Các nhà nghiên cứu của Đại học Northwestern (Mỹ) đã phân tích các mẫu máu để tìm kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Dẫn lời ông Thomas McDade, giáo sư nhân chủng học và là giảng viên của Viện Nghiên cứu Chính sách: “Khi chúng tôi kiểm tra mẫu máu của những người tham gia được thu thập khoảng ba tuần sau liều vaccine thứ 2, mức độ ức chế trung bình là 98%, cho thấy mức độ kháng thể trung hòa rất cao”.
Tuy nhiên, mức độ kháng thể chống lại các biến thể mới nổi thấp hơn đáng kể, dao động từ 67% đến 92%. Ngoài ra, các mẫu máu của những người đã nhiễm COVID-19 trước đó được thu thập hai tháng sau liều vaccine thứ 2 cho thấy phản ứng kháng thể đã giảm khoảng 20%.
Theo một phát hiện khác từ nghiên cứu, những người tham gia có nhiều triệu chứng COVID-19 có phản ứng miễn dịch với vaccine mạnh hơn những người có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Giáo sư McDade cho biết: “Nhiều người có thể đang lầm tưởng việc nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ tạo ra khả năng miễn dịch đối với việc tái nhiễm. Dựa trên logic này, một số người bị nhiễm trước đó nghĩ rằng họ không cần phải tiêm phòng hoặc chỉ cần tiêm một liều vaccine Pfizer hoặc Moderna. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó không đảm bảo lượng kháng thể cao, cũng như không đảm bảo phản ứng kháng thể mạnh mẽ với liều vaccine đầu tiên. Đối với những người bị nhiễm trùng nhẹ hoặc không có triệu chứng, phản ứng kháng thể của họ đối với việc tiêm chủng về cơ bản giống như những người chưa bị nhiễm trước đó”.
Được biết, nghiên cứu được tiến hành trước khi có sự xuất hiện của biến thể Delta, nhưng những phát hiện này hiện vẫn được áp dụng./.