Nhiều phụ huynh phản đổi việc tặng quà đắt tiền cho thầy cô. (Ảnh minh hoạ)
Chị Trang kể, một phụ huynh khác trong lớp còn phải vay mượn để đủ tiền đóng phong bì tặng cô giáo vì sợ nếu ít quá thì con cái không được "bằng bạn bằng bè".
Với nhiều người, việc tặng tiền giáo viên ngày lễ tết trở thành điều quen thuộc, nên bình thường hoá nhưng với chị Trang, đây là hành động rất xấu, dễ sinh ra tiêu cực. Bởi vậy, mỗi lần được hỏi "Đi cô giáo 20/11 bao nhiêu là đủ?" , chị Trang đều bức xúc trả lời: "Tôi không muốn tri ân thầy cô bằng tiền".
Thái độ cương quyết của chị Trang khiến nhiều phụ huynh phật ý, lời qua tiếng lại. Chị dự tính trong dịp 20/11 năm nay sẽ cùng con cắm một lẵng hoa để tặng cho cô giáo chủ nhiệm. "Đây sẽ là món quà của con, do chính tay con chuẩn bị thay cho lời cảm ơn cô luôn yêu thương, dạy chữ cho con. Tôi muốn con mình hiểu sự tri ân phải đến từ quá trình, tình cảm, không phải đến từ tiền bạc" , chị Trang nói.
Cô Nguyễn Thanh Vân (57 tuổi, một giáo viên về hưu ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, 20/11 là Tết của thầy cô, ngày đặc biệt này không chỉ để tôn vinh, khen ngợi mà còn là dịp để người giáo viên tự nhìn nhận lại mình xem còn thiếu sót ở đâu để thay đổi ngày một tốt hơn.
"Nghề giáo thiêng liêng nhưng cũng áp lực bởi giáo dục là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Tôi thấy thế hệ giáo viên ngày nay còn áp lực hơn chúng tôi ngày xưa nhiều lần" , cô Vân nói và kể ngày xưa, đến ngày 20/11 cô trò đều hân hoan, nhận được lời chúc, lời cảm ơn là vui cả ngày nhưng giờ đây đến ngày Nhà giáo, các thầy cô khó vui nổi vì nhiều nỗi lo, lo nhất có khi là chuyện phụ huynh tặng quà, thậm chí sợ khi món quà đó là tiền.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, chưa một lần cô Vân nhận tiền hay món quà đắt đỏ từ phụ huynh trong các ngày lễ Tết, mỗi lần rơi vào tình huống khó xử, cô giáo này đều thẳng thắn chia sẻ tâm tư với phụ huynh, "cô chỉ nhận tấm lòng, còn tiền các phụ huynh hãy mang về mua quần áo, sách vở cho con".
"Nếu nhận thì trái với đạo đức nghề nghiệp, trái với lương tâm. Với tôi món quà lớn nhất là nhìn học trò trưởng thành mạnh khoẻ, thành công bởi chung quy lại giữa danh dự và tiền bạc, danh dự người giáo viên thiêng liêng cao quý vẫn là điều lớn hơn tất cả", người giáo viên về hưu chia sẻ.