Học online nhưng phải đóng học phí bằng 200% học phí ngày thường, trường tư ở Hà Nội khiến phụ huynh bức xúc

Đến nay, phụ huynh của học sinh trường ngoài công lập này đều tỏ thái độ không đồng tình với mức thu quá cao từ phía nhà trường.

Mới đây, phụ huynh học sinh đang có con học tập tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest (Hà Nội) đã thể hiện bức xúc vì những quyết định của nhà trường liên quan đến việc học online của học sinh trong thời gian nghỉ dịch Covid-19.

Theo sự việc được ghi lại, ngày 27/3 nhà trường có gửi cho phụ huynh tổng cộng 3 thông báo liên quan tới phương án, kế hoạch triển khai và mức thu phí học online. Cụ thể, theo biểu phí mà nhà trường thông báo, mức phí học online là 650 nghìn đồng/tuần đối với hệ tiểu học và 700 nghìn đồng/tuần đối với THCS, 2 tiếng/ngày. Theo đánh giá của phụ huynh, học phí này quá cao đối với thời lượng học và chất lượng đường truyền giảng dạy.

Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc thu học phí online, Bộ đã nêu rõ, đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa. Việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm. Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía phụ huynh, nhà trường đã đơn phương ra quyết định mà không hề có một cuộc họp chung hay cuộc khảo sát lấy ý kiến phụ huynh nào được diễn ra.

Sau khi vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối, lúc này trường mới tổ chức cuộc họp online giữa ban phụ huynh trường và ban điều hành vào ngày 29/03/2020. Sau đó ngày 1/4, trường Everest tiếp tục điều chỉnh lại mức học phí, nhưng lại gây làn sóng chỉ trích dữ dội hơn trước. Phụ huynh cho biết, nhà trường đã giảm mức học phí đi kèm với giảm số tiết học, điều này làm nhiều cha mẹ cảm thấy mập mờ về sự minh bạch của nhà trường.

Theo đó, học phí 1 tiết học truyền thống chỉ tương đương 26.000 đồng, nhưng với kế hoạch online là 52.000 đồng (phương án thay đổi mới), tức là tăng khoảng 200% so với chi phí thực học.

So sánh chi phí do phụ huynh tự tính toán.

Chị T.H chia sẻ: "Về vấn đề này theo mình nghĩ phải làm công khai dân chủ, có sự bàn bạc và nhà trường phải thể hiện tôn trọng phụ huynh, cùng với đấy phải thực hiện trên quy định của bộ, ngành. Nhà trường không thể quyết theo kiểu ngoài luật được".

Còn với anh T.S, điều mà phụ huynh không đồng tình với nhà trường là từ đầu không có sự thỏa thuận và tôn trọng nhau, học phí lại quá cao, khiến anh bức xúc. Anh cho biết thêm: "Học online nhiều hại sức khỏe các cháu, các cô lại không thể quản được cả lớp, chưa kể đến điều kiện kết nối cũng hạn chế".

Chị T.H lại tỏ rõ quan điểm không đồng tình với cách xử trí của nhà trường. Theo chị hiện tại nhà trường đang không tôn trọng phụ huynh, dù có tiếp thu ý kiến nhưng vẫn giữ nguyên tắc chi phí ban đầu. Chị nói: "Chừng nào nhà trường chưa hiểu thì nên tiếp tục đối thoại với nhau!".

 

 

Đến nay, phụ huynh nhà trường đều đồng quan điểm khi cho rằng tiếng nói của họ gần như không có trong sự việc. Mọi người đều mong muốn nhà trường sẽ đối thoại trực tiếp và thể hiện tinh thần cầu thị với cha mẹ học sinh trong thời gian gần nhất. Ngoài các động thái trên mạng xã hội, nhà trường vẫn chưa có văn bản cụ thể mang tính pháp lý nào được đưa ra sau những bức xúc của phụ huynh vừa qua. Mọi sự đối chất, trao đổi cũng chỉ được thể hiện qua các kênh liên lạc trên các hội, nhóm. Mới đây nhất, việc thông báo không thay đổi các mức học phí cũng chỉ được trường Everest viết trên Facebook vào hôm qua ngày 3/4.

Trước đó, ngày 13/3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra công văn số 809/SGĐT-GDPT về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó có nội dung cho phép trường ngoài công lập tiến hành dạy học online cho học sinh nhưng phải được nhà trường xây dựng kế hoạch, thẩm định nội dung các bài giảng theo đúng quy định, đảm bảo học sinh được học đầy đủ chương trình, nội dung, kiến thức theo quy định của Bộ GDĐT. Cần thỏa thuận với phụ huynh học sinh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

 

Theo Trí Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU