Ai nghe nói tới chẩn đoán ung thư cũng sẽ mất bình tĩnh ít nhiều. Đó là vì ung thư thường được liên tưởng tới cái chết ngay trước mắt. Ung thư cũng thường được liên tưởng tới cảnh đau đớn vật vã cuối đời làm người ta sợ hãi.
Sự bất định về tương lai cũng góp phần làm tinh thần bệnh nhân và người thân dễ lung lay. Nội dung công việc, nhiệm vụ gia đình, quan hệ xã hội của tôi rồi sẽ thay đổi ra sao? Liệu năm sau tôi có còn khỏe mạnh để vui chơi nữa hay không? Sự bất định do ung thư và các phương pháp điều trị ung thư cũng thường làm nhiều người bất an, lo lắng.
CHÌA KHÓA CHIẾN THẮNG BỆNH TẬT NẰM TRONG TAY NGƯỜI BỆNH
Trong khi nhiều y bác sĩ đang cố gắng động viên, tư vấn để bệnh nhân từng bước vượt qua gánh nặng tâm lý này, những tin đồn sai lệch về ung thư tại cộng đồng và trên mạng xã hội vẫn đang "tự tìm tới" góp phần tạo nên và khuếch đại lo lắng mới ở người bệnh.
Tâm lý lo lắng và nôn nóng cũng thường xúi giục người ta… làm liều. Điều này khá giống tâm lý của những sĩ tử lười học liều mạng "cọp bài" người bên cạnh khi gần hết giờ thi mà không cần biết đúng sai. Đó cũng là một trong các nguyên nhân làm bệnh nhân và người thân dễ rơi vào cạm bẫy liên quan tới bệnh ung thư.
Chìa khóa chiến thắng bệnh tật nằm ngay trong tay người bệnh. Ảnh minh họa.
Đơn cử ví dụ về ngừa bệnh tái phát, thay vì tìm hiểu cách xử trí tác dụng phụ, tập trung vào vận động và ăn uống lành mạnh, sự thiếu suy xét thường dẫn người ta đến thực phẩm chức năng hay những sản phẩm khác không rõ lợi ích về mặt khoa học.
Về sàng lọc - chẩn đoán sớm ung thư, một số người theo phương pháp không đúng, dẫn đến tốn kém tiền bạc, thời gian mà nhiều khi lại làm lo lắng nhiều hơn.
Việc kết hợp những phương pháp điều trị không đủ bằng chứng khoa học, không có bảo hiểm đồng chi trả không chỉ gây tác dụng phụ là "viêm màng túi" âm thầm mà còn có thể làm bệnh nhân xao nhãng bỏ lỡ điều trị chính thống được chỉ định/chuẩn bị để có hiệu quả cao hơn.
Vì thế, để giữ bình tĩnh trước ung thư, trước hết chúng ta phải tăng kiến thức đúng về ung thư và những phương pháp điều trị căn bệnh này. Đó là lý do mà những người chịu khó nghiền ngẫm bài viết của các bác sĩ, sách báo khoa học có độ tin cậy cao thường có kết quả điều trị tốt.
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự hiểu biết của bệnh nhân thật sự là chìa khóa giúp chiến thắng bệnh tật. Để không bị nhiễu bởi thông tin sai, các chuyên gia về ung thư thường khuyên bệnh nhân tránh tiếp xúc với những tin đồn do rỉ tai, quảng cáo; nhất là thông tin từ người vừa bán hàng vừa kể chuyện.
NHỮNG TÌNH HUỐNG DẪN TỚI MẤT BÌNH TĨNH & CÁCH VƯỢT QUA
Ngoài ra, tôi cũng xin phân tích thêm một số tình huống hay dẫn tới mất bình tĩnh và đưa ra lời khuyên giúp vượt khó.
Tình huống 1: Khi có nghi ngờ ung thư
Tại Việt Nam vẫn còn tình trạng bệnh nhân cầm giữ và "tự đọc" kết quả xét nghiệm TRƯỚC KHI gặp nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Điều này thường dẫn đến nhiều tình huống hoang mang oái ăm, vì người dân thường không thể hiểu những ký tự, thông số trong mấy tờ giấy đó, và càng không thể diễn giải số liệu đúng ngữ cảnh.
