Trẻ tham gia trị liệu âm ngữ tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Sớm nhận biết dấu hiệu trẻ chậm nói
Mặc dù đã hơn 4 tuổi nhưng con trai chị N.T.A.(28 tuổi, phường An Bình, TP. Biên Hoà, Đồng Nai) chỉ nói được từ đơn, hoặc nói rất nhiều từ khó nghe, khó hiểu.
Chị A. cho hay, lúc 3 tuổi bé chỉ nói những từ đơn nên gia đình nghĩ là chậm nói như một số trẻ khác. Tuy nhiên, càng về sau, mặc dù đã đi học ở trường mầm non, nhưng tình trạng ngôn ngữ của bé không được cải thiện nên chị mới đưa con đi bệnh viện thăm khám.
Tại đây, con chị được chẩn đoán chậm nói và cần được can thiệp. Từ đó, 2 ngày mỗi tuần, chị đưa con trai đến Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để tham gia trị liệu. Sau gần 1 năm, bé có nhiều tiến triển, có thể nói được nhiều từ hơn.
Bác sĩ Phan Thị Hiền Hoà, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ chậm nói; có thể chia là 2 nhóm chính là đơn thuần và bệnh lý. Ở nhóm bệnh lý là trẻ được xác định có các khiếm khuyết về não bộ và hệ thần kinh như bại não, chậm phát triển về tâm thần. Còn ở nhóm đơn thuần do các yếu tố như môi trường sống, ngôn ngữ (bé được tiếp xúc với từ hai ngôn ngữ trở lên); ít được tiếp xúc tương tác, giao tiếp, ít được nghe và sử dụng ngôn ngữ; ít được hướng dẫn sử dụng từ, câu cho đúng với thời điểm. Bên cạnh đó, do công việc bận rộn của bố mẹ mà trẻ tiếp xúc với các phương tiện công nghệ như ti vi, điện thoại, Ipad… đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói.
Những dấu hiệu dễ nhận biết nhất đối với trẻ chậm nói đó là trẻ phát âm những từ ngữ vô nghĩa, không rõ, chưa biết bắt chước hoặc thực hiện các yêu cầu của người khác; Hoặc từ 24-36 tháng tuổi chưa nói được 2-3 từ, câu ngắn; Đặc biệt 4-5 tuổi là lứa tuổi đã giao tiếp như người bình thường nhưng chưa thể hiện được thì cha mẹ cần phải đưa trẻ đi khám.
Cần can thiệp sớm
Các bậc cha mẹ khi phát hiện ra những dấu hiệu trẻ chậm nói ở trên thì cần đưa trẻ đi khám để can thiệp sớm cho trẻ.
Trẻ chậm nói cần được can thiệp sớm, đặc biệt là trước 3 tuổi. Nếu không can thiệp đúng thời điểm sẽ khó khăn hơn trong quá trình hoàn thành khả năng nói, diễn đạt của trẻ về sau như diễn đạt, sắp xếp câu, hoàn chỉnh khi đi học.
Cha mẹ cần tương tác với con qua các trò chơi phù hợp với lứa tuổi, động viên trẻ "nói" bằng cử chỉ hoặc âm thanh, dành nhiều thời gian chơi với con, đọc sách và nói chuyện với bé. Khi có sự tương tác với trẻ, càng dễ phát hiện được những dấu hiệu chậm nói của trẻ, qua đó có những can thiệp kịp thời.
Ở độ tuổi dưới 2 tuổi thì cần hạn chế các thiết bị công nghệ, vì khi xem thiết bị điện tử là sự tương tác một chiều, trẻ theo dõi các diễn biến trên thiết bị mà không có phản hồi lại, lâu dần sẽ ảnh hưởng tới khả năng tương tác hai chiều của trẻ, giảm phản xạ với ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày.