến đi chơi đáng nhớ, khi con đi biển Hải Tiến, chơi ở xích đu bị ngã và chảy máu môi. Sau đó một tuần, con bắt đầu chảy máu chân răng. Cả nhà nghĩ con không sao nhưng sau lần chảy máu đó là trận sốt dai dẳng.
Hôm ấy, tôi nhớ là 9h đêm, cả nhà đưa con vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Cho con đi cấp cứu thôi, ai cũng nghĩ chỉ là bệnh ốm sốt của trẻ con chứ ai ngờ là bệnh nặng. Kết quả xét nghiệm bác sĩ đã nghi ngờ bạch cầu cấp (1 bệnh ung thư máu). Nghe bác sĩ nói, tôi bủn rủn chân tay.
Tôi đi từ thiện nhiều, đã chứng kiến nhiều đứa trẻ bị bệnh ung thư, thương lắm! Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ nó sẽ rơi vào gia đình mình, thực sự rất sốc. Cả đêm hai vợ chồng cứ nhìn nhau khóc, xong rồi thở dài cùng cầu nguyện có phép màu.
Sáng hôm sau, bác sĩ cho chọc tủy luôn. Cảm giác ngày ấy, tôi vẫn không thể nào quên được. Chọc tủy vô cùng đau – đó là những gì tôi biết qua phim ảnh, qua nghe kể. Và chứng kiến con chọc tủy, con gọi tôi: "Ba ơi, ba cứu con, cứu con!"
Tôi đau lắm, đau vô cùng. Ước gì có thể đau thay con. Vợ tôi chỉ biết quay mặt đi khóc. Kết quả chọc tủy chẩn đoán chính xác ung thư máu rồi, đau quá làm sao bây giờ! Cú sốc quá lớn với gia đình tôi.
Lúc ấy tôi lại nghĩ có phải do bố tôi ngày trước từng đi bộ đội ở miền Trung có thể nhiễm chất độc da cam khiến bé bị như vậy. Nhưng rồi bình tĩnh lại, bác sĩ bảo không phải lý do đó. Từ đau khổ, bi luỵ, tôi và vợ cùng bảo nhau cố gắng vì con. Tôi biết con là người mạnh mẽ, cá tính. Bước vào trận chiến bệnh tật thôi chứ biết làm sao!
Nghe con nói, vui tí nhưng đau quá!
Hành trình điều trị ung thư của Như An có khó khăn không?
Anh Trần Kiên: Như An đanh đá lắm. Mới 2 tuổi nhưng con không nói ngọng, nói rất tốt có thể nói cả câu dài. Nhưng có thể vì vậy nên con có thể mô tả rõ ràng hơn sự đau đớn mà mình đang phải chịu. Những ngày điều trị hóa chất thực sự khổ sở, thương lắm!
Tôi phải xin cơ quan nghỉ lâu dài. Vợ tôi làm giáo viên nên phân chia ban ngày tôi trông con, tối vợ tôi trông và có thêm ông bà nội ngoại hỗ trợ nữa.
Bản thân Như An vào viện cũng sốc. Bạn cứ tròn xoe mắt khi thấy các bạn đồng bệnh ai cũng trọc lóc. Điều tôi thương con nhất đó là hàng tuần chọc tủy. Ban đầu con còn kêu khóc "ba cứu con", nhưng rồi có lẽ con đã quen với sự đau đớn đó. Không được gây tê, chỉ ủ tê xíu ngoài da thôi. Vì điều kiện mà, chứ bác sĩ cũng thương các con phải chịu đau.
Tác dụng phụ của điều trị khiến Như An khó tính hơn, cáu gắt hơn. Con hay khóc đòi ăn lắm, có lúc 2, 3h sáng con muốn ăn và bố mẹ phải đáp ứng ngay lập tức. Những lúc khỏe khoắn, Như An như cái "loa" của khoa. Con nói to, nói nhiều, đi khắp nơi nói cười.