Khi có nghi ngờ về ung thư, các bác sĩ hay viết tắt 4 từ trong hồ sơ là "N/n ung thư" (nghi ngờ ung thư) hoặc "T/d ung thư" (theo dõi ung thư), với hàm ý là cần đánh giá thêm.
Tuy nhiên, rất nhiều người đọc thấy mấy chữ này lại tự khẳng đinh luôn là "đã bị ung thư!" và… "xoắn như chong chóng".
Trong tình huống này, cần nhớ lại câu cửa miệng quen thuộc "Ba mươi chưa phải là Tết".
Chẩn đoán ung thư là chẩn đoán phức tạp, cần có sự kết hợp kết quả của nhiều loại xét nghiệm chuyên sâu, đặc biệt là sinh thiết và giải phẫu bệnh. Đây là phương pháp quan trọng nhất, sử dụng mẫu bệnh phẩm (lấy từ người bệnh nhân) soi dưới kính hiển vi để chắc chắn có tế bào ung thư trong người.
Những thông tin như có khối u trên phim CT, siêu âm,… hay tăng chỉ số khối u chỉ có giá trị tham khảo và hầu hết tình huống đều phải cần sinh thiết - giải phẫu bệnh để khẳng định chắc chắn nhất.
Có rất nhiều tình huống bác sĩ nghi ngờ đủ kiểu nhưng rốt cuộc lại là bệnh khác không phải ung thư. Việc lo lắng quá chỉ thường gây nên cảm giác tiêu cực, mất ăn mất ngủ cho người bệnh chứ không làm thay đổi kết quả sẽ đến.
Khi có nghi ngờ về ung thư, các bác sĩ hay viết tắt trong hồ sơ là "N/n ung thư" (nghi ngờ ung thư) hoặc "T/d ung thư" (theo dõi ung thư), với hàm ý là cần đánh giá thêm. Tuy nhiên, rất nhiều người đọc thấy mấy chữ này lại tự khẳng đinh luôn là "đã bị ung thư!" và… "xoắn như chong chóng". Trong tình huống này, cần nhớ lại câu cửa miệng quen thuộc "Ba mươi chưa phải là Tết".
Vì chẩn đoán ung thư ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý bệnh nhân, làm xáo trộn cuộc sống của bệnh nhân và cả gia đình, nên các bác sĩ phải dành thời gian đắn đo suy nghĩ. Đây là chuyện đương nhiên và nhiều tình huống bệnh khó bác sĩ còn cần phải qua hội chẩn đa chuyên khoa mới dám đưa ra kết luận cuối cùng.
Các bác sĩ mà còn phải cẩn trọng như vậy, thì không cớ gì chúng ta lại nóng vội "cầm đèn chạy trước ô tô" dẫn đến những quyết định không phù hợp.
Tình huống 2: Khi có chẩn đoán ung thư
Ngay cả khi có chẩn đoán chính xác là bị ung thư rồi, chúng ta vẫn nên giữ bình tĩnh.
Ung thư vốn là bệnh phức tạp với nhiều tình huống khác nhau mà giai đoạn sớm thì khả năng chữa lành còn cao.
Ung thư giai đoạn muộn vẫn có thể lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp giúp cải thiện thời gian sống và duy trì chất lượng cuộc sống ở mức khá-tốt.
Chính vì thế, các bác sĩ cần tìm hiểu kỹ lưỡng về loại ung thư, giai đoạn bệnh, bệnh đi kèm, sức khỏe tổng trạng của người bệnh, thậm chí là gia cảnh và các yếu tố hỗ trợ tại nhà… để đưa ra chiến lược điều trị phù hợp nhất.
Vì có nhiều tình huống với yếu tố liên quan khác nhau, việc cân nhắc kỹ lưỡng là quan trọng và chuyện tốn thời gian (có khi cả tháng) là đương nhiên. Nhiều người nôn nóng vì thời gian lên chiến lược điều trị có vẻ quá lâu.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng ung thư khi xuất hiện rõ ràng thành "một cục" như vậy thì thường đã có trong cơ thể chúng ta từ hằng năm trước. Việc vội vã để sớm hơn vài ngày không thay đổi kết quả chung cuộc và ở nước ngoài cũng thường tốn thời gian bàn bạc như thế.
