Khủng hoảng Covid-19 khiến thế giới "cảnh giác": Sẽ ra sao nếu Ấn Độ áp dụng mô hình chống dịch tỉ dân của Trung Quốc?

Trước những gì đang diễn ra tại Ấn Độ, toàn thế giới đang tập trung chú ý và nâng cao cảnh giác. Bài học nào giúp Ấn Độ vượt qua, liệu có nên áp dụng cách của Vũ Hán, Trung Quốc?

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm Covid-19 tích lũy trên toàn cầu đã vượt 145,77 triệu người, và số ca tử vong là gần 3,09 triệu người.

Đánh giá từ biểu đồ, số trường hợp mới được chẩn đoán hàng ngày trên toàn cầu đã dần đảo chiều sau khi đạt mức thấp vào tháng 2 năm nay và gần đây đã tiếp cận mức cao nhất lịch sử một lần nữa.

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở Ấn Độ đã làm dấy lên cảnh giác của thế giới

Theo báo cáo của truyền thông Pháp, Bỉ đã phát hiện 20 sinh viên y tá được chẩn đoán nhiễm virus đột biến Ấn Độ. Họ đến sân bay Charles de Gaulle ở Pháp bằng máy bay từ Ấn Độ, sau đó trở về Bỉ bằng xe buýt. Các chuyên gia cho rằng họ có thể đã bị lây nhiễm bởi một người siêu nhiễm.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Pháp Lacombe cho biết, virus đột biến của người Ấn Độ rất có thể đã tồn tại ở Pháp. Trước đó, virus "đột biến kép" của Ấn Độ đã xuất hiện ở nhiều quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Israel và Singapore.

Nhiều quốc gia đã đình chỉ các chuyến bay từ Ấn Độ. Vào ngày 22/4 giờ địa phương, Canada thông báo lệnh cấm tạm thời đối với các chuyến bay chở khách từ Ấn Độ và Pakistan.

Vương quốc Anh trước đó đã đưa Ấn Độ vào danh sách các quốc gia bị cấm du lịch. Pháp quy định từ ngày 24/4, tất cả hành khách đến từ Ấn Độ đều phải kiểm dịch bắt buộc.

UAE cũng đã đình chỉ tất cả các chuyến bay từ Ấn Độ vào ngày 22/4. Chính phủ Yemen đã quyết định tạm thời cấm công dân nước này đến Ấn Độ từ ngày 23/4.

Australia ngày 24/4 thông báo sẽ tạm thời giảm 30% số chuyến bay từ Ấn Độ đến Australia, hành khách cần cung cấp kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 72 giờ trước khi quay trở lại Australia.

Vì dịch bệnh, Thủ tướng Ấn Độ, ông Modi buộc phải hủy kế hoạch thăm Pháp và tham gia hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - EU, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Thủ tướng Anh Johnson cũng hủy kế hoạch thăm Ấn Độ.

Quan chức của WHO, Ryan cho biết rằng việc giảm sự lây lan của virus ở Ấn Độ là một "nhiệm vụ rất khó khăn."

Hiện tại, giải quyết tình trạng thiếu oxy là ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ quyết định nhập khẩu khẩn cấp 23 bộ thiết bị sản xuất ôxy di động với công suất tạo ôxy 2.400 lít/giờ từ Đức.

Ngoài ra, Trung Quốc, Nga, Australia, Pháp, Anh và Mỹ đều tuyên bố sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Ấn Độ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Trung Quốc kiên quyết ủng hộ chính phủ và người dân Ấn Độ trong việc chống lại dịch bệnh, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ theo nhu cầu của phía Ấn Độ, và đang duy trì liên lạc với phía Ấn Độ về vấn đề này.

Do sự tồi tệ của dịch bệnh, nhiều nơi ở Ấn Độ đã báo cáo tình trạng thiếu oxy y tế.

Ấn Độ học tập mô hình chống dịch của Trung Quốc

Tờ báo India Express của Ấn Độ viết: Từ kế hoạch giãn cách và các hành động của địa phương, Ấn Độ có thể học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Ngày 20/4, Thủ tướng Modi đã có bài phát biểu trước công chúng, kêu gọi giới trẻ hình thành các "ủy ban nhỏ" để tuyên truyền đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Ông cũng giao quyền quyết định thực hiện phong tỏa và các biện pháp khác cho các bang.