Lúc truyền hoá chất thì con khó chịu lắm, buồn bứt rứt chân tay. Có lúc nó không biết đau ở đâu, chạm vào bất cứ chỗ nào cũng cũng kêu đau. Chỉ cần ba chạm vào tay con cũng hét lên "buốt quá".
Khi tóc bắt đầu rụng cũng là lúc Như An trưởng thành, hiểu chuyện hơn rồi. Cô bé còn động viên lại ba "tóc rụng rồi sẽ mọc lại thôi ba nhỉ!". Cô bé sợ xấu lắm. Bé tí mà biết điệu nên không bao giờ cho bố chụp ảnh lúc ấy.
Con cũng chưa hiểu gì về ung thư. Nhưng có lẽ con quen dần với nỗi đau, bệnh tật nên ngày càng mạnh mẽ, tự tin hơn. Con không ngại về cái đầu trọc, cơ thể xanh xao tái nhợt của mình nữa. Con ngại đội tóc giả. Con biết tranh luận với anh Gấu và lấy lý do "em bị bệnh mà". Nghe con nói vậy, vui tí nhưng đau quá!
Sau một thời gian điều trị, bệnh của con thoái lui. Con được về nhà theo dõi, mỗi tháng đến viện kiểm tra một lần. Lần nào đi viện, con cũng động viên lại ba: "Nay mình đến viện chọc tuỷ thôi không phải ở viện đâu ba nhỉ?". Con cũng mong ước được ở nhà lắm.
Tôi cứ nghĩ bệnh của con đã khỏe nhiều, hi vọng lắm, mong con sẽ có cuộc sống tốt. Nhưng ai ngờ, bác sĩ lại lắc đầu: "tái phát rồi, nặng lắm". Ung thư máu mà, tôi cũng biết được tái phát thì nặng lắm nhưng cứ nghĩ là sẽ còn nhiều thời gian. Tôi chạy vào phòng, khóc không thành tiếng vì không muốn con biết.
Nhưng Như An nhạy cảm lắm, con bé biết được ba mẹ buồn hơn.
Sự lựa chọn mong manh...
Có khi nào anh hối tiếc gì trong quá trình cùng con chiến đấu với ung thư không?
Anh Trần Kiên: Tôi không! Lần phát hiện bệnh đầu tiên, tôi đã tính phương án có thể con phải ra nước ngoài trị bệnh. Tôi đã xin ra quân để thuận tiện hơn cho dự định ấy. Con mình mà, bố mẹ nào mà không hi sinh tất cả cho con.
Nhưng tôi đã tìm hiểu, xin tư vấn và thấy rằng điều trị ở trong nước hay nước ngoài thì cơ hội khỏi bệnh cũng như nhau. Có anh bác sĩ cũng có con bị ung thư máu. Anh ấy nhờ mọi người hỗ trợ để có mấy tỷ đưa con sang Singapore chữa bệnh nhưng cuối cùng cháu cũng mất.
Tôi chỉ cho con điều trị ở trong nước.
Có hai phác đồ điều trị. Một là đánh hóa chất cực mạnh để đẩy lui bệnh nhưng có thể khiến cơ thể của con yếu, đau đớn, mệt mỏi và cũng có thể tử vong vì suy nhược miễn dịch. Hai là điều trị hóa chất thông thường để duy trì thì con sẽ nhẹ nhàng hơn. Hai vợ chồng tôi cũng nhau suy nghĩ.
Chúng tôi tìm mọi cơ hội có thể cứu con nhưng đáng tiếc cả hai sự lựa chọn đều quá mong manh – chỉ kéo dài thêm thời gian cho con, để mình được gần con nhiều hơn nhưng lại khiến con phải chịu nhiều đau đớn
Khi bác sĩ cho biết con chỉ còn 2 – 3 tuần, tôi quyết định đưa con về với gia đình. Cả nhà lên máy bay đi Đà Nẵng chơi. Kỳ diệu lắm, ở viện thì rất mệt nhưng khi đi chơi thì chơi hết mình, chơi như chẳng có đau đớn, bệnh tật gì.