Khi nhận chẩn đoán là ung thư, một số người còn tốn thời gian để nghi ngờ kết quả, phủ nhận hiện thực. Một số bệnh nhân còn quay lại dằn vặt, tự trách mình hoặc chịu trách móc "ngầm" từ người xung quanh. Đó có thể là những câu nói như "tại hút thuốc/uống rượu nhiều quá!", hay ám ảnh dở hơi hơn là "tại ăn ở thất đức chăng?".
Thật ra, ung thư là bệnh do đột biến gene cấu thành trong thời gian sống và tương tác với môi trường xung quanh. Ung thư có thể xảy ra ngay cả khi bản thân đã cẩn thận sinh hoạt lành mạnh hết mức và chẳng phải là lỗi của ai cả.
Cũng như tai nạn giao thông có thể xảy ra không lường trước, việc cần làm lúc này không phải là ngồi lăn tăn "tại anh tại ả", mà phải cùng tìm hiểu xem có thể làm gì để cải thiện tình hình. Bản lĩnh con người được thể hiện rõ nhất ở khả năng giữ thái độ bình tĩnh trong những tình huống khó khăn.
Ngoài ra, cần nhớ rằng ung thư đã trở thành một căn bệnh phổ biến của thời đại, mà tại Nhật Bản người ta hay dùng thống kê "50% dân số mắc ung thư" để trấn an bệnh nhân rằng có nhiều người như họ. Bệnh nhân sẽ không phải chiến đấu đơn độc.
Cần nhớ rằng ung thư đã trở thành một căn bệnh phổ biến của thời đại, mà tại Nhật Bản người ta hay dùng thống kê "50% dân số mắc ung thư" để trấn an bệnh nhân rằng có nhiều người như họ.
Tại Việt Nam, hiện đã có một số hội nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư online/offline với nhiều tấm gương vượt khó, chữa khỏi bệnh hoàn toàn mà "Nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư" thuộc dự án Y học cộng đồng hoặc nhóm "Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư vú" và Câu lạc bộ Phụ nữ Kiên cường là ví dụ.
Có những người đồng bệnh chia sẻ, hướng dẫn thường giúp bệnh nhân sáng suốt, vững tin hơn trong quá trình điều trị, thích nghi với cuộc sống mới nhanh hơn và cũng thể hiện tính nhân văn của cộng đồng.
So với 3 năm trước đây, những website tốt và uy tín về ung thư bằng tiếng Việt đã nhiều hơn. Ngoài những trang như Y học cộng đồng, Ruy Băng Tím, Salt Cancer Initiative,... bệnh nhân và người thân cũng có thể dùng các công cụ dịch tự động như Google Translator để tiếp cận các bài viết hữu ích bằng tiếng Anh như cancer.net và cancer.org.
Tuy nhiên, cần lưu ý khi tiếp xúc với những con số về "tiên lượng"! Những số liệu như "Tỉ lệ ung thư ABC sống qua 5 năm là 10%" đã trở nên dễ kiếm nhưng chỉ đáng tham khảo mà thôi. Những con số này thường là ước lượng trung bình, trên số lớn bệnh nhân nước ngoài, được khảo sát cách đây 5-10 năm nên có thể không chính xác.
Dự đoán tiên lượng của mỗi bệnh nhân riêng biệt cũng rất khó và thường không chính xác, nhất là khi người ấy còn đi lại, ăn uống bình thường. Ngoài ra, nên nhớ rằng ngày càng có nhiều người cùng tình huống bệnh vẫn có kết quả khả dĩ nên chúng ta không nên vội bi quan mà cần tập trung vào việc khả thi, ý nghĩa trước mắt để "sống sâu hơn".
Bản lĩnh con người được thể hiện rõ nhất ở khả năng giữ thái độ bình tĩnh trong những tình huống khó khăn.
Như một chia sẻ ở bài viết "Cuộc chiến với ung thư là trận chiến với chính mình" mà việc tự học tập thêm là cực kỳ quan trọng để chiến thắng bệnh tật. Hi vọng rằng bài viết ngắn này sẽ giúp nhiều bệnh nhân và người thân giữ bình tĩnh trước bệnh ung thư, biết phối hợp với nhân viên y tế để có chất lượng cuộc sống và hiệu quả điều trị tốt nhất.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/khi-bs-viet-may-chu-nay-o-ho-so-kham-ung-thu-dung-co-so-ma-hay-nho-cau-ba-muoi-chua-phai-la-tet-162201210201112076.htm
Theo ttvn.vn