Hot mom Thủy Anh: “Gái hai con” rồi vẫn được chồng chiều nhờ hâm nóng tình cảm bằng thói quen nhỏ từ ngày yêu

Cựu hot girl xinh đẹp tiết lộ, chồng cô không có “em gái mưa”, cũng không có “em xã hội, em kết nghĩa, bạn gái thân”. Sau nhiều năm bên nhau, Thủy Anh vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện khi ông xã toàn tâm toàn ý với mình.

Tôi rất coi trọng tình cảm vợ chồng

- Chào Thủy Anh, thời gian gần đây bạn “gây bão” khi khoe vóc dáng nuột nà của gái hai con. Đặc biệt hơn, đó là nhưng tấm ảnh do chính ông xã Đăng Khôi chụp cho vợ khiến ai ai cũng ngưỡng mộ và không khỏi ghen tị. Bận rộn công việc, con cái, bạn dành thời gian hâm nóng tình cảm với ông xã thế nào?

- Tôi là người biết cách sắp xếp, cân đối thời gian cho mọi việc. Giờ nào làm, giờ nào nghỉ, giờ nào dành cho con, và giờ nào hai vợ chồng dành cho nhau. Tôi thấy quỹ thời gian của các bà mẹ rất eo hẹp, đủ việc phải làm và đủ nỗi phải lo. Nhưng hãy biết buông bỏ, điều gì cần thiết thì làm, không thì thôi. Và đã làm thì làm hết mình, hết công suất để còn dành thời gian cho việc khác.

Thực sự, tôi rất coi trọng tình cảm của hai vợ chồng. Vì bố mẹ có tình cảm, hạnh phúc, yêu thương nhau thì con cái mới được hưởng những cảm giác và khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Và tình cảm vợ chồng cũng tác động lên tinh thần và hành động của người vợ rất nhiều. Tình cảm vợ chồng cũng như cái cây, nếu được chăm bón, tưới nước hàng ngày thì cây sẽ tươi tốt. Còn cái cây bị bỏ bê, lãng quên chăm sóc thì sẽ khô héo dần theo thời gian.

Tôi và anh Khôi, mỗi ngày chúng tôi nói chuyện rất nhiều với nhau, trong công việc, trong việc chăm sóc con. Giao tiếp nhiều là cách để hiểu nhau hơn, quan tâm nhau hơn. Sau khi xong việc và chăm con, chúng tôi cùng xem phim, giữ thói quen đèo nhau bằng xe máy đi lượn lờ, vì ngồi xe máy có thể ôm nhau thật chặt và thì thầm được nhiều hơn. Đó là thói quen vợ chồng tôi vẫn giữ từ khi yêu nhau đến giờ.

- Đăng Khôi điển trai, hát hay và có rất nhiều fan nữ, đã bao giờ anh ấy có “em gái mưa” chưa? Với những trường hợp “em xã hội, em kết nghĩa, bạn gái thân” của chồng, chị ứng xử thế nào?

Anh Khôi là người rất rõ ràng trong công việc. Anh coi việc ca hát là công việc phục vụ công chúng, cống hiến để mang đến niềm vui cho mọi người. Còn ngoài công việc anh trở về với gia đình, dành toàn tâm toàn ý cho vợ và con. Tôi thấy đến giờ mình vẫn đang là người may mắn khi chọn được người đàn ông như mình mong muốn. Đến giờ anh vẫn một lòng với tôi và rất trân trọng tình cảm của hai vợ chồng. Còn chồng tôi không có 3 kiểu em gái này nên tôi cũng chưa nghĩ tới việc ứng xử như thế nào.

"Ngoài công việc, anh dành toàn tâm toàn ý cho vợ và con

- Ồ, nhưng cũng không tránh khỏi những lúc có ghen tuông, mâu thuẫn phải không?