Hiệu quả của việc này hiện chưa được biết rõ, nhưng các nhà hoạch định chính sách có thể học hỏi từ những trường hợp thành công trong việc sử dụng huy động lực lượng địa phương để đánh bại dịch bệnh.

Trung Quốc có dân số tương đương với Ấn Độ, nhưng nước này có thể kiểm soát dịch bệnh với tốc độ nhanh hơn.

Các phương tiện truyền thông lo ngại hơn về việc xử lý không đúng cách lúc ban đầu đợt dịch của chính quyền địa phương, và sau đó là phong tỏa rất nghiêm ngặt và các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát nghiêm ngặt khác. Ban lãnh đạo Trung Quốc đã huy động mọi nguồn lực để đáp ứng thách thức này.

Ở cấp cơ sở, các ủy ban khu phố đóng vai trò quan trọng nhất.

Ví dụ, ở Vũ Hán, 7148 đơn vị cơ sở, cơ quan trong thành phố đã đóng cửa hoàn toàn.

Nhân viên các cơ sở này thực thi nghiêm ngặt các quy định về ra vào. Người dân không được phép rời khỏi nơi cư trú và người ngoài không được phép vào khu dân cư, trừ khi cần thiết cho nhu cầu y tế hoặc các hoạt động kiểm soát dịch bệnh.

Các tình nguyện viên thay phiên nhau có mặt tại cổng khu dân cư để kiểm tra, giám sát. Họ cũng kêu gọi cư dân hỏi thăm sức khỏe của các thành viên trong gia đình, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể tại các gia đình, thu thập thông tin về lịch trình di chuyển, v.v.

Nhân viên ủy ban cơ sở cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi các nhu yếu phẩm hàng ngày cho những người thuộc diện kiểm dịch và cư dân cao tuổi.

Các công việc cơ bản khác bao gồm truy tìm các mối liên hệ tiếp xúc gần, đăng ký và thăm khám từng người dân, đặt bệnh nhân dưới sự quản lý của cộng đồng, và chuyển họ đến các cơ sở y tế được chỉ định để cách ly.

Đông đảo thanh niên, sinh viên các trường đã tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng. Mô hình này cũng đã được mở rộng ra cả nước.

Ban lãnh đạo trung ương Trung Quốc nhanh chóng ghi nhận những nỗ lực của "tuyến phòng thủ đầu tiên" chính là các đơn vị cơ sở.

Chính phủ đã đưa ra các quy định về quyền lợi của nhân viên tham gia phòng chống dịch bệnh, chẳng hạn như trợ cấp, cung cấp thiết bị bảo hộ, bảo hiểm, công khai và hỗ trợ từ các cơ quan khác.

Khi tình hình diễn biến không khả quan, đã có một số báo cáo về tình trạng thiếu đồ bảo hộ, thực phẩm, cán bộ ban dân vận khu phố cũng suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần, phải đối mặt với sự bức xúc của dư luận.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, cuối cùng dịch bệnh đã được ngăn chặn thành công, và những hình ảnh ăn mừng ở Vũ Hán và các khu vực khác của Trung Quốc đã cho mọi người hy vọng.

Không nghi ngờ gì nữa, tình hình ở Ấn Độ còn tồi tệ hơn nhiều. Liệu "mô hình chống dịch Trung Quốc" nói trên có thể cung cấp giải pháp cho tình trạng khó khăn hiện tại của Ấn Độ?

Ở Ấn Độ, nhiều khu đô thị có hiệp hội cư dân và chính quyền địa phương, có thể thực hiện công việc vận động tương tự như ủy ban khu phố của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch hành động tập trung, điều này không thể nói đến, và đây chính là điểm mấu chốt của "mô hình Trung Quốc".

Phải có các kênh rõ ràng để chuyển nguồn lực và quyền lực từ chính quyền trung ương đến các tổ chức địa phương. Được chính quyền địa phương hướng dẫn, huy động tình nguyện viên để phổ biến thông tin, cung cấp dịch vụ và thúc đẩy sự giãn cách xã hội tốt hơn sẽ có kết quả tốt.

*Theo HNTV News

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU