Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến các biện pháp bảo vệ tình dục an toàn trở nên đắt đỏ ở Lebanon. (Ảnh minh họa)
“Tôi không có nghề nghiệp. Tôi không có gì ổn định trong tay, tôi không có cả nhà để đứa trẻ có thể chào đời an toàn”, Reuters dẫn lời cô Lina, người đã kết hôn chia sẻ.
Tình trạng suy thoái kinh tế đẩy hơn 82% dân số Lebanon vào cảnh đói nghèo. Giá trị đồng lira sụt giảm mạnh, giữa lúc các phương pháp kiểm soát sinh nở được nhập khẩu như thuốc tránh thai và bao cao su lại tăng phi mã.
Trước thời điểm đồng lira bị mất giá từ cuối năm 2019, chi phí để mua viên uống tránh thai của phụ nữ Lebanon trong vòng một năm là khoảng 21.000 lira. Nhưng hiện tại, số tiền này đã tăng gần gấp 10 lần.
Hay như một hộp bao cao su 6 cái giờ cũng có giá ít nhất là 300.000 lira (13,9 USD), tương đương gần 1/2 mức lương trung bình hàng tháng của người dân Lebanon.
Điều này khiến các biện pháp bảo vệ tình dục an toàn trở thành điều quá đắt đỏ đối với nhiều người trưởng thành trẻ tuổi ở Lebanon và có nguy cơ dẫn tới những mối đe dọa tính mạng, theo ông Faysal El Kak, bác sĩ sản phụ khoa tại Đại học Mỹ ở Beirut.
“Sự gia tăng của các ca mang thai ngoài ý muốn có thể dẫn tới hậu quả cho nền kinh tế, tăng số lượng người mắc bệnh do sinh nở và tử vong, cũng như cả sự gia tăng tình trạng nạo phá thai mất an toàn”, ông El Kak nói.
Hành động phá thai ở Lebanon bị coi là phạm pháp ngay cả trong trường hợp phụ nữ bị cưỡng hiếp. Những người tạo điều kiện, khuyến khích hoặc phá thai có thể bị phạt hành chính hoặc phải ngồi tù.
Ông El Kak cho biết thêm, do lệnh cấm mà nhiều phụ nữ mang thai ngoài ý muốn đã tìm tới các cơ sở nạo phá thai chui. Đây là lý do dẫn tới tình trạng nạo phá thai chiếm tới 25% trường hợp tử vong của phụ nữ Lebanon.
Trong báo cáo hồi năm ngoái của Liên Hợp Quốc, gần 12 triệu phụ nữ sinh sống ở các quốc gia nghèo khó đã không thể tiếp cận những biện pháp tránh thai an toàn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hậu quả có 1,4 triệu ca mang thai ngoài ý muốn.
Ông El Kak nói thêm, tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở Lebanon là hậu quả từ nguồn tài chính eo hẹp khi người dân sinh sống ở các vùng nông thôn và người di cư thường không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục an toàn và phù hợp.
Cụ thể, khi một người muốn đi kiểm tra nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục (STI) như HIV, họ thường không đủ tiền để chi trả chi phí làm xét nghiệm có giá 200.000 lira khi tới các phòng khám tư nhân.
Cũng theo ông El Kak, các dịch vụ STI lâu nay không được chú trọng và không được đầu tư tiền ở Lebanon, dẫn tới việc thiếu các cơ sở thăm khám, thiếu đội ngũ chuyên môn, thiếu phòng xét nghiệm và cả thuốc điều trị sau khi tìm ra được bệnh.
Tính tới tháng 11/2021, có 2.885 người ở Lebanon được chẩn đoán mắc HIV và trong số này chỉ có 1.941 người được sử dụng các loại thuốc kháng retrovirus. Đây là con số thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên toàn cầu.
Theo dữ liệu của SIDC, tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp xét nghiệm miễn phí STI ở Lebanon, 70% người làm xét nghiệm tại các cơ sở của tổ chức vào năm 2021 đều cho biết họ đã quan hệ tình dục mà không có các biện pháp bảo vệ an toàn.
Ông Nadia Badran, Chủ tịch SIDC, nhấn mạnh thêm dù lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tình dục an toàn ở Lebanon cần được chú trọng hơn, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở quốc gia này khiến các chương trình hỗ trợ chuyển sự tập trung vào cung cấp thực phẩm và nơi ở cho người dân.
“Họ ưu tiên tài trợ để tránh người dân bị chết đói hơn là chú trọng vào STI”, ông Badran cho biết.