Chúng tôi không ghen tuông nhau, bởi vì khi có vấn đề gì nhạy cảm hoặc không hài lòng, chúng tôi thường nói ngay với đối phương quan điểm của mình để người kia biết và thay đổi, chứ không để sự việc bị đẩy tới ghen tuông. Khi có mâu thuẫn xảy ra, chúng tôi không cãi nhau quá 1 ngày. Chúng tôi đặt ra quy tắc giữa hai người đó là dù đúng dù sai cả hai sẽ mở lời với nhau, nói câu xin lỗi để mọi việc nhẹ nhàng trôi qua. Sau đó góp ý trên tinh thần tích cực thì cả hai cùng lắng nghe và rút kinh nghiệm. 

Không có trường nào dạy con tốt hơn trường nhà

- Không chỉ ngưỡng mộ tình cảm của hai vợ chồng, chị em rất yêu mến hai nhóc tỳ đáng yêu nhà bạn. Bạn chăm và dạy hai cậu ấm thế nào?

Nuôi dạy con là quá trình lâu dài và liên tục, đến khi con trưởng thành tôi nghĩ cũng còn chưa thể đánh giá được hết kết quả quá trình nuôi dạy của bố mẹ có thành công hay không. Hiểu rõ điều đó, tôi phải nỗ lực từng ngày, để nhìn nhận sự thay đổi của con và có cách chăm và dạy con cho phù hợp, chứ chưa có phút giây nào tự tin là mình nuôi dạy con tốt. Và cách tôi và anh Khôi giữ gìn tổ ấm của mình, cũng là để cho các con nhìn và học những điều tốt, điều hay mà bố mẹ dành cho nhau. Tôi nghĩ không có trường nào dạy con tốt hơn là trường “nhà”. Con sẽ học được đầu tiên từ văn hoá gia đình, học tập từ cách ăn nói, ứng xử của bố mẹ mà ra.

Không có trường nào dạy con tốt hơn là trường “nhà”.

- Con trai đầu lòng – bé Đăng Khang – đang ở độ tuổi “ẩm ương”, bạn có tuyệt chiêu gì không? 

- Như tôi nói ở trên, quá trình nuôi dạy con là lâu dài và liên tục. Vì tính tình bé sẽ thay đổi theo độ tuổi và tâm sinh lý. Nhiều khi ở độ tuổi lên 3, con hình thành cá tính riêng và có chính kiến, không theo ý bố mẹ, bố mẹ nói không được lại vội quy kết con mình hư. Rồi hết tuổi lên 3 lại tới tuổi lên 6, con hết tính này thì lại phát sinh tính khác khiến bố mẹ stress, không nói được con nên nản, càng cáu gắt, mất bình tĩnh thì càng không khiến con mình thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Vì vậy tôi nghĩ quan trọng nhất bố mẹ nên tìm hiểu tâm sinh lý theo quá trình phát triển của con, đọc và tìm hiểu nhiều để bố mẹ hiểu con hơn, biết con đang ở ngưỡng nào. Từ đó mình mới có phương pháp để nói chuyện và hành động với con được. Không chỉ có con mà bố mẹ cũng trưởng thành theo năm tháng cùng con. Đối với Ken và Đăng Anh, điều tôi hay nói với con nhất để con tập đó là “bình tĩnh”. Trong mọi tình huống, con la hét, nói to, phản ứng hay đánh em, tôi đều nói với con “hãy bình tĩnh” để con giảm cơn tức giận xuống, rồi ngồi xuống nói chuyện với con, đôi khi chỉ cần lắng nghe con nói thôi cũng đủ để giải quyết vấn đề rồi.

- Với lần chăm con thứ 2, bạn rút ra được những kinh nghiệm gì?

- Nói về việc chăm con, tôi cũng mắc nhiều sai lầm khi có con đầu lòng là bé Ken. Đến khi có bé thứ 2 là Đăng Anh, tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân mình. Ví dụ như bé Ken là con đầu lòng nên cái gì bố mẹ cũng quan tâm lo lắng quá. Lúc nào cũng sợ con bị đói nên ép con ăn đúng bữa, đủ khẩu phần, thành ra Ken bị phản ứng ngược, càng ép bé lại càng đẩy ra và không ăn. Đến khi có Đăng Anh, tôi để bé tự nhiên, ăn uống theo nhu cầu. Như vậy bé không bị phản ứng ngược khi mẹ đưa đồ ăn cho. Bé tự giác ăn và ăn rất thoải mái tất cả các món.

