Không chỉ gây béo phì, ăn nhiều đồ ăn nhanh còn khiến thanh thiếu niên tăng tỷ lệ mắc trầm cảm

Chế độ dinh dưỡng với các loại thực phẩm không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm ở tuổi vị thành niên.

 

Theo nghiên cứu mới từ Đại học Alabama tại Birmingham, Anh - học sinh cấp I, cấp II có nhiều khả năng mắc trầm cảm nếu có hàm lượng natri cao (chế độ ăn với nhiều đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn) và hàm lượng kali thấp (ít ăn ngũ cốc nguyên hạt) trong nước tiểu.

Điều trùng hợp chính là, tỷ lệ béo phì và trầm cảm trong thanh thiếu niên ở Mỹ tăng vọt theo tỷ lệ thuận trong khoảng 1 thập kỷ qua.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Alabama cho biết: Cho trẻ một chế độ ăn uống lành mạnh có thể là cách bổ sung cho các phương pháp điều trị chứng trầm cảm truyền thống.

Một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew vào năm 2017 cho thấy: 13% thanh thiếu niên ở Mỹ trong độ tuổi từ 12 - 17 đã trải qua ít nhất một giai đoạn trầm cảm lớn, tăng 8% so với năm 2007.

"Điều này đặc biệt quan trọng trong việc xác định các yếu tố khiến trầm cảm gia tăng và phát triển chiến lược phòng ngừa mới", các tác giả của nghiên cứu cho hay.

Trong nghiên cứu này, 84 thanh thiếu niên người Mỹ gốc Phi đã được khảo sát. Họ đã tự báo cáo các triệu chứng trầm cảm trong khoảng 1,5 năm sau đó, còn bảng câu hỏi được lấy từ Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học về Trầm cảm.

Trong đó, 84 thanh thiếu niên được yêu cầu xếp hạng các tuyên bố như "Tôi gặp khó khăn trong việc tập trung vào những gì đang làm" hoặc "Tôi luôn cảm thấy sợ hãi" trên thang điểm: Không xảy ra, hiếm khi xảy ra và lúc nào cũng xảy ra.

Trên hết, họ cũng cung cấp các mẫu nước tiểu để nhóm nghiên cứu có thể phân tích và đánh giá nồng độ natri và kali.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa nồng độ natri cao, kali thấp - có thể là yếu tố dự đoán tốt cho các triệu chứng trầm cảm.

Những thanh thiếu niên báo cáo bị trầm cảm có chế độ ăn uống gồm toàn đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn thay vì hoa quả hoặc rau củ.

"Cần có sự can thiệp kịp thời để đảm bảo thanh thiếu niên có được chế độ dinh dưỡng phù hợp để giảm nguy cơ trầm cảm", Tiến sĩ Sylbie Mrug kiêm đồng tác giả của nghiên cứu cho hay.

"Những loại thực phẩm như trái cây, rau củ và sữa chua có hàm lượng natri thấp và kali cao nên được khuyến khích trong chế độ ăn hàng ngày của thanh thiếu niên".

Nhóm nghiên cứu nói thêm rằng, chế độ ăn uống kém có thể không phải là nguyên nhân chính gây trầm cảm. Tuy nhiên, nó đóng vài trò không nhỏ trong việc phát triển tâm, sinh lý ở thanh thiếu niên.

Đây không phải là lần đầu tiên có nghiên cứu liên kết chế độ ăn uống không lành mạnh với các triệu chứng trầm cảm.

Nghiên cứu vào năm 2018 của Đại học Manchester Metropolitan ở Anh cho thấy: Chế độ ăn uống nhiều cholesterol và chất béo bão hòa sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm.

Thêm một nghiên cứu vào đầu năm 2019 từ Đại học Loma Linda ở California khẳng định: Người trưởng thành có chế độ ăn không lành mạnh xuất hiện nhiều triệu chứng đau khổ về tâm lý hơn hẳn những người có chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Theo Daily Mail

 

Theo helino.ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU