Những phòng chat về cyberbullying (bắt nạt trên mạng) từng được báo chí Hàn Quốc phanh phui gây sốc cộng đồng người trẻ tại Hàn Quốc. Phòng chat xấu xí được nhiều người coi như một “subculture” tại đất nước này, từ người nổi tiếng cho tới cộng đồng trẻ đều có. Đa phần trên đó là những nội dung liên quan tới nói xấu, miệt thị, tình dục… với số lượng thành viên lên tới hàng chục nghìn người.
Tại Việt Nam, không ai biết chắc về sự tồn tại của những nhóm đông đảo như vậy không nhưng với số lượng ít vài chục người thì chắc chắn có. Mới đây, vụ việc một nhóm học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở từ nhiều trường trên địa bàn Hà Nội mở một nhóm chat, công khai “mời” nạn nhân vào nói xấu đã khiến nhiều người bàng hoàng. Vụ việc chưa gây ra những hậu quả đáng tiếc nhưng khi những dòng tin nhắn được phanh phui, người ta thực sự thấy sốc và tự hỏi: Có những thế giới ngầm, các phòng chat kinh hoàng như vậy đang tồn tại thật sao?
Có nhiều điều đáng nói trong câu chuyện này. Lỗi không bao giờ thuộc về “những vì sao”, cũng không thể cứ ra rả mãi “các cháu còn nhỏ nên biết gì” được, các cháu cứ nhỏ mãi như vậy thì bao giờ mới lớn?
“Xấu là một cái tội”
Khi chia sẻ câu chuyện về phòng chat xấu xí của nhóm học sinh Hà Nội kia trên Facebook cá nhân, tôi có được chia sẻ từ một người bạn về một câu chuyện body shaming khác.
“Hồi em học cấp hai cũng có bạn cùng lớp bị bắt nạt chỉ vì bạn ý hay trang điểm, nhưng đám bắt nạt kia bảo “trang điểm vẫn xấu”. Chục đứa quây quanh cứ thế tát lia lịa, lần lượt chờ đến lượt để tát con bé. Cuối giờ học, chúng nó còn đợi ở ngõ chặn đầu, đánh tiếp rồi lột quần áo. Sau đó, bố mẹ bạn kia phải đến xin chuyển trường gấp. Mai này có con trẻ thật đáng sợ. Sợ nó bị bắt nạt đã đành, nhưng sợ nhất là nó đi bắt nạt người khác”.
Cô bạn này bằng tuổi tôi, nghĩa là câu chuyện này cũng đã ngót nghét hơn chục năm. Body shaming không phải câu chuyện mới đây khi có Internet, đó là câu chuyện có từ rất lâu rồi nhưng với sự xuất hiện của mạng xã hội, nó chuyển dần từ sự công kích cá nhân với một nhóm nhỏ sang phát tán, công kích trên mạng xã hội với sự tham gia của đông người hơn. Facebook là không gian tạo điều kiện để body shaming dễ phát tán; núp bóng dưới một tài khoản ảo và những dòng chat đầy miệt thị, không ai biết bạn là ai cả.
Body shaming vẫn có những cơ chế cơ bản: Lấy ngoại hình ra để miệt thị, chọn những đặc điểm dễ thấy nhất, đối tượng bị miệt thị là những người có sẵn tính tự ti về bản thân. Body shaming không diễn ra bộc phát rồi thôi mà âm ỉ dần dần, khiến nạn nhân thêm mặc cảm và có khả năng dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực hơn. Có những kẻ “bắt nạt” cao tay, họ không chửi rủa mà “bọc đường” những lời miệt thị của mình, để đến lúc đỉnh điểm sẽ buông ra những lời chí mạng. Body shaming cũng như mọi sự tấn công cảm xúc khác, nạn nhân càng sợ hãi thì kẻ bắt nạt càng tiếp tục lấn tới.