- Bên cạnh câu chuyện về gia đình, chị em cũng đang rất tò mò với bí quyết giữ gìn vóc dáng của bạn, đặc biệt là việc giảm mỡ vòng hai, bạn có thể chia sẻ không?

Tôi thấy mốc thời điểm làm mẹ chính là thay đổi lớn của người phụ nữ. Nếu như ngày trước còn con gái, tôi rất thoải mái vui chơi, chụp hình, khoe vóc dáng thì đến khi có con, người phụ nữ không có nhiều thời gian để nghĩ tới thú vui riêng của mình, và vô tình vòng xoáy công việc làm mẹ khiến tôi bị quên đi rằng, mình cũng cần phải tươi trẻ để lấy lại tinh thần và làm mình cảm thấy trân trọng bản thân mình hơn. Vì thế tôi tranh thủ nhờ anh Khôi chụp lại những tấm hình bikini để lưu giữ lại những hình ảnh đang còn đẹp của mẹ 2 con.

Ngay từ khi mang bầu tôi đã ý thức việc giữ dáng và làm đẹp. Khi mẹ mang bầu, cân nặng tăng cao, mọi bộ phận cơ thể bị thay đổi nhanh chóng, tăng kích cỡ, nhưng mẹ bầu vẫn phải đẹp theo kiểu của bầu. Tôi kiểm soát cân nặng ngay từ khi mang bầu. Không phải mẹ tăng nhiều cân thì con mới to khoẻ, mà con to tuỳ thuộc vào quá trình trao đổi chất giữa mẹ và con. Và như vậy cũng là tiền đề để mình giảm cân nhanh chóng sau khi sinh con.

So với đàn ông thì phụ nữ dễ bị xổ vòng hai do nội tiết tố tác động tăng tích mỡ vùng bụng. Phụ nữ sau sinh càng dễ bị mỡ bụng nhiều hơn cả. Để giảm số đo vòng 2, đầu tiên vẫn phải giảm cân nặng toàn cơ thể. Ngay trong tháng đầu tôi đã giảm 11 kg, chỉ còn dư 2 kg so với lúc chưa mang bầu. Và trong tháng đầu tiên tôi tích cực cuốn bụng muối nóng để định hình vòng eo và giảm tích nước. Ngoài ra xông hơi cũng rất tôi giúp tôi thải được nước thừa trong cơ thể và giảm cân nhanh chóng.

- Số khác lại than phiền về vòng một chảy xệ vì cho con bú, có cách nào để khắc phục không?

- Tôi đã từng viết bài chia sẻ trên facebook cá nhân về cách giữ vòng 1 khi nuôi con bằng sữa mẹ.

Không ai có thể dám chắc có phương pháp hoàn hảo để 1 người mẹ sau sinh nở vẫn ngon nghẻ như hồi con cái được mà phụ thuộc rất nhiều vào cơ địa từng người. Chúng ta chỉ có thể cố gắng hạn chế tối đa tác động của quá trình làm mẹ lên cơ thể. 

Một số kinh nghiệm tôi đúc rút được để giữ vòng 1 ví dụ như: Để đầu ngực ko bị to, xấu, bị nứt cổ gà, quan trọng phải cho bé ngậm sâu hết quầng vú. Khi cho bé bú, mẹ ngồi thẳng, kê gối lên đùi, cho bé nằm lên. Một tay mẹ nâng đầu bé, tay còn lại nâng vú để điều chỉnh dễ dàng. Tránh được bé phải níu vú mẹ, kéo xệ vú xuống. Dù là lúc bé bú hay lúc mẹ sinh hoạt bình thường thì tôi luôn mặc áo ngực chuyên cho bé bú để nâng đỡ bầu ngực, giảm tác động lực khi con bú lên ngực mẹ.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU