Bệnh nhân ung thư dạ dày điều trị tại Bệnh viện K (Ảnh: BVCC).
Theo chia sẻ của TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K kiêm Trưởng khoa Ngoại bụng I, tại Việt Nam hiện nay, tỉ lệ phát hiện bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn còn khá cao, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn kém về kinh phí và hiệu quả điều trị. Sàng lọc phát hiện sớm ung thư dạ dày là phương pháp tối ưu để phát hiện sớm bệnh.
Tầm soát ung thư dạ dày được thực hiện như thế nào?
TS.BS Phạm Văn Bình cho biết: Đầu tiên, các bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng, tư vấn giải thích cho người bệnh. Đây là bước vô cùng quan trọng, cũng là bước đầu tiên trong quá trình khám tầm soát ung thư dạ dày. Bác sĩ sẽ hỏi các thông tin cụ thể về tuổi, tình trạng sức khỏe, bệnh sử cá nhân và gia đình, các triệu chứng biểu hiện bệnh nghi ngờ gặp phải như có đau bụng, khó tiêu, ợ chua hay không?… nhằm đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Sau đó sẽ tiến hành khám lâm sàng phát hiện các biểu hiện, dấu hiệu của bệnh.
Tiếp theo, các bác sĩ sẽ đánh giá, tư vấn và chỉ định người bệnh thực hiện nội soi dạ dày. Sau khi nội soi, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp CT cắt lớp. Bác sĩ sẽ chủ yếu dựa vào các hình ảnh để đánh giá tình trạng thương tổn của dạ dày, sự xâm lấn của khối u đến các bộ phân xung quanh. Qua đó, cũng có thể đánh giá tình hình của bệnh, nếu bệnh ung thư đó di căn đến các bộ phận khác như gan, hạch, ổ bụng, ổ phúc mạc...
Sau khi chỉ định chụp cắt lớp vi tính, người bệnh có thể được tiến hành sinh thiết, phương pháp này có thể được tiến hành ngay khi nội soi ở nơi có tổn thương ở niêm mạc dạ dày, sau đó tiến hành giải phẫu bệnh. Sinh thiết là việc cần làm để biết khối u đó có phải là ung thư hay không, và đó cũng là kết quả để bác sĩ dựa vào để kết luận bệnh học và tư vấn điều trị cho người bệnh.
Những dấu hiệu lưu ý để đi khám sớm
Theo TS.BS Phạm Văn Bình, các triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày khá mơ hồ nên khó chẩn đoán trong giai đoạn sớm, vì vậy khi thấy bất kì biểu hiện nào dưới đây thì bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn:
Chướng bụng đầy hơi: Triệu chứng này xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày và tồn tại trong suốt quá trình mắc bệnh. Trên 70% người bệnh có biểu hiện này ngay từ đầu.
Ợ chua, nóng ruột (nóng dạ dày): Đây là triệu chứng dễ lầm tưởng với căn bệnh đau dạ dày, viêm dạ dày nhưng bạn cũng không nên chủ quan với nó. Cảm giác khó chịu, đau nhẹ ở dạ dày, uống thuốc thấy giảm là đặc điểm của triệu chứng này.
Sụt cân, mệt mỏi, thiếu máu: Nhiều bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn gì. Tình trạng này kéo dài khiến họ bị sút cân nghiêm trọng.
Những bệnh nhân mắc bệnh thời gian dài, có thể xuất hiện hiện tượng xuất huyết đường tiêu hóa, biểu hiện như nôn ra máu, đại tiện phân đen, hoặc xét nghiệm tìm thấy hồng cầu trong máu. Bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối còn có biểu hiện đau thượng vị, chán ăn, sút cân, mệt mỏi, nôn ói, đại tiện ra máu hoặc phân đen… khiến người bệnh mất nhiều máu gây thiếu máu.
Triệu chứng khác: Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày vùng hang vị có thể thấy hiện tượng hay bị nôn ói và mắc nghẹn. Ung thư dạ dày có thể dẫn tới thủng dạ dày cấp, đau bụng, viêm phúc mạc. Một số trường hợp lại có biểu hiện tiêu chảy, táo bón, đau bụng dưới, sốt…
Những triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối thường rất rõ ràng nên người bệnh rất dễ nhận biết. Nhưng lúc này thì dường như đã quá muộn bởi khối u đã di căn khó có thể cứu chữa. Do đó người bệnh nên lắng nghe cơ thể mình để đi khám kịp thời.
Để phòng ngừa ung thư dạ dày hiệu quả, TS.BS Phạm Văn Bình khuyến cáo: Cần hạn chế ăn đồ ăn mặn cũng như các đồ ăn hun khói, nướng, chiên nhiều dầu mỡ, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích. Tích cực bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý, thức ăn chế biến từ các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E. Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ. Và quan trọng nhất là đừng quên khám tầm soát ung thư dạ dày hàng năm.