Ngôi nhà màu hồng của Như An
Suốt quá trình điều trị của Như An, đối diện với sự đau đớn của con, anh thường làm gì?
Anh Trần Kiên: Bạn hỏi vậy tôi lại không cầm được nước mắt rồi, con đau đớn lắm. Có lần con đang điều trị hoá chất, tôi bế con đi Lotte chơi. Thấy ngôi nhà mô hình bé tí như cái vali giá 10 triệu đồng, con đòi mua, tôi thấy lãng phí nên không mua.
Con đã tát mặt tôi liên tiếp. Tôi khóc, tôi khóc vì thương con quá! Chắc con đang rất khó chịu và đau mà tôi không giúp được gì. Sau này, tôi có làm cho con ngôi nhà khác. Đó là ngôi nhà được Như An chờ đợi và có nhiều ý nghĩa với gia đình tôi.
Người ta nói hành trình cận tử vô cùng đau đớn, day dứt, ám ảnh người ở lại. Cảm xúc của anh lúc đó thế nào?
Anh Trần Kiên: Đau lắm! Con đi chơi về thì tôi đã lên ý tưởng xây dựng một ngôi nhà màu hồng bằng gỗ, bởi vì con thích có ngôi màu hồng có công chúa Elsa. Tôi cùng với các bạn của mình làm cấp tốc.
Hôm trước sơn hôm sau lắp đặt luôn. Thời gian lắp đặt chỉ có 1 tiếng. Mọi người đều cố gắng bởi vì biết con yếu lắm rồi. Chỉ số sinh tồn của con mấp mé ngưỡng tử.
Lắp đặt xong ngôi nhà, đặt con vào trong nhà. Con vui nhưng con chỉ ở đó được 30 phút thôi. Con mỉm cười còn tôi nước mắt ướt nhèm. Tôi biết con cố mong chờ được thấy ngôi nhà trong mơ của mình nên dù tim ngừng đập nhưng mạch vẫn còn. Con đã được nhìn thấy ngôi nhà ba xây dựng cho mình.
Ngôi nhà đó có gác xép nơi con có thể nằm ngủ cùng các bạn gấu bông, bạn búp bê Elsa. Trong đó còn có cả bếp, bàn trang điểm, đồ chơi, hoa, son,... Nhưng rất tiếc, con không còn. Nhiều người bảo tôi bỏ đi để khỏi đau xót. Tôi không bỏ, nhà của Như An mà. Sau này tôi có con gái thì con sẽ chơi.
Khi con rời xa thế giới, con được mẹ ôm, bà ngồi cạnh và bố đứng tạm biệt. Nước mắt cả nhà cứ nhòe đi, tim như có ai bóp nghẹt. Như An từ từ rời xa thế giới, đi về bên kia. Thương lắm, thương lắm, cô bé đanh đá! Con đã đi về thế giới không có bệnh tật, nhưng nỗi nhớ của ba mẹ vẫn hiện hữu hàng ngày.
Ngày đưa tiễn Như An, trái với những đám tang bình thường, mọi người đến đều mặc những sắc màu rực rỡ. Như An thích đẹp, thích điệu đà, yêu màu sắc rực rỡ và ghét màu đen u tối.
Đối diện với nỗi đau mất con, chúng tôi đã không hối tiếc vì những ngày tháng sống được ở bên con. Tôi tưởng nhớ về Như An với hình ảnh cô bé đanh đá. Tôi không chỉ có Như An mà còn có Gấu.
Hơn hai năm điều trị bệnh cho Như An, cu cậu cũng thiệt thòi lắm. Vì vậy, hai vợ chồng tôi tự bảo nhau phải lạc quan lên. Còn Như An, con vẫn mãi là cô bé bé bỏng mà kiên cường trong lòng tôi, cô bé đanh đá đáng yêu của tôi!
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Theo soha.vn