“Làm dâu nhà này thì xác định phải vất vả” - mỗi lần Tết đến là tôi nhớ như in lời mẹ chồng tôi vẫn nói khi tôi mới về làm dâu, bởi lẽ thêm mỗi dịp Tết là tôi lại thấy thêm những minh họa sống động cho lời mẹ chồng tôi đã tuyên bố.
Nhà chồng tôi có 6 chị em, trên chồng tôi có 5 chị gái, đã lập gia đình, mỗi chị đều sinh từ 2 đến 3 nhóc, chồng tôi là út trong nhà. Khỏi phải kể lể dài dòng mọi người cũng biết gia đình tôi đông con đông cháu như nào. Các chị gái đều lấy chồng gần nên hễ nhà có công có việc là đủ 2 hàng ngang lớn bé tập hợp với 4 mâm cơm chật kín gần 30 con người. Truyền thống “đoàn kết - vui vẻ” trong nhà tôi càng dâng lên cao khi không khí Tết đến xuân về ngập tràn ngõ xóm.
Từ đầu tháng Chạp, gia đình tôi đã họp gia đình để lên kế hoạch, triển khai công việc ăn uống Tết. Nào là phân công anh rể cả, anh rể hai tìm con lợn nuôi nhà dân thật sạch thật ngon, chừng phải 75 cân để ăn uống cho thoải mái, cả năm mới có một ngày Tết không thể qua loa, xuề xòa. Nào là phân công chị ba mua gạo nếp quê gói bánh chưng, nào là chị tư mua đậu xanh, mua lá dong, nào là các cháu lớn đi xay giò, các cháu bé ngồi nhặt đậu rửa lá.
Còn tôi thì ngoài các công việc chính là pha chế thịt lợn, gói bánh chưng còn ti tỉ thứ việc có tên và không tên khác... Thế là chưa đến rằm tháng Chạp mà nhà tôi lúc nào cũng rộn ràng đầy nhà, mỗi cuối tuần lại ăn uống xì xụp để “họp trù bị” chuẩn bị cho cuối năm thịt lợn, tất niên và gói bánh.
Tôi biết ý cũng phải sắp xếp công việc ở cơ quan cho gọn ghẽ để cuối năm tập trung việc gia đình. 26 Tết nhà tôi thịt lợn, cả nhà tưng bừng triển khai công việc, tôi bận bù đầu từ sáng đến tối vì 7 mâm cơm buổi trưa và 5 mâm cơm buổi tối, bởi lẽ gia đình tôi chỉ có 4 mâm nhưng còn mời cô dù chú bác nội ngoại đôi bên qua ăn bát cháo lòng, tiết canh cho ấm bụng. Xong đâu đấy tôi nhoài người rửa ngần ấy mâm bát.
27 Tết nhà tôi gói bánh chưng cũng lại 4 mâm linh đình, mà gói thì mỏi tay không hết lá hết gạo, cả buổi sáng hì hụi rồi đến khâu luộc bánh bằng bếp củi từ chiều đến tận 11 giờ đêm. Khép lại một ngày với thành phẩm là gần 100 cái bánh chưng vuông vắn mà tôi như còng cả lưng.
Nỗi ám ảnh ngày Tết của nhiều nàng dâu (Ảnh minh họa: IT)
Sang ngày 28, 29 nhà tôi làm tất niên hoành tráng, ăn hai ngày vẫn chửa xong.
Ngày 30 khép lại năm cũ, người ta thì nhẩn nha dạo phố mua đồ, ngắm nghía, còn tôi thì hỡi ôi, ngập trong một đống việc nhà, mà khủng hoảng nhất vẫn là những công việc liên quan đến ăn uống. La liệt công việc đến nỗi tôi phải ghi vào giấy, nào là thịt sẵn 5 con gà để cất tủ lạnh ăn dần trong Tết (Tết kiêng sát sinh nên nhà tôi làm sẵn), làm sẵn chân giò lợn để cúng giao thừa, nào là nấu nồi thịt đông ăn Tết, nào là quấn cái dẻ sườn bò luộc mắm, nào là thổi nồi chè kho to vật vã để các chị chồng “tiện” lấy về nhà các chị thắp hương...
Đến việc về nhà ngoại đi Tết tôi cũng không có thời gian, đành phó mặc cho chồng vì mọi việc đều đến tay tôi với vai trò người dâu trưởng.
Và rồi, tất cả những cái đó mới chỉ là bắt đầu, chính thức từ chiều mùng 1 Tết, nhà chồng tôi lại đông đủ trai gái, dâu rể, các cháu diễn đều đều 4 mâm trên 1 bữa, 2 bữa trên 1 ngày đến tận ngày mùng 5 Tết là ngày hóa vàng. Nếu ai có phải đi đâu chúc Tết thì chỉ loáng cái là lại về tập kết đầy đủ ở nhà tôi.
Và như thế, Tết nào tôi cũng lại trung thành làm bạn với cái tủ lạnh và cái bếp ga và hát đi hát lại cái điệp khúc ăn ăn uống uống không bao giờ dứt.
Tết này, hôm nay đây, khi tôi đang tranh thủ ngồi thở than mấy dòng này thì ngoài sân chồng tôi vừa chở về con lợn béo núc đặt ịch giữa sân và hồ hởi tươi rói, gọi to: “Em ơi, lợn 80 cân nhé, hơn năm ngoái 5 cân, tha hồ mà... bung lụa nhé”.