Hậu COVID ở trẻ đáng sợ thế nào? Bé gái 9 tuổi đau không đi nổi, vào viện 5 lần 7 lượt

Các bác sĩ tại Mỹ cho biết số lượng người gặp các triệu chứng hậu COVID đang ngày càng gia tăng, trong đó có trẻ em, theo báo Guardian.

Vào một buổi tối tháng 10 năm 2021, cô Javanese Hailey bỗng phát hiện con gái mình đang cúi gập người vì đau đớn tại nhà riêng của họ ở Manassas, bang Virginia, Mỹ.

Cô bé 9 tuổi tên Haley Bryson gần như không thể đi lại vì quá đau bụng, mẹ Hailey kể.

Cô Hailey lập tức hỏi Haley đánh giá cơn đau: "Trên thang điểm từ 0 đến 10, cơn đau đến mức nào?"

Haley trả lời em đau ở mức trên 10.

Haley là một cô bé thích chơi bóng rổ và thể dục dụng cụ. Trong khoảng hai tháng trước đó, Haley đã trải qua một số triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, đau bụng, đau họng, đau tai hoặc khó thở. Khi đó, em cho biết mức độ đau thường vào thang 6 hoặc 7. Em thường gục xuống giường mỗi khi đi học về và cuối cùng đã sụt đi 7,7kg.

Mẹ Hailey, một giáo viên toán, cho biết: "Các triệu chứng của con tôi dường như không đồng nhất. Một số ngày tồi tệ hơn những ngày khác. Có những ngày Haley thậm chí không thể ra khỏi giường vì quá đau bụng".

Cô nói thêm: "Đây là điều đáng sợ nhất mà tôi từng trải qua trong đời".

Các triệu chứng bắt đầu ngay sau khi Haley và mẹ mắc Covid-19 vào đầu tháng 8. Cả hai đều có phản ứng tương đối nhẹ và đều hồi phục. Nhưng vài ngày sau, Haley lại phát bệnh.

Vào tháng 10, sau 5 lần 7 lượt đi khám bác sĩ nhi khoa, thậm chí nhập viện cấp cứu, Haley được chuyển đến Bệnh viện Nhi Quốc gia Mỹ ở Washington DC, được chẩn đoán mắc COVID kéo dài và được điều trị trong Chương trình Nhi khoa hậu COVID.

Một số trẻ em trên khắp nước Mỹ đã báo cáo một loạt các triệu chứng hậu COVID. (Ảnh minh họa)

Gia tăng số người đi khám hậu COVID ở Mỹ

Mặc dù hậu COVID được cho là rất hiếm ở trẻ em, nhưng Haley không phải trường hợp duy nhất. Một số trẻ em trên khắp nước Mỹ đã báo cáo một loạt các triệu chứng từ đau đầu, đau bụng và chóng mặt, đến mệt mỏi, sương mù não và thay đổi tâm trạng - rất lâu sau khi các em nhiễm bệnh.

Hậu COVID có thể kéo dài từ bốn tuần đến nhiều tháng. Và mặc dù nó biểu hiện khác nhau dựa trên từng giai đoạn, các bác sĩ cho biết nó có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ sơ sinh.

  • Hậu COVID, ai dễ mắc COVID kéo dài? Những người có 4 dấu hiệu sau cần đặc biệt cẩn trọng

  • ‘Kẻ thù thầm lặng’ rình rập bệnh nhân hậu Covid: Người mắc bệnh nhẹ cũng không thoát

Trong số hơn 848.000 người tử vong vì COVID-19 ở Mỹ trong đại dịch, 727 người dưới 18 tuổi, theo CDC Mỹ. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), dưới 1,5% trường hợp COVID-19 ở trẻ em phải nhập viện.

Tuy nhiên, khả năng cung cấp và tiêm vaccine cho trẻ em luôn chậm hơn so với người trưởng thành. Mãi đến tháng 5, CDC Mỹ mới khuyến nghị vaccine Pfizer-BioNTech phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi và sau đó phải đến tháng 11, tổ chức này mới khuyến nghị vaccine này cho trẻ 5 đến 11 tuổi.

