Nguy cơ tăng sắc tố
Bệnh nhân nữ (24 tuổi) nhập viện trong tình trạng vảy tiết nhiều toàn bộ vùng mặt, gần như không còn thấy được vùng da lành. Cô gái trẻ chia sẻ, cô gái đã tới một phòng khám trên địa bàn Hà Nội khám và tư vấn dùng mỹ phẩm làm trắng da gồm cả thuốc uống, thuốc bôi.
Một năm sử dụng sản phẩm nói trên, cô gái trẻ thấy tình trạng da ngày càng xuất hiện nhiều vảy tiết, chiếm toàn bộ khuôn mặt mới ngưng sử dụng và đến bệnh viện Da liễu trung ương khám.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, sau khi xác định tình trạng bệnh, làm một số xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được điều trị tích cực tại Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Bệnh nhân được đắp dung dịch làm ẩm, mềm vảy tiết, giúp vảy tiết bong ra từ từ, tránh làm tổn thương da của bệnh nhân.
Ngoài ra, bệnh nhân còn được dùng các các thuốc chống viêm, chống nhiễm khuẩn, chống dị ứng...
Sau gần 2 tuần điều trị, vảy tiết vàng bong ra, làn da bệnh nhân trở lại màu sắc bình thường, tuy còn rất dễ tổn thương và có nguy cơ tăng sắc tố.
Bệnh nhân sau 12 liệu trình điều trị.
Hiện nay, cô gái trẻ đang tiếp tục liệu trình điều trị phục hồi da theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn khá e ngại và thiếu tự tin khi tiếp xúc với mọi người.
Hướng điều trị tiếp theo là phục hồi làn da, tăng cường sức khỏe cho làn da của bệnh nhân, giúp bệnh nhân lấy lại tự tin để trở lại cuộc sống thường ngày.
Bác sĩ ThS.BS Đặng Bích Diệp, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, gần đây, bệnh viện có tiếp nhận nhiều trường hợp da bị biến chứng nặng do dùng phải mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng.
Trong đó, bệnh nhân 24 tuổi kể trên là một trường hợp khá điển hình. Bệnh nhân bị biến chứng viêm da tiếp xúc nặng sau một thời gian dùng thuốc làm trắng da, kem trộn không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cẩn trọng khi dùng các loại lá làm đẹp
Thời gian gần đây trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin chia sẻ tác dụng thần kỳ của lá trầu không, rất nhiều chị em dùng lá trầu không đắp mặt đã gặp biến chứng da không thể hồi phục được.
Bệnh viện Da liễu Trung ương đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị rối loạn sắc tố do đắp lá trầu không trị mụn, nám da.
Bác sĩ Ths.BS Thân Trọng Tùy, Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, lá trầu không đắp mặt trị mụn, nám tỷ lệ thành công rất hạn chế nguy cơ biến chứng lại rất cao. Trong lá trầu không còn tồn tại một số chất gây độc cho tế bào và có khả năng oxy hóa khá mạnh gây hại cho da.
Hiện nay, lá trầu không chưa được khoa học chứng minh có khả năng trị mụn, đẹp da. Có những bệnh nhân gặp tổn thương gặp biến chứng rất nặng gây mất sắc tố rất khó hồi phục do tế bào da bị nhiễm độc nặng. Một số bệnh nhân có tổn thương tăng sắc tố da đan xen với mất sắc tố khiến cho da loang lổ.
Với những bệnh nhân gặp biến chứng này sẽ được điều trị phục hồi tái tạo lại da. Quá trình điều trị thường sẽ phải kéo dài khả năng phục hồi như ban đầu rất khó khăn do các tế bào sắc tố bị ngộ độc mất chức năng.
Để an toàn khi dùng mỹ phẩm theo bác sĩ Diệp cần lưu ý những điểm sau:
Nên tư vấn bác sĩ trước khi dùng mỹ phẩm vì mỗi một loại da sẽ có đặc thù riêng.
Chọn sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhà sản xuất uy tín, có tên thành phần, nhãn mác…
Trước khi sử dụng, chị em nên bôi ở vùng da nhạy cảm như mặt trong cánh tay để kiểm tra xem có phản ứng dị ứng với sản phẩm không. Nếu không có phản ứng bất thường nào thì mới được bôi lên mặt.
Theo Trí Thức Trẻ