Body shaming không bao giờ đơn giản là về sự xấu - đẹp, nếu thực sự có một tiêu chuẩn về xấu - đẹp tồn tại. Dù bạn “xấu” hay bạn “đẹp”, những kẻ bắt nạt sẽ luôn tìm ra đủ cách moi móc để bắt nạt bạn, như “mày trang điểm mà vẫn xấu”, “mày thích đẹp hơn bọn tao à, tao sẽ cho mày thấy là mày chưa đủ đẹp đâu!”. Cũng như kỳ thị tích cực vẫn mang tính chất kỳ thị, miệt thị ngoại hình dù có lôi ra những đặc điểm được coi là “đẹp” của nạn nhân vẫn là một sự miệt thị.
“Xấu là một cái tội”, “Anh sẽ cho chúng nó biết vị trí của chúng trong xã hội này” là những lời tuyên bố chắc nịch trong phòng chat của nhóm học sinh chỉ mới chừng 14, 15 tuổi. Xấu không phải là một cái tội và nạn nhân bị nói là “xấu” cũng không có tội, chỉ “tội” cho những đứa trẻ mới ở tuổi vị thành niên đã học định khuôn con người thông qua ngoại hình.
Giữa muôn vàn bài học về tôn vinh sự đa dạng, sắc tộc, giới tính, con người, bài học về sự đa dạng cơ thể dường như đã bị bỏ xó. Miệt thị ngoại hình là sự chối bỏ tính đa dạng của cơ thể con người, tạo khuôn mẫu về vẻ đẹp và thể hình. Nó cũng nguy hiểm như việc phủ nhận sự tồn tại của các sắc tộc, xu hướng tính dục, tạo nên những hố ngăn giữa “chúng ta” và “họ”.
Bắt nạt học đường: Thách thức, ngạo nghễ và táo tợn
Cyberbullying (bắt nạt trên mạng) chỉ mới xuất hiện trong 10 năm trở lại đây tại Việt Nam khi mạng xã hội thực sự nở rộ. Đi cùng với những hoạt động mang tính cộng đồng tích cực, việc tồn tại những nhóm chat, group kín với mục đích không tốt là điều khó tránh. Tuy nhiên, cyberbullying trong câu chuyện trên như được “nâng tầm”, ít nhất trong bối cảnh tại Việt Nam.
Thứ nhất, hình thức bắt nạt đã không còn là ném đá giấu tay, nặc danh hay đằng sau lưng. Nạn nhân là một nữ sinh cấp ba, bị thêm vào trong một nhóm chat nơi đã có những kẻ bắt nạt chờ sẵn. Họ nói xấu các em trước đó và chỉ chờ nạn nhân sa vào nhóm để tiếp tục nói xấu công khai. Dù em nữ sinh đã muốn thoát ra cũng lại bị thêm vào lại, và chắc chắn cô bé không thể “đấu mồm” với ngần đó người chỉ chực lao vào tấn công. Sự thóa mạ này nặng nề giống như trong các tình huống khi phải nhìn người thân bị xâm hại mà không thể kháng cự. Những kẻ bắt nạt bắt nạn nhân phải chịu đựng và gần như không có lối thoát.
Thứ hai, ngôn ngữ bắt nạt đã không còn giới hạn ở khái niệm “miệt thị ngoại hình” thông thường. Không có một hình thức miệt thị nào được chấp nhận, dù là “béo thế”, “dạo này trông gầy gò thế”; nhưng ở đây, những lời tục tĩu và độc hại nhất được nói ra như “nhảy lầu chết hết chúng nó đi”, “xấu là một cái tội”. Nếu theo hết dòng tin nhắn, người đọc có thể thấy những lời lẽ nặng nề hơn. Đây không còn là mức đùa cợt, trêu chọc mà trở thành bạo hành tinh thần với một vòng lặp tưởng không có hồi kết. Khó có thể tưởng tượng được rằng, đây là những lời lẽ của một nhóm học sinh mới chỉ học cấp hai, cấp ba tại nhiều ngôi trường có tiếng ở Hà Nội.