Theo CDC, tính đến đầu tháng 2, chỉ có 20% trẻ từ 5 đến 11 tuổi và 55% trẻ từ 12 đến 17 tuổi ở Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ này ở tất cả các nhóm tuổi trưởng thành là ít nhất 60%.

Có rất nhiều câu hỏi xoay quanh COVID kéo dài ở bệnh nhi, bao gồm cả mức độ phổ biến. Một nghiên cứu tháng 4 ở Ý khảo sát 129 trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 cho thấy khoảng 43% gặp ít nhất một triệu chứng trong ít nhất 60 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Trong những tháng gần đây, các bác sĩ tại một số trung tâm điều trị bệnh nhi mắc COVID-19 đã thông báo về sự gia tăng số lượng bệnh nhân.

Theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), dưới 1,5% trường hợp COVID-19 ở trẻ em phải nhập viện. (Ảnh minh họa)

Laura Malone, bác sĩ tại Phòng khám phục hồi chức năng hậu COVID-19 của Viện Kennedy Krieger, cho biết có hai lý do đằng sau sự gia tăng này. Thứ nhất, mọi người đã hiểu hơn về bệnh và do đó, chủ động tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ hơn. Thứ hai, sự gia tăng này xảy ra sau sau làn sóng ca bệnh do biến thể Delta gây ra, có thể mất nhiều tháng bệnh nhân mới có biểu hiện hậu COVID.

Bác sĩ Malone giải thích rằng càng có nhiều người nhiễm COVID-19 thì càng nhiều người bị biến chứng từ bệnh, và một trong những biến chứng đó là COVID kéo dài. Malone cho biết phòng khám của Kennedy Krieger đã phải mở rộng hai lần trong 6-8 tháng qua do sự gia tăng ca bệnh.

Tiến sĩ Alexandra Brugler Yonts, giám đốc của Chương trình Nhi khoa hậu COVID tại bệnh viện Nhi Quốc gia Mỹ, cho biết họ đã kín lịch khám tới tận tháng 3. Tiến sĩ Yonts giải thích rằng hơn một nửa trong số 60 bệnh nhân của chương trình đã đến khám trong ba tháng qua, mặc dù chương trình mở cửa vào tháng 5 năm 2021.

"Nhiều người nghĩ rằng "Ồ chỉ là cảm lạnh thôi, chúng tôi sẽ vượt qua". Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết tại sao một số người lại bị COVID kéo dài còn những người khác thì không", tiến sĩ nói.

Haley sau khi khỏi COVID kéo dài

Với Haley, người vừa tròn 10 tuổi, 5 tháng sau lần nhiễm bệnh ban đầu, mẹ của cô bé cho biết hầu như tất cả các triệu chứng cuối cùng đã biến mất. Nhưng nỗi sợ hãi thì không.

Cô bé Haley Bryson là một trong những em nhỏ ở Mỹ bị hậu COVID. Trong khoảng hai tháng, Haley đã bị đau đầu, mệt mỏi, đau bụng, đau họng, đau tai hoặc khó thở. Ảnh: Mẹ Javanese Hailey.

Mỗi lần con gái kêu đau bụng nhẹ hoặc đau đầu, Hailey cho biết cô rất lo hậu COVID đã trở lại.

"Nó khiến tôi nhớ lại mọi thứ mà chúng tôi đã trải qua", cô nói.

Nhưng Haley cho biết em rất vui vì cảm thấy khỏe hơn để có thể quay trở lại các buổi tập thể dục dụng cụ.

"Cháu có thể đi chơi nhiều hơn và chơi vui hơn. Cháu có thể làm nghệ thuật và thủ công, tập thể dục dụng cụ và đôi khi chỉ đơn giản là chạy quanh cầu thang và đồ đạc", cô bé nói.

Khi được hỏi mức độ đau hiện tại là bao nhiêu, Haley nói với một chút ngập ngừng: "0!"

(Nguồn: Guardian)

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/hau-covid-o-tre-dang-so-the-nao-be-gai-9-tuoi-dau-khong-di-noi-vao-vien-5-lan-7-luot-161222102142508719.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU