Hoảng hồn khi lấy ra búi giun khổng lồ nặng 0,5 kg trong ruột trẻ 3 tuổi

(lamchame.vn) - Bệnh nhi được đưa đến BV trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng, đau bụng quặn cơn, siêu âm có nhiều búi giun trong lòng ruột ruột non, đại tràng, có nhiều búi lớn gây tắc lòng ruột bệnh nhi. Kíp mổ đã lấy ra gần 500g giun trong ruột bệnh nhi.

Em bé 3 tuổi bị tắc ruột do giun làm tổ

Mệt mỏi, bụng chướng, đau bụng quặn từng cơn, bé Dương Chí V. (3 tuổi, Thái Nguyên) được cha mẹ đưa đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên kiểm tra. Kết quả siêu âm cho thấy có nhiều búi giun trong lòng ruột của bé. V. được cho dùng thuốc tẩy giun. Sau đó, bé nôn ra giun, bụng chướng tăng dần, đau cơn. Kết quả chụp X-quang bụng có hình ảnh mức dịch hơi. Trẻ được chẩn đoán tắc ruột do giun, chỉ định phẫu thuật.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện giun chiếm hầu hết lòng ruột non, đại tràng, cách góc hồi manh tràng 10 cm, có nhiều búi lớn gây tắc lòng ruột. Sau mổ, bệnh nhi được nuôi dưỡng tĩnh mạch, sử dụng kháng sinh, chăm sóc tích cực, tình trạng sức khỏe dần ổn định.

Các bác sĩ cho biết trường hợp bệnh nhi này rất hi hữu, nhưng cũng cảnh báo tình trạng thiếu kiến thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh cho trẻ em. Thông thường, trẻ em 24 tháng tuổi được khuyến cáo có thể tẩy giun như người lớn, tức 6 tháng/lần. Việc tẩy giun nên được tiến hành khi trẻ có các yếu tố nguy cơ hoặc dấu hiệu tình nghi nhiễm giun.

Các triệu chứng phụ huynh cần lưu ý để tẩy giun cho trẻ

Về yếu tố nguy cơ, đó có thể là do việc bé đi nhà trẻ. Trẻ ở tuổi mầm non thường rất dễ mắc giun kim. Một trẻ bị mắc giun kim khi bò hoặc ngồi chơi dưới đất, trứng giun kim sẽ rơi ra rồi theo tay hoặc đồ chơi vào miệng. Như vậy, trẻ dễ làm lây sang nhau hoặc tự làm cho mình bị nhiễm trứng giun của chính mình.

Trẻ em nhiễm giun sán

Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn có thể căn cứ vào các dấu hiệu tình nghi của trẻ để chắc chắn việc có nên tẩy giun cho trẻ hay không:

- Ăn uống kém hoặc có trường hợp vẫn ăn tốt nhưng không tăng cân, đau bụng vặt.

- Nhiều giun đũa thường đau khi đói.

- Có thể nôn trớ, biểu hiện lợm giọng buồn nôn khi ngủ dậy buổi sáng.

- Đi ngoài phân lỏng. Khi có quá nhiều giun, có thể thấy nôn hoặc đi ngoài ra giun.

- Thiếu máu, da dẻ xanh xao, kém ngủ, đêm ngủ hay trằn trọc, hay nằm sấp, kém tập trung chú ý. Nếu bị nhiễm giun kim bé có thêm biểu hiện ngứa hậu môn, viêm đỏ.

Thực tế, nhiều bé sống ở thành phố, nhà cao tầng sạch sẽ, điều kiện vệ sinh tốt, hầu như ít bị nhiễm giun. Vì vậy, việc tẩy giun 6 tháng/lần có thể chỉ áp dụng cho những bé hay tiếp xúc với đất cát, điều kiện vệ sinh kém hoặc khi bố mẹ có bằng chứng xác thực về việc bé đã bị nhiễm giun.

Những tác hại khủng khiếp khi trẻ nhỏ bị nhiễm giun sán

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo "để điều trị giun sán thì rất tốn kém, phải tốn nhiều tỷ đồng, điều đó đang thực sự là gánh nặng cho xã hội cũng như gia đình". Ngoài ra, khi nhiễm giun sán, thì ngoài chuyện tốn kém tiền bạc, giun sán còn gây hậu quả rất nghiêm trọng ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, người lớn thậm chí có thể tử vong.

Uống thuốc sổ giun

Cụ thể, đối với trẻ em, giun sán có thể gây ra các mối họa sau:

– Giun sán có thể tiết ra các loại độc tố, hoặc thải ra các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho cơ thể.

– Các loại giun như: giun tóc, giun móc... bám vào niêm mạc ruột có thể gây viêm loét ruột, thậm chí gây chảy máu nhiều và có khi phải truyền máu. Trong khi đó, giun đũa có thể gây tắc ruột, tắc mật, tắc ống tụy gây ra các triệu chứng đau bụng dai dẳng hoặc kịch phát, ói mửa, vàng da, viêm gan…

– Nếu bé nhiễm nang ấu trùng sán dây lợn (heo), nó có thể di chuyển tới não gây động kinh, làm đột tử. Nguy hiểm nhất là nếu ký sinh ở mắt gây mù lòa.

– Giun chỉ bạch huyết gây phù nề da, tắc mạch bạch huyết và việc điều trị cũng rất khó khăn.

– Sán lá phổi xâm nhập làm vỡ thành mạch máu phổi gây ho ra máu và đe dọa tính mạng.

– Gây dị ứng cho vật chủ: giun đũa, giun tóc, đặc biệt giun xoắn gây dị ứng nặng, sốt cao, phù nề, tăng bạch cầu eosinophile.

– Giun kim khó chịu nhất: Giun có thể chui lên ống mật. Có bé gái bị nhiễm trùng đường tiểu được điều trị nhiều bằng kháng sinh nhưng tình trạng không khỏi. Nghi ngờ bệnh nhi bị giun kim bò qua âm đạo, các bác sĩ cho uống hai liều thuốc xổ giun thì hết bệnh.

Có bé bị viêm phổi tái đi tái lại nhưng việc điều trị không mang lại hiệu quả, cũng chỉ vì trứng giun đũa… lâu lâu đi qua phổi. Đó là một số biến chứng do giun đường ruột thường gặp như giun đũa, giun kim và giun móc gây ra cho trẻ nhỏ. Ngoài ra còn rất nhiều loại giun khác gây nhiều bệnh nguy hiểm nữa nên bố mẹ chăm con phải rất cẩn thận.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU