Khi chưa đăng ký kết hôn ai là người có quyền nuôi con?

(lamchame.vn) - Hiện nay, việc sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn không còn là vấn đề quá xa lạ, việc không đăng ký kết hôn mà có con lại càng phổ biến hơn. Vậy ai sẽ có quyền nuôi con trong trường hợp không đăng ký kết hôn?

Sống thử - nhiều "hệ lụy" không mong muốn

Trào lưu sống thử đang khiến những cặp nam nữ sống chung như vợ chồng gặp rất nhiều hệ lụy không tốt kèm theo. Trước hết, pháp luật không công nhận quan hệ hôn nhân của hai người bởi theo Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ) có nêu rõ: "Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Nếu không thì không có giá trị pháp lý"

Do vậy, việc sống chung không đăng ký kết hôn với cơ quan có thẩm quyền thì việc sống chung đó không được coi là quan hệ hôn nhân, không được pháp luật bảo vệ.

Kéo theo đó là hàng loạt những “hệ lụy” không mong muốn như:

- Không được bảo vệ nếu có người thứ ba: Không phải là vợ chồng hợp pháp thì không có quyền, nghĩa vụ ràng buộc với nhau như yêu thương, chung thủy… (Điều 19 Luật HN&GĐ).

- Khai sinh cho con không có tên cha: Một trong những giấy tờ cần có khi đăng ký khai sinh cho con là giấy đăng ký kết hôn. Nếu không có thì những đứa con chung sẽ được khai sinh theo trường hợp chưa xác định được cha và phần ghi thông tin về cha sẽ bị để trống

- Khó xử lý tài sản chung: Với những tài sản đứng tên một người trong thời gian sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn, việc chứng minh phần đóng góp của người còn lại sẽ rất khó khăn…
 

Ảnh minh họa


Chưa đăng ký kết hôn cha có quyền nuôi con không?

Khi chưa đăng ký kết hôn mà có con, thì tranh chấp về quyền nuôi con sẽ được giải quyết như trường hợp ly hôn.

Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con

1.Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Như vậy, đứa bé sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của bạn và mẹ đứa bé. Dù hai bạn chưa đăng ký kết hôn nhưng đều có quyền và nghĩa vụ với đứa con được sinh ra và ngược lại.

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Trong trường hợp này cha và mẹ cháu bé có thể thỏa thuận về quyền nuôi con. Nếu không thể thỏa thuận có thể yêu cầu tòa án giải quyết việc giành quyền nuôi con. Trẻ sinh ra dưới 36 tháng tuổi sẽ do người mẹ trực tiếp nuôi để thuận lợi cho việc chăm con khi con mới sinh ra hoặc do cha nuôi nếu người mẹ không đủ điều kiện theo quy định của điều luật trên hay cha và mẹ đứa bé có thỏa thuận về việc nuôi đứa bé. Tất cả sẽ vì đảm bảo lợi ích của đứa con được sinh ra. Tòa án sẽ xem xét các yếu tố để đưa ra quyết định con do ai nuôi dưỡng như điều kiện vật chất (thu nhập, tài sản, điều kiện sinh hoạt chỗ ăn, chỗ ở,…) và điều kiện tinh thần (tình cảm, thời gian chăm sóc con, môi trường giáo dục con, tính cách của cha, mẹ,,…). Để giành được quyền nuôi con người cha/mẹ phải chứng minh được mình đáp ứng được các điều kiện về vật chất và tinh thần tốt hơn cha/mẹ cháu bé.

Như vậy, dù không đăng ký kết hôn thì cả hai bên cha, mẹ đều bình đẳng trong việc thỏa thuận ai là người nuôi con. Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện trên cơ sở pháp luật, việc tự ý "bắt" con về nuôi mà không có thỏa thuận hoặc quyết định của tòa án là vi phạm pháp luật.

 

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU