Theo một nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí JAMA Cardiology, khoảng 3/4 số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 có virus SARS-CoV-2 trong tim mình. Những người này nhiều khả năng đã phải chịu đựng một triệu chứng gọi là nhịp tim bất thường so những bệnh nhân khác.
Các nhà khoa học cho biết phát hiện virus SARS-CoV-2 trong tim bệnh nhân COVID-19 cung cấp một cái nhìn sâu sắc về cách căn bệnh có thể gây ra triệu chứng và ảnh hưởng đến con người, đặc biệt là hệ thống tim mạch của chúng ta.
Kết quả từ nghiên cứu này cũng có thể hữu ích giúp các nhà khoa học và bác sĩ tìm ra chiến lược điều trị và cứu sống các bệnh nhân COVID-19 khác trong tương lai. Bên cạnh đó, nó cũng đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh có bị tăng nguy cơ mắc bệnh tim trong tương lai không?
Tại sao các nghiên cứu trước đây không tìm ra virus trong tim bệnh nhân?
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng ra toàn thế giới trong năm ngoái, các nhà khoa học bắt đầu tìm thấy ngày càng nhiều bằng chứng về việc virus SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương cho trái tim bệnh nhân.
Ví dụ, xét nghiệm máu của một số bệnh nhân COVID-19 cho thấy nồng độ troponin tăng cao bất thường. Troponin là các phân tử được giải phóng vào máu chỉ khi trái tim họ bị tổn thương. Một số bệnh nhân khác đã bị viêm túi bao quanh tim nhìn thấy rõ trên ảnh siêu âm.
Nhưng vẫn chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy những vấn đề này là do vi rút SARS-CoV-2 trực tiếp gây ra. Hay đó chỉ là phản ứng phụ của việc hệ miễn dịch hoạt động quá mức trong một hiệu ứng gọi là bão cytokine, cũng đang giết chết những bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng?
James Stone, một nhà nghiên cứu bệnh học tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết một phần vấn đề là các nghiên cứu trước đây chưa khẳng định được sự tồn tại và xâm nhập của virus SARS-CoV-2 vào mô tim.
Các nghiên cứu trước đây đã không tìm được thấy sự hiện diện của virus trong mô tim khi sử dụng kỹ thuật RT-PCR.
Có tên đầy đủ là phản ứng chuỗi polymerase thời gian thực, RT-PCR hoạt động bằng cách phát hiện RNA của virus trong mô, sau đó tạo ra nhiều bản sao DNA của nó. Sau khi ước lượng có đủ số lượng bản sao DNA, các nhà khoa học sẽ dính một phân tử được gọi là thẻ huỳnh quang vào đó.
Nếu thẻ huỳnh quanh tỏa sáng, sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 sẽ được xác nhận và ngược lại.
Vấn đề là các mô tim thu thập từ thi thể bệnh nhân COVID-19 tử vong trước đây thường được bảo quản và xử lý bằng các hóa chất như parafin. Quá trình này có thể phá vỡ RNA của virus và ngăn cản sự hiệu quả của xét nghiệm RT-PCR.
Xét nghiệm mới phát hiện 3/4 bệnh nhân COVID-19 có virus trong tim
Trong nghiên cứu mới, bác sĩ Stone và các đồng nghiệp đã sử dụng một cách tiếp cận khác được gọi là: Lai tại chỗ và lập hồ sơ phiên mã chuỗi NanoString. Giống như RT-PCR, kỹ thuật này sử dụng các phân tử đặc biệt để gắn vào và phát hiện các đoạn RNA của virus, nhưng chúng làm như vậy mà không cần phải tạo ra bản sao DNA.
Phương pháp này có thể xác định RNA của virus SARS-CoV-2 ngay cả sau khi nó đã bị chất bảo quản cắt nhỏ thành nhiều mảnh.
Sử dụng Nanostring, bác sĩ Stone và các đồng nghiệp đã kiểm tra khoảng 1.000 mẫu mô tim của 41 bệnh nhân tử vong do COVID-19. Và họ đã làm rất kỹ. Thông thường, các xét nghiệm mô tim chỉ cần kiểm tra khoảng hơn 10 mẫu mỗi bệnh nhân là đủ. Nghiên cứu này kiểm tra hơn 20 mẫu cho mỗi bệnh nhân.
Kết quả, bác sĩ Stone đã phát hiện ít nhất 30 trái tim của bệnh nhân COVID-19 bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Trùng hợp thay, chỉ những bệnh nhân này mới trải qua các triệu chứng như rung tâm nhĩ, nhịp tim nhanh và không đều, so với những bệnh nhân khác trong nghiên cứu. Đó là một mối tương quan mà bác sĩ Stone gọi là "khá bất thường".
Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa rõ virus SARS-CoV-2 có tấn công trực tiếp vào trái tim các bệnh nhân này hay không. Hầu hết các tế bào tim bị nhiễm virus là tế bào miễn dịch, mà SARS-CoV-2 có thể đã xâm nhập vào nơi khác trong cơ thể trước khi chúng di chuyển đến tim.
Thế nhưng, nghiên cứu này đã có thể giúp giải thích tại sao thuốc steroid dexamethasone, một trong những loại thuốc đầu tiên có khả năng ngăn ngừa tử vong trên các bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng lại hữu ích.
Các nhà khoa học cho biết steroid dexamethasone giúp làm giảm viêm, vì vậy nó có thể đã hạn chế sự hiện diện của tế bào miễn dịch đang mang theo virus SARS-CoV-2 vào tim bệnh nhân. Kết quả là tỷ lệ nhiễm virus trong tim của các bệnh nhân này, sau khi được điều trị bằng steroid dexamethasone đã giảm xuống tới 50%, so với 90% trên các bệnh nhân không dùng thuốc.
Nhận xét tổng thể về phát hiện mới, Joseph Maleszewski, một nhà bệnh lý học tim mạch tại Mayo Clinic, cho biết bác sĩ Stone và đồng nghiệp đã "vẽ nên một bức tranh thực sự tốt đẹp" về mối liên hệ giữa virus SARS-CoV-2 và các vấn đề tim mạch của bệnh nhân mắc phải.
Nó không chỉ giúp chúng ta lập chiến lược cứu sống những bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng, mà còn nêu ra một vấn đề không kém quan trọng: Chúng ta phải tìm hiểu sự ảnh hưởng lâu dài của virus trên những bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Maleszewski khuyến khích các nhà khoa học cần thăm dò nhiều mô tim hơn, không chỉ để xem COVID-19 giết bệnh nhân như thế nào mà còn để tìm ra cách nó làm tổn thương trái tim của những người sống sót.
Ví dụ, căn bệnh này có thể tạo ra các mô sẹo có thể gây ra vấn đề về tim mạch nhiều năm sau khi bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh.
Cuối cùng, nghiên cứu là một bằng chứng cho chúng ta thấy khoa học hiện mới chỉ đang bắt đầu hiểu COVID-19 sẽ để lại những di chứng lâu dài nào lên cơ thể con người.
Virus SARS-CoV-2 có tấn công trực tiếp trái tim của chúng ta hay không vẫn còn là một điều chưa rõ ràng. "Nhưng những gì chưa rõ ràng ở thời điểm này có thể chính là những gì sẽ xảy đến thật sự trong tương lai", Maleszewski nói.
Tham khảo Science
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/khoang-3-4-benh-nhan-covid-19-co-nhung-con-virus-trong-tim-minh-162212303200201733.htm
Theo ttvn.vn