Thứ ba, vụ việc tưởng như có thể kết thúc khi nhiều kẻ bắt nạt lên tiếng xin lỗi. Tuy nhiên, từ những đoạn chat vẫn được truyền tay nhau sau đó, các học sinh này vẫn tỏ thái độ bất mãn, tiếp tục muốn đánh nạn nhân. Người ta thấy sự nguy hiểm của cyberbullying khi kẻ bắt nạt không nhìn nhận được lỗi sai của mình mà tiếp tục muốn nhúng chàm, đẩy câu chuyện đi xa hơn.
Thứ tư, độ tuổi của những kẻ bắt nạt tuy không trẻ hóa so với các vụ bạo lực học đường nhưng khi nhìn về tính chất ngôn từ, hành động, không ai nghĩ các em còn trẻ tuổi đến vậy. Người ta thấy sợ khi các vụ việc bắt nạt học đường đang chuyển sang các hình thức tinh vi hơn, công nghệ hơn và để lại tác động sâu với tâm lý nạn nhân, cụ thể ở đây là đối tượng học sinh. Với thế giới mạng hiện tại, bắt nạt không phải sân chơi của những kẻ mạnh đè kẻ yếu, nó là cuộc chơi của những kẻ hiếu chiến núp trong bóng tối mà chẳng biết ai mạnh hơn ai vì một ngày, nạn nhân cũng có thể trở thành kẻ tấn công với sự nặc danh và các công cụ mạng xã hội.
Vậy bao giờ lũ trẻ mới lớn?
Đó có lẽ là câu được nhiều người hỏi nếu ai đó nói “Lũ nhỏ trẻ người non dạ, chưa đủ lớn để hiểu chuyện”.
Khi những vụ việc như vậy trôi qua, người ta lại mong cầu sự khoan dung cho những đứa trẻ, rằng các em chưa đủ lớn và trưởng thành để hiểu mọi chuyện. Các em chưa đủ lớn hay có nhiều vấn đề trong việc giáo dục trẻ nhưng người lớn cố tình lờ đi không hiểu? Khoan dung là điều cần thiết nhưng phải để cho những kẻ bắt nạt nhận được một bài học trước khi có thể tha thứ.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà việc đào tạo ra những người trẻ giỏi giang không quá khó như ngày xưa khi các em có đầy đủ vật chất, phương tiện học tập: Học sinh nhận học bổng, học sinh đạt 8.5 ielts, học sinh đạt tuyệt đối SAT lên báo rất nhiều. Nhưng liệu có một cái thang nào để đo học sinh là một công dân tốt, sống tử tế với đời và với chính mình không? Tôi nghĩ là có, mọi người đang nỗ lực để tạo ra nó, lý tưởng nhất là kết hợp cả hai. Vẫn có những tấm gương học sinh làm việc tốt, sống tử tế, giúp đỡ cộng đồng nhưng ít khi có ai đó nói rằng hãy học tập những đứa trẻ như vậy mà chỉ lấy tấm gương của những học sinh giỏi ra để dạy dỗ.
Bạo lực học đường, miệt thị xã hội hay bất cứ vấn đề gì của lứa tuổi học sinh không phải thứ tự dưng sinh ra và mất đi, cũng không phải hết tuổi dậy thì đến tuổi trưởng thành thì sẽ biến mất. Nó vẫn ở đó, âm ỉ theo cuộc đời lũ trẻ và dần hình thành những tư tưởng sai lệch, ảnh hưởng đến cả tương lai của các em và những người xung quanh. Nếu những group chat như vậy vẫn còn tồn tại, nhiều người mặc nhiên coi đó là sự đồng thuận của cộng đồng, rằng những lời lẽ tiêu cực vậy được chấp nhận. Khi những lời thóa mạ chỉ được đáp lại bằng tiếng cười hay sự im lặng, một kẻ bắt nạt nghĩ rằng mình đang làm điều đúng.
Nhưng khi một nạn nhân dám lên tiếng, ta biết rằng xã hội không chấp nhận cho những điều như vậy.